Bạo lực gia đình: Những "vết đen" trong tâm hồn con trẻ…
Liệu những người đàn ông thể hiện uy quyền bằng nắm đấm ấy có khi nào nhận thức được rằng, chính người lớn đang làm hoen ố tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ bởi hành vi đầy bạo lực của mình?
"Nếu con chết, ba mẹ có ngừng đánh nhau không?". Tôi đã từng đọc câu hỏi day dứt ấy của một cô bé trên hội nhóm trầm cảm, giờ nghĩ đến vẫn thấy nhói lòng và đầy ám ảnh… Rồi còn có cả câu chuyện của một gia đình nhỏ ở Đắk Lắk, vì thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố bạo hành mẹ đã khiến đứa con gái 16 tuổi tự tử. Còn con trai vì hận thù nên đã đưa bạn về đánh gãy chân cha rồi chịu đi tù.
Đúng là một thảm kịch đau lòng.
Với trẻ em, có lẽ một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất là phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi cọ, đánh mắng nhau. Chúng rơi vào cảm giác tuyệt vọng, bất lực, không ít đứa trẻ còn phải chống chọi với sự cô độc, trầm cảm….và dần dần có thể tạo thành một vòng tròn bạo lực.
Ảnh hưởng của bạo hành gia đình đến tâm lý và sự phát triển của trẻ em là một điều hiển nhiên, một thực tế đã được kiểm chứng. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạo lực gia đình sẽ để lại trong tâm hồn non nớt của trẻ thơ những vết đen, những nỗi đau dai dẳng, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ về sau.
Vậy nhưng thực tế, những vụ bạo lực gia đình, chồng đánh vợ dã man trước mặt con cái vẫn xảy ra liên tiếp. Khi dư luận chưa hết sửng sốt trước cảnh chồng hất cả mâm cơm vào mặt vợ trước mặt con nhỏ, thì ngay sau đó lại thêm một đoạn clip võ sư đánh vợ vừa mới sinh con với những cú ra đòn “thừa sống thiếu chết”.
Kinh hoàng hơn là vụ án người chồng ở Hà Đông cầm dao giết vợ bên mâm cơm, trước mặt con cái chỉ vì cự cãi tiền học của con….
Còn mới đây nhất, mạng xã hội lại lan truyền đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một ông chồng đánh vợ đến ngất xỉu. Theo camera trong phòng ghi lại người chồng hùng hổ đấm liên tiếp vào người vợ của mình. Những đòn giáng mạnh khiến người phụ nữ ngã quỵ xuống đất rồi ngất xỉu tại chỗ. Nghe tiếng mẹ la hét thất thanh, 2 đứa con vội vàng chạy đến, gào khóc thảm thiết. Bé trai lớn vừa van xin vừa giữ tay để bố đừng đánh mẹ nữa. Không hiệu quả, đứa bé quỳ sụp xuống òa khóc, chắp tay van lạy: "Con xin bố, con xin bố,... đừng đánh mẹ con... con xin bố, con xin bố". Cách đó vài bước chân là đứa bé nhỏ hơn cũng đang gào khóc vì sợ hãi.
Cộng đồng mạng dậy sóng ngay lập tức sau clip này. Bởi không ai có thể tin một người "đầu ấp tay gối" với mình lại có những hành vi bạo lực dã man, vũ phu như thế. Những cú đòn giáng xuống người vợ mà ai xem cũng phải "lạnh sống lưng". Điều bất bình, phẫn nộ hơn là những hành vi khủng khiếp ấy lại diễn ra trước mặt những đứa trẻ còn non nớt, ngây thơ, biến chúng thành nạn nhân, chịu tổn thương trong tâm hồn suốt quãng đời còn lại.
Liệu những người đàn ông thể hiện uy quyền bằng nắm đấm ấy khi xem lại hình ảnh hai đứa con đáng thương của mình khẩn thiết cầu xin bố đừng đánh mẹ trong hoảng loạn ấy sẽ có cảm giác như thế nào? Có khi nào họ tự hỏi và nhận thức được rằng, chính người lớn đang làm hoen ố tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ bởi hành vi đầy bạo lực của mình?
Có nhiều nghiên cứu cho thấy, mức độ ảnh hưởng của bạo lực gia đình đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm tới 91%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất là 87,5% và gây tổn thương về tâm lý, tinh thần chiếm 89,4%.
Chính từ hệ lụy đau lòng ấy nên sau mỗi vụ việc, sự dậy sóng, lên án của dư luận, là điều đương nhiên. Nhưng có lẽ sau quá nhiều clip bạo hành kinh hoàng như vậy thì sự lên án thôi là chưa đủ mà cần hơn, đó là các hành động cụ thể, bằng một hành lang pháp lý đủ chặt chẽ, chế tài đủ nghiêm minh để mỗi đứa trẻ được đảm bảo không phải tiếp xúc hoặc chứng kiến bạo lực và luôn được nuôi dưỡng trong một môi trường gia đình lành mạnh, không độc hại.
Vẫn biết là cuộc sống vợ chồng có lúc “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, va chạm là điều không thể tránh khỏi. Nhưng con trẻ không có lỗi, đừng biến chúng thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Nỗi đau về thể xác có thể dịu nguội qua thời gian, nhưng những tổn thương, những vết đen trong tâm hồn sẽ rất khó chữa lành, dù qua bao năm tháng. Bởi vậy thêm một vụ việc đau lòng xảy ra luôn là lời cảnh tỉnh không bao giờ muộn…/.