Tại sao bé kiêu căng?
Trẻ kiêu căng lâu dần sẽ cảm thấy cô đơn, sống co cụm và tự ti. Bố mẹ cần làm gì để bé bớt kiêu căng?
Chị Thùy An giật mình khi nghe bé Sóc, con chị, 5 tuổi, tuyên bố trong lần hai mẹ con đến chơi nhà của đồng nghiệp chị: “Con không chơi với nhỏ này đâu, nó vừa bẩn vừa không có đồ chơi đẹp”. Ngượng ngùng, chị bào chữa: "Con bé hôm nay sao vậy, ngày thường nó ngoan lắm mà".
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên bé Sóc lên mặt với bạn bè đồng trang lứa. Ngày mới đi học, con bé vừa về đến nhà đã hậm hực với bố mẹ: "Con không ăn cơm ở trên lớp đâu, ghê lắm. Cô giáo bỏ cơm và đồ ăn vào trong bát, trộn lên như cơm cho lợn ăn”. Sợ con bị đói, trưa hôm sau, chị phải lóc cóc mang cặp lồng cơm lên cho bé. Tiếp đến là gối, đệm, chăn thậm chí là bát, thìa…anh chị cũng phải tậu riêng cho con vì: "Nó không chịu dùng chung đồ đạc với người khác”.
Rồi đến mùa nóng, lớp chỉ có bốn cái quạt nên bé Sóc không ngủ được vì nóng. Xót con, anh chị lại phải mua thêm một cây quạt đứng, đưa lên lớp với lời nhắn cùng cô giáo: "Cô nhớ để quạt thẳng ngay chỗ cháu nằm”. Dù không muốn nhưng vì nể phụ huynh nên cô giáo đành phải miễn cưỡng. Mấy hôm sau, các cô đều thấy cảnh Sóc đứng bên cạnh cây quạt, chống nạnh nói với các bạn: "Bạn nào gọi mình là chị, mình sẽ cho nằm quạt cùng".
Đến nước này, cô giáo đành phải mời chị Thùy An lên để nói chuyện và kiên quyết trả lại tất cả những vật dụng mà anh chị sắm riêng cho con gái. Trước những lời phân tích phải trái của cô giáo, chị Thùy An phải thừa nhận rằng mình có vấn đề trong cách nuôi dạy con.
Từ khi còn nhỏ, bé Sóc đã được mẹ chăm sóc rất kỹ. Tính chị An ưa sạch nên không thích con chạy nhảy lung tung khắp xóm hay dùng chung đồ đạc với bất cứ người nào khác. Thêm vào đó, anh Thiện, chồng chị tuyệt đối cấm việc vợ đưa con cho láng giềng trông hộ. Có lần, thấy người hàng xóm dạy bé Sóc làm hề, anh rất khó chịu, quát chị: "Mang nó về ngay, tôi không muốn con mình làm trò mua vui cho thiên hạ".
Mỗi lần nựng con, cả anh và chị đều nói: “Bé cưng, con là cục vàng, còn những người khác chỉ là cục đất thôi!”. Chính cách dạy dỗ của anh chị đã mặc định vào trong đầu của cô con gái rằng bé cao quý hơn những người xung quanh. Bé luôn tự cho mình là đẹp hơn, thông minh hơn bạn bè đồng trang lứa.
Theo chuyên viên tâm lý Thu Hà, tổng đài 1080: "Cách dạy dỗ này chỉ mang lại cho bé những điều bất lợi trong tương lai. Trẻ sẽ không hòa nhập với xã hội xung quanh. Chúng bị mắc bệnh vĩ cuồng và cô độc ngay với chính con người của mình".
Theo Tiếp thị & gia đình