Bé 1 tuần tuổi trớ ra sữa màu xanh, bà mẹ đưa con đi khám rồi "chết lặng" khi bác sĩ báo hãy chuẩn bị tinh thần

H.H ,
Chia sẻ

Trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ nói họ sẽ cố gắng làm hết sức, nhưng gia đình cũng vẫn nên chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Nôn trớ là một vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là sau khi trẻ mới bú sữa xong. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hệ tiêu hóa của các bé chưa hoàn thiện, dạ dày nằm ngang và cơ thắt tâm vị còn yếu. Tuy nhiên, nếu có trớ thì trẻ cũng chỉ trớ sữa màu trắng. Thế nên, chị Colette Kirby, sinh sống ở Nottinghamshire (Anh), đã hoảng loạn khi thấy cô con gái út Mary-Anne Kirby nôn ra sữa có màu xanh khi chỉ mới được 1 tuần tuổi.

Bà mẹ 5 con kể: "Mary sinh ra nặng 2,8kg và là một em bé hoàn toàn khỏe mạnh. Mẹ con tôi nằm viện vài ngày thì được bác sĩ cho về nhà. Tuy nhiên, khi về nhà thì Mary không thức dậy để bú sữa, thậm chí ngay cả khi tôi cố tình cho con bú, con cũng bú rất ít. Con còn không đi ị trong vòng 2 ngày. Tôi đã cảm thấy có gì đó không ổn".

Thấy con 1 tuần tuổi trớ ra sữa màu xanh, bà mẹ đưa con đi khám rồi kinh hoàng nghe bác sĩ báo hãy chuẩn bị tinh thần - Ảnh 1.

Mary đã phải trải qua ca phẫu thuật ruột khi chỉ mới được 1 tuần tuổi.

Vì lo lắng nên chị Colette đã gọi điện thoại đến bệnh viện để hỏi, các nữ hộ sinh nói rằng Mary có thể là một đứa trẻ lười ăn. Song, ngay sau đó, chị Colette bắt đầu phát hiện ra con gái mình nôn ra sữa có màu xanh.

Quá hoảng loạn, chị tức tốc bế con đến phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Queen ở gần nhà. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết có khả năng bé gái đã bị xoắn ruột – một hiện tượng hiếm gặp khi ruột bị xoắn, dẫn đến tích tụ phân và không được cung cấp máu đầy đủ.

"Tôi thật sự sợ hãi khi nghe tin đó. Bác sĩ nghi ngờ con tôi bị tắc nghẽn ở ruột và nó đã bị nhiễm trùng có thể vỡ ra bất cứ lúc nào. Nên bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Lúc đó Mary mới được có 1 tuần tuổi", chị Colette cho biết.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ nói rằng họ sẽ cố gắng làm hết sức nhưng gia đình cũng vẫn nên chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Không còn cách nào khác, vợ chồng chị Colette chỉ còn biết ngồi chờ bên ngoài phòng phẫu thuật và cầu nguyện.

May mắn là 5 tiếng rưỡi sau, bác sĩ thông báo ca mổ đã thành công. Ruột thừa của Mary đã bị cắt bỏ vì nó nằm sai vị trí, và đại tràng cũng đã được tái tạo lại.

Thấy con 1 tuần tuổi trớ ra sữa màu xanh, bà mẹ đưa con đi khám rồi kinh hoàng nghe bác sĩ báo hãy chuẩn bị tinh thần - Ảnh 2.

Hiện tại, cô bé đã được 7 tháng và đang là một đứa trẻ khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc.

Sau khi không còn bị tắc ruột nữa, Mary đã bú tốt và lớn nhanh. Bây giờ cô bé đã được 7 tháng tuổi và là một cô bé khỏe mạnh, xinh đẹp. "Khi tình trạng táo bón thuyên giảm, Mary bắt đầu tăng cân và đạt được các cột mốc phát triển quan trọng. Con tôi rất vui vẻ và hạnh phúc", chị Colette nói.

Bà mẹ 5 con cũng cho biết thêm là hiện nay Mary đã ngưng dùng thuốc trong hơn 120 ngày và nặng 7,2kg. Chị chia sẻ: "Sự phục hồi của Mary thật đáng kinh ngạc. Ruột của con tôi sẽ không bao giờ có hình dạng bình thường. Mọi thứ cần được theo dõi chặt chẽ vì theo lời bác sĩ, Mary có thể hình thành một tắc nghẽn khác và trở nên bất ổn".

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh là như thế nào?

Tắc ruột là một dị tật đường ruột xảy ra bất thường trong thai kỳ khi ruột của em bé không hình thành thành cuộn ở trong bụng, gây ra tình trạng tắc nghẽn. Tình trạng này chiếm tỷ lệ khoảng 1/2.500-3.000 ca sinh ở Anh.

Thấy con 1 tuần tuổi trớ ra sữa màu xanh, bà mẹ đưa con đi khám rồi "chết lặng" khi nghe bác sĩ báo hãy chuẩn bị tinh thần - Ảnh 4.

Theo Tiến sĩ Fernando Delrosario – bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thuộc Bệnh viện Nhi đồng Nemours (Mỹ), nguyên nhân gây ra hiện tượng tắc ruột là khi thai nhi phát triển trong bụng mẹ, ruột bắt đầu hình thành như một cái ống nhỏ, nối giữa dạ dày và trực tràng. Trong tam cá nguyệt thứ 3, ruột của thai nhi sẽ di chuyển từ dây rốn vào trong bụng. Trong quá trình này, nếu ruột di chuyển sai cách sẽ dẫn đến tình trạng bị xoắn và gây ra tắc nghẽn.

Tiến sĩ Fernando cũng chia sẻ thêm rằng hầu hết những đứa trẻ bị xoắn ruột đều được sẽ khỏe mạnh và phát triển bình thường nếu được phát hiện và điều trị sớm trước khi ruột bị tổn thương vĩnh viễn. Do đó, nếu bạn thấy con nôn trớ ra hai màu vàng hoặc xanh, đồng thời bụng sưng to hoặc phân có máu thì hãy đưa con đến bệnh viện cấp cứu gấp.

Nguồn: Mirro, Health

Chia sẻ