Bé chảnh vì hay được khen

,
Chia sẻ

Bé Quỳnh Chi 5 tuổi rất bầu bĩnh, dễ thương, lại nói năng hoạt bát nên ai gặp cũng nức nở khen.

Chị Thanh Trúc (Đống Đa, Hà Nội), mẹ bé Quỳnh Chi cho biết, thực sự bé là niềm tự hào không chỉ của chị mà cả gia đình. Cô con gái 5 tuổi trắng trẻo, có chiếc miệng và đôi mắt rất xinh, lại thông minh, nhanh nhẹn nên đi đâu cũng được mọi người xuýt xoa. Ở nhà, ông bà cũng luôn gọi bé là "công chúa", "cục vàng" với những lời khen như "Cháu bà là nhất", hay "Con cái nhà ai mà siêu thế"... khiến bé rất vui sướng. Thế nhưng, gần đây, chị Trúc bắt đầu lo lắng khi thấy con gái có biểu hiện kiêu ngạo, coi thường người khác.

Khi kể về những bạn gái, thậm chí cả cô giáo không được xinh lắm ở trường, bé thường dùng giọng kéo dài, giễu cợt và tuyên bố thẳng thừng: "Con không chơi với bạn ấy". Thậm chí, có lần, bé còn chê cả mẹ: "Cái áo xấu thế mà mẹ cũng mặc à?". Mỗi lần đi ra khỏi nhà, dù chỉ là ra chợ vài phút với mẹ, bé cũng đòi mặc thật đẹp, nhất định không chịu mặc bộ đồ ở nhà. Đi đâu chơi, thấy bạn nào ăn mặc bình thường, bé lại bĩu môi: "Chắc nhà bạn này nghèo rớt mẹ nhỉ?".

"Mình biết con như vậy cũng một phần do lỗi của mẹ. Nhưng muốn dạy lại cháu sao khó quá. Giờ mỗi lần bị mẹ mắng, mẹ chê, nó còn quay ra giận ngược lại mình, tẩy chay mẹ nữa chứ", chị Trúc thổ lộ.

Trẻ con bắt chước rất nhanh, nhất là từ những người thân thuộc nhất. Ảnh chỉ có tính minh họa: Hoàng Hà.

Cũng có cùng tâm sự này, chị Hoàn (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đang đau đầu nghĩ cách giúp cậu con trai 6 tuổi hòa đồng với các bạn cùng lớp.

Chị Hoàn cho biết, mới có một đứa con, kinh tế lại khá giả nên anh chị không tiếc khi đầu tư chăm sóc, dạy dỗ bé. Từ nhỏ, những gì chị mua cho con, từ đồ ăn, đồ mặc, đến đồ chơi đều là những thứ đắt nhất, xịn nhất. Đến khi con đến tuổi đi học, chị cũng cố gắng xin cho bé vào một trường mầm non quốc tế có tiếng. Thấy con thông minh và có vẻ hiểu biết hơn các bạn bè cùng tuổi, anh chị rất hãnh diện và gặp ai cũng kể về những thành tích của con: "Trộm vía, thằng cu nhà em thông minh lắm, nói như người lớn ấy", hay "tiếng Anh nói siêu lắm nhé, có khi hơn cả cô rồi đấy"...

Một lần, đưa con đến chơi nhà một người bạn, chị Hoàn xấu hổ khi nghe con trả lời cô bé bằng tuổi, con người bạn: "Tớ á, tớ học ở trường quốc tế cơ. Trường này chỉ có những nhà nào giàu như nhà tớ mới xin vào được đấy", rồi làm vẻ mặt rất vênh váo.

Năm ngoái, khi bé chuẩn bị vào lớp một, bà ngoại bé, vốn là một giáo viên giàu kinh nghiệm đã giật mình khi thấy cháu hay nói những câu tỏ vẻ coi thường người khác, cho mình là nhất và khuyên vợ chồng chị Hoàn nên cho con vào học một trường công gần nhà, nơi bà đang làm việc để tiện theo dõi và rèn giũa cháu.

Khi nghe bố mẹ nói chuyện này, cậu bé hỏi lại ngay: "Thế ở đó có điều hòa không ạ? Các bạn lớp đó có học giỏi bằng cháu không, hay toàn những đứa nhà quê"... Sau đó, dù cậu nhóc không thích, nhưng mẹ vẫn đưa đến lớp, và quả thực đó là thời kỳ khó khăn với cả hai mẹ con vì cậu bé vẫn tính chảnh chọe, luôn thích khoe khoang và tỏ ý chê bai các bạn, khiến mọi người trong lớp không thích.

Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, trẻ nhỏ tỏ ra kiêu căng, tự phụ đều do lỗi của người lớn. Hiện nay, nhất là ở thành phố, do gia đình có điều kiện, lại sinh ít con, nên các bậc phụ huynh thường dành cho con sự chăm sóc, quan tâm rất lớn. Một số gia đình còn luôn coi con là trung tâm, chiều chuộng hết mức, dành mọi sự ưu tiên về cả vật chất và tinh thần cho bé, mà quên không dạy con biết chia sẻ với người khác.

Đôi khi, tính cách ngạo mạn của trẻ là do ảnh hưởng từ chính phong cách sống của bố mẹ. Trẻ con bắt chước rất nhanh, nhất là từ những người thân thuộc nhất. Nếu bố mẹ giàu có và luôn muốn khoe điều đó với mọi người xung quanh, tỏ thái độ coi thường những người khác trước mặt trẻ... thì chẳng mấy chốc bé sẽ nhiễm tính này.

Ngoài ra, theo bà Thủy, việc khen ngợi trẻ rất tốt, giúp các bé tự tin hơn, nhưng nếu sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ, hay lạm dụng, có thể khiến trẻ tự mãn về bản thân.

"Hãy khen bé những việc bé làm tốt, một cách thật cụ thể, tránh sử dụng liên tục những cụm từ chung chung như 'con siêu quá', 'con giỏi nhất'..., đồng thời, khi bé chưa làm đúng điều gì hay thấy con có thái độ không tốt thì cần nhắc nhở ngay", nhà giáo chia sẻ.

Theo bà, với những em bé đã có tính kiêu căng, bố mẹ cần nhẹ nhàng góp ý, điều chỉnh dần dần, chớ nên phê bình gay gắt. Người lớn hãy làm gương cho con về cách đối nhân xử thế và tạo điều kiện để trẻ tiếp xúc với những hoàn cảnh sống khác nhau, dạy bé biết cách cảm thông và chia sẻ với người khác.

Với trẻ nhỏ cũng không nên ăn diện cho các cháu quá. Hãy giúp bé hòa đồng với bạn bè cùng lứa bắt đầu từ chính trang phục phù hợp.

"Điều chỉnh tính 'chảnh' của các cháu nhỏ không khó, chỉ cần người lớn chú tâm một chút là được. Tuy nhiên, nếu để tính này phát triển tự nhiên, tạo thành một thói quen, một cách sống thì sẽ rất nguy hiểm. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và cả học tập của trẻ sau này, khiến trẻ dễ tự mãn, khó thích nghi và hòa đồng", bà Thủy nói.

Theo VnExpress
Chia sẻ