Bé 5 tuổi bị bỏng toàn thân vì giáo viên trường mầm non làm đổ nước sôi vào người nhưng điềm nhiên không sơ cứu

Giang Nguyễn,
Chia sẻ

Sau khi bị bỏng toàn thân, cô bé 5 tuổi không chỉ bị tổn thương nghiêm trọng về mặt sức khỏe mà còn phải đối mặt với những bất ổn về tinh thần.

Tai nạn khủng khiếp ở trường mầm non khiến bé 5 tuổi bị bỏng toàn thân

Vụ tai nạn xảy ra vào tháng 2 năm ngoái ở một trường mầm non vùng Tây Nam Ba Lan. Khi Magda, 5 tuổi ngồi yên lặng nghỉ ngơi sau bữa trưa cùng với các bạn ở lớp mẫu giáo, một giáo viên mầm non được cho là xuất hiện phía sau lưng Magda và đã đánh đổ nước sôi lên người cô bé. Magda bắt đầu thét lên vì đau đớn. Nhưng người chăm sóc nhanh chóng đưa cô bé đến trước tivi xem phim hoạt hình để giữ Magda im lặng.

Giáo viên này cũng không hề gọi điện thoại cho xe cứu thương sau tai nạn khủng khiếp này. Theo các bác sĩ, quyết định đã khiến cho các vết thương của Magda trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Bé 5 tuổi bị bỏng toàn thân vì giáo viên trường mầm non làm đổ nước sôi vào người nhưng điềm nhiên không sơ cứu - Ảnh 1.

Cô bé đã bị tai nạn khủng khiếp sau giờ ăn trưa.

Trên thực tế, cô bé 5 tuổi không hề nhận được sự chăm sóc y tế nào cho tới gần 1 tiếng sau đó. Khi bố mẹ bé đến trường đón con, họ đã phải yêu cầu nhà trường phải gọi xe cứu thương ngay lập tức. Khi Magda được đưa tới bệnh viện, các bác sĩ đã rất sốc vì tình trạng bỏng nghiêm trọng của bé: 70% cơ thể Magda bị bỏng, bao gồm cả mặt, vai, cổ, lưng và ngực.

"Cảnh tượng đó kinh khủng lắm. Con gái tôi quằn quại vì đau. Con liên tục van nài ai đó hãy giúp mình. Ở bệnh viện, bác sĩ phải loại bỏ lớp da bị bỏng của con gái tôi, từng mảng, từng mảng một", Bartosz, cha Magda chia sẻ.

Cô bé bị đau đớn dữ dội tới mức bác sĩ đã phải cho Magda dùng morphine. Kể từ lúc nhập viện, bé phải trải qua 2 lần ghép da và chuẩn bị cho lần thứ 3.

Cha mẹ Magda cho biết, vụ tai nạn đã làm con gái họ bị tổn thương nghiêm trọng. Cô bé gặp phải những vấn đề khó khăn lớn trong sinh hoạt và bất ổn về tinh thần. Magda thường xuyên bị tè dầm, không thể ăn bằng thìa, hoảng hốt, lo sợ khi nhìn thấy bác sĩ và rất khó ngủ.

"Magda căng thẳng, lo lắng. Con trở thành đứa trẻ hoàn toàn khác so với trước khi gặp tai nạn", cha mẹ cô bé nói trong tuyệt vọng.

Bé 5 tuổi bị bỏng toàn thân vì giáo viên trường mầm non làm đổ nước sôi vào người nhưng điềm nhiên không sơ cứu - Ảnh 2.

Cô bé bị đau đớn dữ dội tới mức bác sĩ đã phải cho Magda dùng morphine.

Quy tắc đảm bảo an toàn cho bé tránh khỏi nguy cơ bị bỏng

Bỏng là một trong những tai nạn phổ biến ở trẻ nhỏ. Các vật dụng nhiệt độ cao, dung dịch và nước tắm quá nóng là thủ phạm chính của hơn 1/2 các ca bỏng ở trẻ em. Để phòng tránh tai nạn bỏng cho trẻ, những quy tắc an toàn sau nên được tuân thủ nghiêm ngặt để ngăn chặn mọi nguy cơ bị bỏng cho trẻ:

Trong bếp:

- Nếu có thể, không để trẻ vào bếp khi bạn đang nấu nướng.
- Không để trẻ đến gần phía trước lò nướng - cửa lò nướng có thể rất nóng.
- Không để ấm đun nước ở phía ngoài mặt/bàn bếp.
- Quay tay cầm chảo hướng vào phía trong bếp.
- Khi làm món khoai tây chiên, sử dụng máy rán điện được kiểm soát nhiệt độ hoặc sử dụng lò nướng.
- Dạy trẻ trên 7 tuổi cách sử dụng các thiết bị bếp an toàn – ví dụ lò nướng, lò vi sóng.
- Với trẻ lớn hơn, dạy trẻ cách rót nước sôi từ ấm đun nước và dùng bếp một cách an toàn.

Khi làm ấm bình sữa cho bé sơ sinh, tránh sử dụng lò vi sóng. Sữa có thể không được làm nóng đều, để lại những vệt sữa rất nóng có thể khiến miệng bé bị bỏng. Tốt nhất là dùng thiết bị làm nóng bình sữa chuyên dụng.

Sau khi làm ấm, lắc đều bình sữa và kiểm tra nhiệt độ bằng cách nhỏ vài giọt sữa lên phía trong cổ tay. Bạn cảm thấy ấm là ổn. Nếu thấy nóng thì cần để nguội bớt.

Bé 5 tuổi bị bỏng toàn thân vì giáo viên trường mầm non làm đổ nước sôi vào người nhưng điềm nhiên không sơ cứu - Ảnh 3.

Cô bé Magda gặp phải những vấn đề khó khăn lớn trong sinh hoạt và bất ổn về tinh thần.

Đồ uống nóng:

15 phút sau khi được pha, đồ uống nóng vẫn có thể gây bỏng cho trẻ nhỏ. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn hãy:

- Không bao giờ uống trà hay cà phê khi đang bế bé sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.
- Để đồ uống nóng xa ngoài tầm với của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Không bao giờ chuyển đồ uống nóng qua đầu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.

Trong phòng tắm:

Bé 5 tuổi bị bỏng toàn thân vì giáo viên trường mầm non làm đổ nước sôi vào người nhưng điềm nhiên không sơ cứu - Ảnh 4.

Nếu không lắp van ổn nhiệt, bố mẹ nên xả nước lạnh vào bồn tắm trước, sau đó mới xả thêm nước nóng (Ảnh minh họa).

- Kiểm soát vòi hoa sen hoặc lắp đặt van ổn nhiệt.
- Nếu không lắp van ổn nhiệt, bố mẹ nên xả nước lạnh vào bồn tắm trước, sau đó mới xả thêm nước nóng.
- Dù có lắp đặt van ổn nhiệt hay không, luôn kiểm tra nhiệt độ nước bằng khuỷu tay trước khi tắm cho bé. Nước nên tạo cảm giác không nóng cũng không lạnh.

Trong phòng ngủ:

Máy duỗi tóc có thể nóng chẳng khác nào bàn là và có thể gây bỏng nặng cho da trẻ 8 phút sau khi bạn đã rút phích cắm. Vì vậy, hãy để máy duỗi tóc ngoài tầm với của trẻ ngay sau khi dùng. Lý tưởng nhất là sử dụng túi làm lạnh được thiết kế đặc biệt.

Ngoài trời:

- Không để trẻ lại gần các bếp nướng ngay cả khi bạn đã dùng bếp xong.
- Không để trẻ đến gần khu đốt lửa trại pháo hoa hay nến trong vườn.

Cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng

Bé 5 tuổi bị bỏng toàn thân vì giáo viên trường mầm non làm đổ nước sôi vào người nhưng điềm nhiên không sơ cứu - Ảnh 5.

Nếu vết bỏng bắt đầu khiến bé đau trở lại, hãy dội nước mát lần nữa (Ảnh minh họa).

- Dùng nước mát xối ngay vào vùng da bị thương ngay lập tức trong vòng 10-15 phút.
- Một khi vết bỏng đã dịu đi, loại bỏ quần áo khỏi vùng da bị thương.
- Nếu quần áo dính vào da, đừng cố gắng gỡ nó ra. Việc này hãy để chuyên gia y tế thực hiện.
- Nếu vết bỏng bắt đầu khiến bé đau trở lại, hãy dội nước mát lần nữa.
- Không chạm vào vùng da bị thương hay làm vỡ các nốt bỏng, nó có thể khiến bé bị nhiễm trùng.
- Nếu có thể, hãy tháo những thứ như đồng hồ, nhẫn ra khỏi vùng bị thương vì nó có thể sưng lên.
- Phủ hờ lên vết bỏng bằng những vật liệu không có sợi bông hoặc lông tơ để tránh nhiễm trùng. Giấy bỏng là lý tưởng nhưng không được quấn quanh vết thương, chỉ cần đặt hờ lên trên vùng da bị bỏng.
- Không thoa bất cứ loại kem nào lên vết thương.
- Đưa trẻ tới viện hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ về cách điều trị phù hợp. Nếu trẻ bị bỏng trên mặt, bàn tay, bàn chân, khớp hoặc bộ phận sinh dục và bất cứ vết bỏng nào lớn hơn 1 con tem thư, đều nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ.

Nguồn: Kidspot, Nidirect

Chia sẻ