Bé gái 3 tháng tuổi tử vong vì bố vừa chơi game vừa cho con bú bình

Ngọc Anh,
Chia sẻ

Chỉ vì thói ham chơi và sự bất cẩn của người bố mà bé gái 3 tháng tuổi đã ra đi trong chớp mắt khi đang bú bình.

Thứ 3, ngày 12/7/2016, trang Straitstimes của Singapore đã đưa tin về kết quả điều tra cái chết của bé gái Reyhana 3 tháng tuổi vào hồi tháng 10 năm 2015. 
 
Theo đó, vào tháng 10 năm 2015, khi mẹ bé - chị Nurraishah Mahzan vắng nhà, bé Reyhana đã được giao cho bố là anh Mohamed Siddiq Sazali, 27 tuổi trông nom. Lúc này, mẹ cô bé đã cho Reyhana uống được một nửa bình sữa, tuy nhiên, vì có bài xét nghiệm nước tiểu vào lúc 10h15 nên bắt buộc, mẹ cô bé phải đi ra ngoài. Lúc này, chị Nurraishah đã trao lại bình sữa cho chồng để cho bé uống tiếp. Tuy nhiên, lúc ấy, vì đang mải mê với chiếc điện thoại, anh Siddiq đã cho cô bé nằm trên đùi mình với tư thế một tay cầm điện thoại để chơi và một tay cầm bình sữa cho bé.
 
 Bố của cô bé xấu số Reyhana đã cho con bú bằng 1 tay còn tay kia thì vẫn mải mê với chiếc điện thoại.
 
Một lúc sau, cô bé đã biểu hiện không muốn uống tiếp nữa và khóc toáng lên. Tuy nhiên, bố vẫn tiếp tục dán mắt vào màn hình và đẩy bình sữa vào miệng con. Chỉ chừng 2 phút sau, cô bé bỗng nằm yên. Quá hoảng hốt, anh Siddiq đã đặt cô bé xuống giường và vỗ vào lưng cô bé nhưng không có tác dụng.
 
Đúng lúc này, ông ngoại của bé - Mahzan Ahmad, đi chợ về. Thấy cháu gái bất động và khuôn mặt tái nhợt, ông vội vàng hồi sức cho cháu thì thấy cô bé ói ra sữa. Ngay khi nhận được tin nhắn từ chồng, mẹ cô bé cũng vội vã trở về nhà và hô hấp nhân tạo cho con đến khi cảnh sát và nhân viên y tế đến. Nhưng đáng tiếc rằng chỉ một tiếng sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Singapore, cô bé Reyhaha đã qua đời. 
 
 Hình ảnh đáng yêu của cô bé Reyhaha.
 
Khám nghiệm tử thi cho thấy, xương đùi và hộp sọ của em có vết rạn nhưng đó đều là các vết thương cũ và không hề góp phần gây ra cái chết của em. Trong báo cáo của bệnh viện, họ cũng nhận định rằng các vết thương cũ sẽ không gây ra hoặc góp phần vào cái chết của cô bé, cô bé có thể bị tử vong bởi bị suy hô hấp cấp mà nguyên nhân là do sặc sữa gây ra.
 
Việt Nam cũng đã có trường hợp trẻ bị tử vong do bú bình
 
Đó là trường hợp của một bé gái 10 tháng ngụ tại Hoàng Mai (Hà Nội) vào 17/3 năm 2015. Theo lời kể của gia đình bé thì vào sáng 17/3 bé được mẹ cho nằm bú bình (trẻ vừa bú, vừa ngủ). Sau đó, mẹ bé dậy đi làm việc vặt trong nhà. Vài giờ sau, mẹ bé đi nấu cháo cho con ăn rồi đi đánh thức con dậy. Vào đến giường, chị tá hỏa khi thấy toàn thân con tím tái và vội vàng gọi taxi đưa con đến viện cấp cứu. Bé đã nhập viện trong tình trạng ngưng thở, tim ngừng đập. Dù đội ngũ y bác sĩ của khoa đã đặt nội khí quản, nỗ lực cấp cứu nhưng vẫn không kịp. Bé đã ra đi ngay sau đó.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) thì nhiều khả năng trẻ bị trào ngược trong khi nằm ngủ. Cụ thể là với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi thì lúc này, hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện hết, chính vì vậy, khi bé được cho bú no, có thể gây trào ngược sữa, từ đó gây ngạt thở.

Người lớn cần trang bị kỹ năng an toàn khi cho trẻ bú bình
 
 Hãy giữ đầu bé luôn hướng về phía trước khi bú bình (Ảnh minh họa).
 
Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ đặc biệt không để con bú bình trong khi nằm và khi đang ngủ vì tư thế này khiến trẻ rất dễ bị sặc và trớ sữa rất nguy hiểm. Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn phải chú ý những điều sau:
 
- Luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su cao luôn đầy sữa.
 
- Không để bình sữa nằm ngang trong khi bú, tránh tình trạng bé bú hơi trong bình sữa.
 
- Khi cho trẻ bú bình, mẹ phải khéo léo giữ đầu bé luôn hướng về phía trước, đừng để bé ngọ nguậy hay nghiêng đầu quá nhiều. Việc nuốt sẽ khó khăn với bé nếu đầu bé trong tình trạng bị nghiêng ngả.
 
- Khi bú không để trẻ quấy khóc vì như vậy bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày.
 
- Khi bé bú xong, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ lưng cho ợ hơi. Sau đó đặt bé nhẹ nhàng nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.
 
- Nếu bé đã ăn được một lúc và bắt đầu có dấu hiệu chán, ngậm ti, hãy dừng việc cho con ăn lại. Sữa chảy quá nhiều trong khi bé không chịu nuốt sẽ dẫn đến sặc sữa.

Nguồn: Tổng hợp
Chia sẻ