Bé thức khuya sẽ bị giảm chiều cao
Vào mùa World Cup, bé Bill cứ 12 giờ mới đi ngủ, sáng ra 9 giờ mới chịu dậy, bỏ qua bữa sáng. Bà thì cằn nhằn lắm, nhưng mẹ bảo mặc kệ: “Cháu nó đang tuổi ăn tuổi ngủ”.
Rất nhiều bố mẹ cho các bé thức khuya – dậy muộn theo thói quen của bố mẹ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, thức khuya nhiều khiến bé ngủ không đủ và sâu giấc. Việc thiếu ngủ có thể đem lại những tác hại cực kỳ xấu cho bé, ảnh hưởng đến sự phát triển và thể chất.
Lý do phổ biến khiến bé thức khuya nhất có lẽ là bố mẹ thường đi làm tới 6, 7 giờ mới về tới nhà. Tắm rửa, ăn tối, xem tivi xong, giải trí đến tầm 10, 11 giờ đêm là ít. Bé mải quấn bố mẹ, mải xem tivi theo bố mẹ hoặc chỉ đơn giản là mải chơi khi nhà chưa tắt đèn đi ngủ nên cũng hình thành thói quen thức khuya lúc nào không hay. Hoặc vì bố mẹ không bắt con đi ngủ sớm.
Với những bé đang tuổi ăn, tuổi ngủ, ở nhà với bà hay người giúp việc, thói quen này tưởng như vô hại. Nhưng khi bé bắt đầu đi học, thói quen này cực xấu và có hại. Bé cần phải đến đi học đầy đủ và đúng giờ, nhưng lại không thể dậy sớm. Thói quen đã hình thành lâu sẽ càng khó bỏ.
Nếu bố mẹ chờ đến ngày khai giảng năm học mới, bắt đầu bắt con đi ngủ sớm, dậy sớm, e rằng cũng cần một khoảng thời gian dài mới tập được cho bé. Thêm vào đó, những bé lí sự một chút sẽ đặt ra những câu hỏi khó trả lời: “Tại sao bố mẹ đi ngủ muộn, còn con thì không? Sao hồi trước con có phải đi ngủ sớm đâu?”...
Nhiều cha mẹ vẫn bao biện rằng: “Chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ con ngủ ít là thiếu ngủ”. Đơn giản, vì không phải lúc nào các bé cũng biểu hiện ra cho bố mẹ biết đâu. Bé không nhất thiết/không biết cách biểu hiện. Hơn thế, các bé còn hoạt động nhiều hơn và hoàn toàn tỉnh táo.
Hãy lưu ý một chút bố mẹ nhé! Bé sẽ thiếu ngủ nếu như:
Bé thường xuyên gà gật hoặc chợp mắt tí ti rồi dậy luôn.
Thường xuyên dụi mắt và ở trong tâm trạng cáu gắt, khó chịu.
Tác hại của việc bé ngủ muộn
Đối với các bé, cũng như đối với tất cả người lớn, ngủ đủ, ngủ đúng giờ và đẫy giấc là phương thuốc hiệu quả nhất giúp cơ thể nạp năng lượng sau những giờ làm việc mệt mỏi. Hơn thế nữa, nó giúp cơ thể giữ gìn sức khỏe và nhan sắc.
Từ 2 – 5 tuổi, bé nên ngủ từ 10 – 12 giờ mỗi đêm. Từ 6 – 12 tuổi, bé nên ngủ 8 tiếng mỗi đêm. |
Thiếu ngủ ở bé khiến cho bé sẽ luôn cáu gắt, không chơi ngoan, không chịu ăn. Mẹ cứ để ý mà xem nếu hôm nào bé ngủ ít, có đúng là bé quấy mẹ hơn không? Bé mệt mỏi, thiếu ngủ, làm sao mà ngoan được?
Thiếu ngủ lại làm tăng nguy cơ béo phì của bé. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, độ dài của giấc ngủ có ảnh hưởng tới sự tăng cân của trẻ. Những bé ngủ ít hơn 10 tiếng/ngày sẽ có nguy cơ béo phì gấp 3 lần với những bé ngủ 12 tiếng/ngày. Vì ngủ ít sẽ dẫn tới việc tăng hooc-môn kích thích cảm giác đói và làm giảm lượng hooc-môn giúp giảm bớt cảm giác đói.
Ngủ ít làm bé không phát triển chiều cao
Nhiều chuyên gia tin rằng, loại hooc-môn tăng trưởng giúp cơ thể dài ra, cao thêm được tiết vào khoảng thời gian từ 10 giờ đêm – 1 giờ sáng hơm sau, lúc trẻ ngủ say nhất. Trong trường hợp bé chưa ngủ hoặc ngủ chưa say, hooc-môn này không thể hoạt động hết công suất giúp bé cao lớn thêm được?
Thức khuya rất có hại đến sức khỏe và sự phát triển của con. Bố mẹ ra sức tẩm bổ, bồi dưỡng mong con lớn khỏe, nhưng tất cả những điều này có thể bị vô hiệu hóa vì con đi ngủ muộn đấy. Hãy xem lại t hời gian đi ngủ của con và lên kế hoạch điều chỉnh nhé!
Dù bất cứ lý do gì, bố mẹ cũng nên cho con đi ngủ sớm. Khoảng 9h cả nhà tắt đèn đi ngủ. Nếu bố mẹ bận việc gì, hãy đợi khi con ngủ say, có thể dậy làm việc tiếp. Chú ý không để âm thanh, ánh sáng, tiếng ồn làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé.