Bác sĩ tiết lộ sai lầm thường gặp của phụ huynh khi chăm sóc da trẻ mùa nắng khiến ngay cả diễn viên Vân Trang cũng phải chú ý
Vào mùa nóng, trẻ sơ sinh thường bị nổi rôm sẩy, nổi vết dị ứng da, chàm da. Nếu không tắm rửa thường xuyên và chăm sóc sai cách, trẻ còn có thể nổi mủ ở da, viêm da và thậm chí nhiễm trùng huyết nguy hiểm.
Bác sĩ Phan Thị Bạch Tuyết, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chia sẻ thông tin này tại Hội thảo chuyên đề về Chăm sóc da bé: "Tự nhiên dịu nhẹ là tốt nhất", với sự tham dự của đông đảo các ông bố, bà mẹ có con nhỏ.
Cả vợ chồng diễn viên Lương Thế Thành - Trúc Diễm và diễn viên Vân Trang cũng đưa con đến để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc con.
Hai gia đình Lương Thế Thành và Vân Trang đến tham dự chương trình cung cấp kiến thức về chăm sóc da cho trẻ.
Ủ trẻ quá kín mùa nóng - coi chừng hại con
Theo bác sĩ Tuyết, tại khoa Sơ sinh những ngày qua lượng trẻ nhập viện có tăng hơn. Nhiều trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe, nhiễm trùng da bởi thói quen ủ khăn cho bé quá nhiều dù trời nóng của các bà mẹ. Một số trường hợp còn bị nhiễm trùng huyết và viêm phổi.
"Ý thức của phụ huynh những năm gần đây là khá tốt, thấy con có một vài dấu hiệu bất thường nhỏ là đưa đi khám ngay. Do đó tỉ lệ trẻ nhập viện trong tình trạng nặng không nhiều" - bác sĩ chia sẻ.
Theo bác sĩ khi thời tiết nắng gay gắt, nhiệt độ tăng cao như những ngày qua sẽ khiến da bé đổ mồ hôi nhiều hơn, dễ lây lan vi khuẩn.
Những bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh (dưới 28 ngày tuổi) mùa nóng là nổi rôm sẩy, nổi vết dị ứng da, chàm da. Nếu không tắm rửa thường xuyên cho trẻ thậm chí còn nổi mủ ở da.
Bác sĩ hướng dẫn phụ huynh cách tắm cho trẻ.
Khi cha mẹ để cho bé nóng quá thì bé sẽ bị tăng thân nhiệt so với nhiệt độ môi trường ngoài, có thể gây sốt.
Các tuyến mồ hôi bị bít tắc sẽ dẫn đến viêm da, nhiễm trùng da. Nhiễm trùng da ở trẻ sơ sinh đặc biệt nguy hiểm vì có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.
"Phụ huynh cần nhớ nhiệt độ thích hợp nhất cho da bé là từ 26-28 độ C. Để giữ cho da sạch, bạn có thể tắm nhiều lần trong ngày, thay áo cho con thường xuyên.
Ngoài ra việc lựa chọn quần áo thích hợp, thoáng mát để tránh ủ mồ hôi cho bé cũng cần được chú trọng" - bác sĩ Tuyết chia sẻ.
Những sai lầm thường gặp khi phụ huynh chăm sóc trẻ
Ngoài việc ủ quá kín con dù thời tiết nắng nóng, theo bác sĩ nhiều phụ huynh còn mắc những sai lầm trong chăm sóc trẻ như:
Không tắm cho trẻ khi bệnh vì sợ nhiễm lạnh.
Cho bé nằm than cùng mẹ.
Tắm nước lá cây, rượu bia.
Phơi nắng kéo dài để trị vàng da.
Sử dụng sản phẩm có chứa độc tố mà làn da nhạy cảm của trẻ dễ dàng hấp thụ.
Trẻ nhỏ điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng.
Theo bác sĩ, phụ huynh muốn chăm sóc da cho trẻ cần sử dụng sữa tắm dịu nhẹ, tắm nước ấm. Không phơi nắng cho trẻ dưới 6 tháng và phải bảo vệ da trẻ khỏi các tia UV gây hại.
Trao đổi với bác sĩ, diễn viên Vân Trang tâm sự con của cô thường xuyên nổi mẩn đỏ khi đi bơi. Ngoài ra, bé cũng hay nổi hạch vùng gần cổ, nhiễm khuẩn và sốt, có lúc phải nhập viện. Bé nay đã gần 3 tuổi nhưng vẫn còn tình trạng này.
Lý giải điều này, bác sĩ Tuyết cho rằng xuất phát từ việc da trẻ con rất mỏng, các tế bào rời rạc nên dễ nhiễm khuẩn. Trẻ từ 1-6 tuổi da vẫn chưa có sự thích ứng tốt như người lớn, thậm chí có thể lâu hơn do cơ địa.
Một biện pháp có thể áp dụng để bảo vệ trẻ là bôi kem dưỡng da. Việc này không làm trẻ tăng sức đề kháng mà để da có thêm 1 lớp bảo vệ bên ngoài.
Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh
Bác sĩ cho biết, các vấn đề ở da thường gặp ở trẻ sơ sinh là:
- Mụn trứng cá sơ sinh: Là những mụn tròn đỏ nổi trên bề mặt da, có khi viêm đỏ hoặc hình thành mụn mủ nhỏ trên trán, mũi, má, cổ. Tình trạng này gặp ở 20% trẻ sơ sinh.
Bác sĩ chia sẻ những bệnh về da thường gặp ở trẻ sơ sinh.
- Mụn sữa: Loại mụn này hay gặp ở vùng mặt, trán, cằm và có thể xuất hiện ở chân tay, thân người, dương vật và niêm mạc miệng. Đây là những đám mụn tròn nhỏ màu trắng hay vàng nhạt do tích tụ chất keratine.
- Miliaria: Gần giống ban sữa, thường gặp ở tháng đầu đời do tắc tuyến mồ hôi. Loại ban này khi bị nặng sẽ hình thành ban nhiệt.
- Ban nhiệt: Do tắc và viêm tuyến mồ hôi, là những tổn thương dạng mụn viêm đỏ.
- Ngoài ra còn có các loại ban dạng mảng nhỏ, ban cộm nhẹ trên da...
Khi nào nên đưa bé đến gặp bác sĩ?
Bác sĩ khuyên phụ huynh khi thấy trẻ có các dấu hiệu sao đâu cần đưa đi khám ngay:
- Bé sốt, bỏ bú, lừ đừ, vàng da sậm.
- Tổn thương da ở lòng bàn tay, bàn chân.
- Da có những nhóm mụn mủ to, bóng nước hay vết loét trên nền da đỏ. Hoặc có thể do trẻ đã nhiễm các loại virus nguy hiểm như CMV, herpes, varicella...
Phụ huynh cần đưa trẻ đi viện khi gặp những bất thường.
- Có tổn thương dạng xuất huyết dưới da do nhiễm trùng huyết nặng hay các bệnh gây xuất huyết.
- Bị các bệnh truyền nhiễm như rubella, sởi...