Bé gái 5 tuổi tự tin hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi bị mắc kẹt trên ô tô rất thực tế, hiệu quả cao

An Chi,
Chia sẻ

Cô bé được nhận xét là vô cùng đáng yêu, truyền tải thông điệp rõ ràng, rành mạch.

Bên cạnh việc trang bị cho trẻ những kĩ năng an toàn khi đi xe ô tô, một việc quan trọng không kém là bố mẹ nên dạy trẻ những kĩ năng thoát hiểm sau trong tình huống xấu đó là bị bỏ quên một mình trên xe buýt, trên ô tô cá nhân.

Mới đây, một đoạn clip chia sẻ về những kỹ năng thoát hiểm khi bị mắc kẹt trên ô tô bất ngờ hot trên MXH. Trong video, cô bé nhỏ 5 tuổi tự tin chia sẻ với các bạn về một số kĩ năng cơ bản cần có. Phong thái, ánh mắt, cử chỉ, cách truyền đạt của cô bé khiến ai cũng khen. 

Điều quan trọng nhất là cách truyền tải thông điệp của cô bé nhỏ rất xúc tích, mạch lạc. Nhiều bậc phụ huynh đã nhanh chóng cho con mình xem để học thêm những kỹ năng sống quan trọng, giúp trẻ bình tĩnh, tìm ra cách thoát nạn trong những trường hợp nguy hiểm. 

Khoảnh khắc đáng yêu của cô bé nhỏ.

Một số kỹ năng bố mẹ cần dạy cho trẻ nhỏ khi không may mắc kẹt hoặc bị bỏ quên trên xe 

1. Cố gắng bình tĩnh để tìm cách thoát ra

Việc trước tiên cần dạy trẻ nếu chẳng may bị bỏ quên một mình trên xe ô tô đó là phải thật bình tĩnh. Giữ bình tĩnh sẽ giúp trẻ không hoảng loạn và tìm được cách thoát thân. Trong trường hợp chưa có cách thoát nạn, bình tĩnh sẽ giúp trẻ chờ đợi khi có người đến mở cửa xe cứu thoát để đưa ra ngoài.

2. Bấm còi xe liên tục

Các loại xe ô tô dù đã tắt máy nhưng bấm còi vẫn phát ra âm thanh, vì vậy bố mẹ hãy hướng dẫn con bấm còi xe để thu hút sự chú ý từ người xung quanh.

Tuy nhiên, bất cứ xe ô tô nào cũng có rất nhiều công tắc và nút điều khiển, vì vậy việc nhận ra vị trí còi xe không hề đơn giản với trẻ. Đa phần còi xe được lắp đặt giữa vô lăng của xe. Bố mẹ có thể giúp trẻ nhận ra vị trí còi xe thông qua hình ảnh, clip hoặc chỉ dẫn trực tiếp khi trẻ đi ô tô cùng bố mẹ.

3. Cần mua cho con đồng hồ định vị để có thể liên lạc với ba mẹ

Với trẻ đã đến tuổi đến trường (khoảng từ 6 tuổi trở lên), trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị hay với trẻ lớn hơn là một chiếc điện thoại để liên lạc trong trường hợp cấp bách vô cùng cần thiết. Bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách gọi điện với bố mẹ, giáo viên hoặc cảnh sát, cứu thương khi có sự cố xảy ra là bị nhốt trong xe ô tô một mình.

4. Thử cố gắng mở các cửa ô tô

Khi chẳng may bị bỏ quên một mình trên xe ô tô, hãy dạy trẻ thử mở các cửa chính và cửa sổ của xe xem có được không. Biết đâu may mắn có một cánh cửa xe chưa được đóng kín hoàn toàn thì cơ hội thoát thân cho trẻ đơn giản hơn nhiều.

Các xe ô tô đều thiết kế luôn có lẫy mở khoá cửa từ bên trong tại mỗi cửa lên xuống. Hãy bớt chút thời gian, dạy con cách bật lẫy này để mở cửa trong trường hợp khẩn cấp.

5. Bấm đèn Hazard (đèn cảnh báo nguy hiểm)

Tương tự còi xe, đèn Hazard được thiết kế nguồn điện riêng để nó lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động. Hãy chỉ cho con nút bấm đèn Hazard với kí hiệu hình tam giác trên tablo buồng lái. Bấm nó để gây sự chú ý, kết hợp với bấm còi.

Cau-be-7-tuoi-keu-cuu-trong-oto-duoi-troi-nong-1

Bớt chút thời gian dạy trẻ nhận biết nút bấm đèn cảnh báo nguy hiểm (Ảnh minh họa).

6. Kĩ năng phá kính ô tô

Với trẻ nhỏ không có điện thoại cá nhân hoặc đồng hồ định vị, việc trẻ cần làm lúc này là dùng hết sức hoặc bất cứ vật gì nặng trên xe đập cửa thật mạnh, hét thật to để người bên ngoài biết tìm cách giải cứu. Các vật nặng có thể kể đến như hộp bút, cặp sách, ô hay vật bằng kim loại như khóa dây an toàn, chìa khóa... dùng chúng đập mạnh vào cửa xe sẽ có tác dụng phát ra âm thanh thu hút sự chú ý bên ngoài. Ngoài các đồ vật trên, trẻ có thể tác động vào cửa xe bằng chân, vai bằng lực mạnh.

sinking-car-step-3-photo-382003-s-original

Trong trường hợp trẻ thường xuyên di chuyển cùng bố mẹ bằng xe gia đình, bố mẹ hãy luôn để dụng cụ phá kính ô tô trong xe và không quên dạy trẻ cách đập vỡ cửa sổ kính trên ô tô để tự thoát thân nếu chẳng may bị bỏ quên trong xe. 

otoxemay-18082015-6

Dụng cụ phá kính xe ô tô phổ biến là búa phá kính. Cho trẻ quan sát một số dụng cụ phá kính bằng hình ảnh để trẻ nhận biết. Búa thường có dạng đầu nhỏ, khi dùng lực đập vào kính, ứng suất lớn tập trung phá vỡ liên kết làm kính vỡ vụn. 

Bố mẹ đừng lo con sức yếu không thể đập vỡ kính vì búa thoát hiểm thiết kế để có đầu nhọn tập trung gia lực, do đó với một lực nhỏ của con cũng có thể đập vỡ kính, không cần quá nhiều sức. Mặt khác, kính xe luôn thiết kế là kính an toàn, nên khi đập vỡ, kính sẽ vỡ vụn dạng hạt ngô, không có mảnh sắc nên cũng yên tâm rằng không gây tổn hại đến các con.

Được biết, cô bé trong clip trên có tên là Ali Thục Phương, năm nay đã 10 tuổi. Clip trên được bố mẹ quay lại cho bé từ lúc còn 5 tuổi và vẫn chưa biết chữ. Ali hiện đang là MC nhí cho các chương trình thiếu nhi của VTV. Ngoài ra cô bé được biết đến bởi khả năng hát và diễn xuất qua các vở nhạc kịch của VTV như vai Mèo Con trong vở nhạc kịch "Cái Tết của Mèo con" phát sóng Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, Tiên Răng Sún trong 2 mùa "Nhà Hát những giấc mơ". 

Trước đó cô bé cũng từng được viral bởi một số clip cộng đồng như: Rap lịch sử Bà Triệu, Lang Liêu, Clip thoát hiểm trên ô tô, phòng chống corona... Ngoài ra con cũng có khả năng giao tiếp, ứng biến lưu loát và xuất hiện trong một số game show truyền hình như "Nhanh Như Chớp Nhí", "6 Ô cửa bí ẩn", "Cả nhà thương nhau", "Siêu tài năng nhí"...

Chia sẻ