Bật mí bí quyết nuôi con đầu lòng của một bà mẹ mát tay
Trong suy nghĩ của nhiều người, Thanh Dung là một phụ nữ đảm đang và là bà mẹ rất mát tay trong việc nuôi con đầu lòng.
Với Thanh Dung (nhân viên kinh doanh, hiện đang sinh sống tại Hà Nội), hạnh phúc của người phụ nữ là những đứa con khỏe mạnh và gia đình hạnh phúc. Hãy cùng trò chuyện với Thanh Dung để biết bí quyết nuôi dạy con của bà mẹ trẻ này là gì nhé!
- Chào Dung! Nhiều người bảo Dung thay đổi rất nhiều sau khi sinh, bạn có thấy thế không?
Đúng là lập gia đình, sinh con khiến mình thay đổi rất nhiều. Trước hết có lẽ là hình dáng. Lúc lên bàn đẻ là mình tăng những 15kg so với hồi còn con gái. (Cười). Ngoài việc lên cân, mình có vài điểm khác nữa đó là mình sống có trách nhiệm, trưởng thành hơn, biết vun vén cho cuộc sống hơn.
- Nếu tự nhận xét, bạn có cho rằng mình là một bà mẹ nuôi con đảm?
Cái này chắc để sau này con nhận xét có lẽ khách quan hơn cả. Trước khi sinh Bon, lúc nào rảnh là mình lại cập nhật những kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy con.
Mình nghĩ rằng mỗi một giai đoạn phát triển của trẻ, bố mẹ lại cần một phương pháp, sự chăm sóc con khác nhau. Khi con còn nhỏ thì dĩ nhiên chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh, tắm nắng để phát triển chiều cao, chăm sóc răng miệng của trẻ là quan trọng. Khi con lớn hơn một chút thì ngoài dinh dưỡng, quan điểm của mình là việc nên tạo thói quen cho con, giúp con vào khuôn khổ, nề nếp cũng là điều quan trọng không kém.
- 8 tháng, Bon đã biết làm những gì rồi Thanh Dung?
Bé biết trườn và đang trong giai đoạn tập bò. Bon hoạt động chân tay liên tục, suốt ngày lê la xung quanh sàn nhà. Bé thích khám phá môi trường xung quanh một cách nghiêm túc. Bé nhai, đập, ném những gì trong tầm tay bé. Bé cười thích thú mỗi khi chơi trò “ú òa” cùng bố mẹ.
Bé rất thích bắt chước cách bố mẹ nói, không phải bằng từ mà bằng ngữ điệu. Những lúc nhìn con như vậy, mình hạnh phúc và vui lắm.
- Trộm vía Bon nặng cân và dài hơn những bé cùng tháng, bí quyết của Dung là gì?
Mình tích cực cho con ăn nhiều sữa mẹ. Bởi dường như ai cũng biết lợi ích của sữa mẹ tốt như thế nào đến sức khỏe của bé. Ngoài ra, mỗi ngày bé ăn thêm 2 bữa ăn dặm, hoa quả nghiền, sữa chua, váng sữa.
Với nhiều bà mẹ, ngày đầu tập cho bé ăn dặm khá khó khăn vì bé không hợp tác. Bon thì thế nào?
Mình cho Bon ăn dặm từ tháng thứ 6. Đó là những thìa bột loãng đầu tiên. Con thích ăn lắm, mắt hau háu và miệng chẹp chẹp. Khi bé há miệng để nuốt thức ăn mình thấy đó là dấu hiệu bé chịu ăn. Dần dần mình bắt đầu nghĩ đến chuyện tăng dần khối lượng và độ đậm đặc của thức ăn, nghĩa là từ loãng sệt sang đặc dần.
Mình cho Bon ăn mỗi loại thức ăn từ 5 đến 7 ngày để cho bé quen dần với hương vị, đồng thời nếu có vấn đề gì mình còn phát hiện sớm.
Cơ thể trẻ cần rất nhiều dưỡng chất dinh dưỡng để tăng trưởng và phát triển. Bữa ăn cung cấp dinh dưỡng nên cần có đủ 4 nhóm thực phẩm từ tinh bột, đạm, rau củ trái cây và chất béo.
Thức ăn của trẻ sẽ được chuyển dần từ mịn sang thô dần. Sau khi nấu chín có thể dùng rây để tán nhuyễn thức ăn. Các bữa ăn của trẻ được xen kẽ bằng các cữ bú mẹ. Tóm lại, Bon có riêng một thời khóa biểu cho mình.
Cụ thể, thời khóa biểu của Bon như thế nào?
Bé ăn uống, ngủ nghỉ rất đúng giờ. Sáng 8h30 dậy và trước 9h30 tối là bé đã ngủ rồi.
Theo mình, thời khóa biểu giúp con đi vào nề nếp, đúng giờ uống sữa, đúng giờ ăn bột, đúng giờ ngủ nghỉ. Ban đầu việc ăn đúng giờ, ngủ đúng lúc rất khó vì bé sinh hoạt không theo giờ giấc. Nhưng chỉ sau 1 thời gian thì bắt đầu có hiệu quả, bé thích nghi và thực hiện theo khá ổn.
Điều này khá tốt, mình không phải thức đêm và stress mỗi khi cho con ăn mà bé lại quy củ hơn. Bữa ăn của bé thường kéo dài tối đa là 20 phút, nếu lâu hơn, mình dừng luôn dù bé có ăn được hay không. Mình không ép con ăn hay chạy theo chỉ tiêu sữa. Làm như thế không chỉ khiến mẹ bị stress mà bé cũng sẽ sợ ăn. Cứ như hiện nay, đúng giờ, bé lại nhom nhem thèm ăn, vậy là bữa ăn với bé như một niềm vui vậy.
- Bon trộm vía ít ốm, Dung có những kinh nghiệm nuôi con, chăm sóc con là từ những nguồn nào vậy?
Mình cũng làm mẹ lần đầu tiên, còn rất nhiều bỡ ngỡ và cần phải trau dồi, học hỏi kiến thức. Ngoài những kiến thức mình tìm hiểu ở sách báo, internet, mình luôn tham khảo ý kiến của bố mẹ, ông bà, những người bạn xung quanh.
Rất may mắn là ông ngoại Bon làm bác sỹ nên mình luôn được ông hỗ trợ tư vấn kinh nghiệm nuôi dạy con. Đặc biệt ông rất "mát tay" trị bệnh cho bé.
Ông có khuyên một điều rằng, cha mẹ không nên chủ quan trong việc giữ ấm cho con trẻ dù trong thời tiết như thế nào. Dù mùa nóng hay mùa lạnh, vì trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh vì hệ hô hấp còn yếu.
Bởi vậy, trước khi đi ngủ, mình thường lau người cho con bằng nước muối ấm để bé hết mồ hôi sau khi nô đùa, điều này càng giúp bé ngủ ngon hơn.
Thêm vào đó, mình mong muốn dạy bé tự lập và ga lăng giống như trẻ em Pháp. Mình rất ngưỡng mộ các mẹ Pháp về cách nuôi con, rất nhàn và con biết nhiều thứ.
Thú thực, mình không muốn làm một người mẹ phát xít, không muốn suốt ngày quát tháo, mắng mỏ con. Mình chỉ nghĩ đơn giản như này, hãy để cho con lớn lên cùng yêu thương và cho con phát triển một cách tự nhiên.
Con có ngoan hay hư là do cách dạy dỗ, do hành vi của người lớn. Trẻ con rất hay bắt chước, vì vậy bố mẹ nên sống đẹp để con học những điều hay.
Phương châm của mình là 3 không "không quát, không đánh và không tiếng khóc”. Vì đánh con hay mắng con, bố mẹ cũng có vui đâu. Thậm chí mình biết có những ông bố bà mẹ đánh con xong, họ quay đi để giấu nước mắt khóc vì xót con.
Mình sẽ cố gắng để trở thành 1 người bạn lớn của con. Mình hay gọi Bon là Mr Bon hay “bạn Bon ơi, có nghe bạn Mẹ gọi gì không?” Hoặc là “Bon bon ơi, đã đến giờ ăn rồi. Sữa của con đây này?”…
Cảm ơn Thanh Dung rất nhiều, chúc Mr Bon hay ăn chóng lớn!
Thiên Trinh (29 tuổi, Hà Nội) hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Hết giờ dạy học, chị lại tất bật về nhà để đảm nhận vai trò làm mẹ, tỉ mẩn chăm con.