Bé 4 tuổi sốt cao suýt tử vong vì bố mẹ lấy cồn lau người
Việc hạ sốt sai cách có thể khiến trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm tới tính mạng.
Trong quá trình trẻ lớn lên không tránh khỏi việc bị ốm, sốt. Tuy nhiên, vấn đề cần chú ý nhất là nếu hạ sốt sai cách có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây, một sự việc đáng tiếc xảy ra ở Thâm Quyến, Trung Quốc gây xôn xao cộng đồng mạng. Theo đó, có một em bé 4 tuổi được cha mẹ đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, yếu ớt, nói không thành tiếng.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện tình trạng của bé rất xấu liền chuyển sang phòng ICU điều trị. Dựa trên kết quả chụp cộng hưởng MRI vùng đầu của bé, bác sĩ nhận thấy vùng dưới đồi bị sưng tấy. Khi vùng này xuất hiện các triệu chứng vậy, có thể là bệnh não chuyển hóa hoặc não nhiễm độc.
Khi hỏi về tình hình của bệnh nhân, bác sĩ biết được gần đây bé thường xuyên bị sốt. Cha mẹ thấy bé còn quá nhỏ nên không muốn cho dùng thuốc hạ sốt. Thay vào đó, họ áp dụng một phương pháp của ông bà truyền lại, đó là dùng khăn thấm cồn lau trán và cả người con mình.
Họ tin tưởng cách hạ sốt này an toàn và hiệu quả. Thế là họ dùng cồn lau người cho con nhiều lần trong ngày.
Thông qua lời kể của cha mẹ, kết hợp với các triệu chứng và kết quả kiểm tra, cuối cùng bác sĩ nhận định tình trạng của bé giống như bị nghiện rượu.
Bác sĩ dặn dò các bậc cha mẹ rằng, khi trẻ bị sốt tuyệt đối không nên áp dụng các bài thuốc dân gian để hạ sốt.
Trong trường hợp trên, cha mẹ đứa trẻ tin việc thoa cồn lên cơ thể giúp hạ sốt nhanh. Mặc dù lau người bằng cồn có thể hạ nhiệt, nhưng cồn cũng có thể được trẻ hấp thụ qua da. Nếu dùng một lượng lớn cồn để lau người trẻ, ngoài khả năng dị ứng cồn, còn có thể gây ngộ độc cồn cấp tính, suy hô hấp, đe dọa tới tính mạng của trẻ.
Sau khi nghe bác sĩ phân tích, cha mẹ của đứa trẻ cho biết họ sẽ không bao giờ dùng cách này để hạ sốt cho con mình nữa.
Mặc dù tình trạng của em bé trên bị nhiễm toan chuyển hóa nặng và suy giảm chức năng não, sau 2 ngày được các bác sĩ tích cực điều trị bé đã tỉnh dậy. Sau 1 tuần điều trị, bé được chuyển ra khỏi ICU và chuyển đến khoa nội để tiếp tục phục hồi chức năng. Khi bác sĩ kiểm tra lần cuối, tình trạng của bé về cơ bản đã trở lại trạng thái bình thường, chỉ khác một chút là tốc độ nói còn chậm.
Khi trẻ bị sốt, bố mẹ cần xử lý như thế nào?
Trẻ sốt là chuyện rất phổ biến và cần có những phương pháp hạ sốt phù hợp để không đe dọa tới tính mạng của trẻ. Dưới đây là một số cách hạ sốt phổ biến hiện nay:
- Dùng thuốc hạ sốt
Khi trẻ bị sốt, sử dụng thuốc hạ sốt sẽ mang lại hiệu quả cao và ít xảy ra các biến chứng. Tuy nhiên, khi dùng thuốc hạ sốt, bạn cần dùng theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng.
Việc sử dụng thuốc hạ sốt ra sao, liều lượng như thế nào còn tuỳ thuộc vào tình trạng sốt, độ tuổi, loại thuốc, thời gian sử dụng… Nếu dùng sai thuốc, hoặc dùng không đúng liều lượng… trường hợp nhẹ thì không gây hại, nặng có thể bị suy nội tạng.
- Lau bằng nước ấm
Khi trẻ sốt cao, cha mẹ có thể dùng khăn thấm nước ấm lau cổ, nách, trán và các bộ phận khác. Động tác lau người có tác dụng đẩy nhanh quá trình lưu thông máu, nước ấm bay hơi có thể lấy đi nhiệt, khiến da của trẻ mát hơn.
- Mặc quần áo mát mẻ cho trẻ, thông gió nhà cửa
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ có thể giảm bớt quần áo, thay đồ rộng rãi, mát mẻ, chú ý thông gió trong phòng để đảm bảo nhiệt độ ở mức 27 độ C. Lúc này, nhiệt độ không khí mát mẻ có thể giúp cơ thể trẻ hạ nhiệt.
Lưu ý: Thông gió, làm mát nhà cửa không có nghĩa là thổi gió lạnh trực tiếp vào người trẻ. Chú ý nhiệt độ trong nhà không quá thấp.