Bé 3 tuổi bị bỏng khi ăn lẩu, 3 ngày sau toàn thân lở loét: Nguyên nhân khiến nhiều người sốc
Tai nạn và căn bệnh mà em bé này mắc phải sẽ khiến các bậc cha mẹ nhận ra mình không nên chủ quan với các vết thương nhỏ ở trẻ.
Trẻ nhỏ thường hiếu động và chưa ý thức được hết những nguy hiểm xung quanh, vì vậy, những tai nạn tưởng chừng nhỏ nhặt đôi khi lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Từ những vết trầy xước, bỏng nhẹ đến nhiễm trùng da, chỉ cần một chút lơ là của người lớn, trẻ có thể gặp phải những biến chứng khó lường. Đặc biệt, các tổn thương trên da nếu không được xử lý đúng cách có thể trở thành "cánh cửa" cho vi khuẩn xâm nhập, gây ra những căn bệnh nguy hiểm, điển hình như trường hợp dưới đây.
Mới đây, tại Trịnh Châu, Hà Nam (Trung Quốc), một sự việc khiến nhiều bậc cha mẹ không khỏi hoảng hốt: Một bé trai 3 tuổi bị bỏng nhẹ ở miệng khi ăn lẩu, nhưng chỉ 3 ngày sau toàn thân bé xuất hiện vết lở loét nghiêm trọng.
Theo gia đình chia sẻ, ban đầu bé chỉ bị bỏng nhẹ ở khóe miệng, sau đó xuất hiện một mụn nước nhỏ. Bé đã dùng tay gãi khiến nước chảy ra. Do nghĩ rằng đây chỉ là vết bỏng thông thường, gia đình không quá để ý. Không ngờ, chỉ sau vài ngày, vết thương lan rộng, toàn bộ vùng ngực và lưng của bé đều bị lở loét, đau đớn đến mức không thể cử động.

Toàn thân bé trai bị lở loét nghiêm trọng.
Bác sĩ cho biết bé bị hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome – SSSS). Đây là một tình trạng nhiễm khuẩn da nghiêm trọng do vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra. Loại vi khuẩn này thường tồn tại trên da, nhưng khi da bị tổn thương (như bỏng, trầy xước), vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Hiện tại, bé trai đang được điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh. Sự việc này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, nhiều người sốc và lo lắng.
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu là gì?
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu là (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome – SSSS) là một bệnh nhiễm trùng da cấp tính nghiêm trọng do tụ cầu vàng nhóm II type 71 có coagulase (enzyme do vi khuẩn sản xuất) dương tính gây ra. Bệnh còn được gọi là viêm da bong vảy hoặc hội chứng hoại tử biểu bì do tụ cầu khuẩn.
Bác sĩ cho biết bệnh này phổ biến vào mùa hè và mùa thu, với đỉnh điểm từ tháng 7 đến tháng 9. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi, trong đó trẻ từ 2-3 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất.
Sau khi bị nhiễm vi khuẩn, cơ thể sẽ sản sinh độc tố làm bong tróc biểu bì, phá vỡ hàng rào bảo vệ da, gây tách lớp da và hình thành mụn nước. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bôi chứa corticoid lâu dài, ngoáy mũi, ngoáy tai cũng có thể làm tổn thương da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
May mắn thay, dù nhìn có vẻ đáng sợ nhưng bệnh này có thể chữa khỏi. Phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục sau 1-2 tuần điều trị kháng sinh.
Bác sĩ cũng cảnh báo rằng bệnh có tính lây nhiễm, do đó trẻ mắc bệnh cần được cách ly điều trị.
Nếu phát hiện mụn nước trên da trẻ, cha mẹ không được chủ quan hay tự ý xử lý. Cần quan sát tình trạng của trẻ thường xuyên, nếu có đỏ da, sưng đau, sốt hoặc nổi ban toàn thân, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để tránh biến chứng nghiêm trọng.

Cha mẹ cần cẩn trọng với những vết thương nhỏ ở con mình.
Đừng xem nhẹ những vết thương nhỏ trên da
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, cha mẹ không nên chủ quan trước những vết thương nhỏ ở trẻ, đặc biệt là các vết bỏng, trầy xước và mụn nước. Dưới đây là những bước cần thực hiện ngay khi trẻ bị bỏng nhẹ:
- Rửa sạch vết thương bằng nước mát trong ít nhất 10 phút để làm dịu da.
- Không tự ý chọc vỡ vết phồng nước, vì điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Sát trùng vết thương bằng dung dịch y tế.
- Dùng băng gạc vô trùng để che vết thương, nhằm tránh nhiễm trùng.
- Theo dõi tình trạng vết thương. Nếu xuất hiện dấu hiệu sưng tấy, chảy mủ, lở loét hoặc sốt cao, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ và ngăn ngừa những biến chứng không mong muốn.
Trẻ em có làn da mỏng manh hơn người lớn, nên nguy cơ nhiễm trùng cũng cao hơn. Ngay cả một vết thương nhỏ cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc đúng cách.