Bác sĩ nói gì về phương pháp chữa chó dại cắn không cần tiêm vắc xin đang được các mẹ tin sái cổ
Nếu trẻ bị chó dại cắn, không cần "vác" đi tiêm vắc xin phòng dại làm gì, chỉ cần bài thuốc đơn giản tại nhà cũng chữa khỏi bằng cách dùng xì dầu đánh với lòng đỏ trứng...
Chữa chó dại cắn không cần dùng vắc xin
Thời gian gần đây trên mạng facebook lan truyền thông tin có thể chữa chó dại cắn bằng cách rất đơn giản. Đó là chỉ cần dùng nước tương (xì dầu) đánh với lòng đỏ trứng có thể cứu sống được nạn nhân mà không cần phải dùng tới vắc xin.
Thông tin được lan truyền trên mạng thu hút rất nhiều người quan tâm được chia sẻ như sau: "Mình xin phép có tý ý kiến về dịch vụ vắc xin dại nhé: Theo quan điểm của dưỡng sinh, mọi thứ gây độc đều có cực âm nên muốn giải độc thì dùng các sản phẩm cực dương để cân bằng âm - dương là xong. Mình đưa ra bài thuốc giải độc bằng tương tamari (xì dầu) với lòng đỏ trứng gà ta có trống. Đắp hỗn hợp này vào vết chó dại cắn, rắn độc cắn, bọ cạp cắn... sẽ hóa giải độc tố nhé. Ai bị chó dại cắn thì cứ cẩn thận bài này, đảm bảo sẽ không cần tiêm vắc xin phòng dại làm gì. Nên mình anti tất cả các thể loại vắc xin".
Nguồn tin "lan truyền" bài thuốc chữa chó dại cắn mà không cần tiêm phòng.
Nguồn tin này còn nhấn mạnh: "Phải dùng hỗn hợp trên bôi vào vùng bụng, toàn bộ vùng sống lưng. Khi hút độc, bé sẽ bị co giật là dấu hiệu tốt. Vì nếu bé không co giật là độc tố chưa được hóa giải".
Trao đổi với BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về phương pháp chữa chó dại cắn lạ lùng trên, BS Nguyễn Trung Cấp khẳng định, thông tin về cách chữa bệnh trên hoàn toàn vô căn cứ, không có cơ sở khoa học. Nếu áp dụng theo cách trên thì nguy cơ tử vong là chắc chắn.
BS. Nguyễn Trung Cấp cho biết: "Bạn tìm giúp tôi địa chỉ của đối tượng tung thông tin dùng xì dầu trộn với lòng đỏ trứng dùng bôi vào vết chó dại cắn sẽ khỏi… Mỗi 1 năm bệnh viện Nhiệt đới vẫn tiếp nhận khoảng 20 ca tử vong do điều trị chó dại cắn bằng phương pháp truyền miệng, đắp lá, thử cái nọ, thử cái kia sau đó bệnh chuyển biến xấu đưa vào viện không thể cứu được nữa".
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo, khi nghi ngờ trẻ bị chó dại cắn cần phải tiêm phòng càng sớm càng tốt để vi rút chưa có cơ hội thâm nhập tới não. Thông thường chó dại cắn người thường không sống quá 1 tuần. Khi chó ốm chết dần, bị giết, chạy mất thì cần đi tiêm phòng ngay lập tức. Vi-rút dại phát tán rất nhanh khi bị chó cắn ở vị trí đầu mạch máu, vùng mặt, sinh dục. Có những trường hợp dù đã tiêm phòng, thuốc chưa kịp phát huy tác dụng đã tử vong.
Khi nghi ngờ trẻ bị chó dại cắn cần phải tiêm phòng càng sớm càng tốt để vi rút chưa có cơ hội thâm nhập tới não (Ảnh minh họa).
"Về nguyên tắc, vắc xin tiêm vào cơ thể sẽ phải mất hơn 1 tháng mới hình thành kháng thể. Trong lúc tiêm, nếu vi rút dại chưa lan tới não thì sẽ được bảo vệ. Còn nếu vi rút dại đã lan tới não, bệnh nhân sẽ khó có thể cứu sống được. Đó là cuộc chạy đua với vi rút. Một mặt vi rút qua vết thương ăn lên não rất nhanh, một mặt chúng ta phải tiêm kháng thể chống lại vi rút. Nếu như mình nhanh hơn sẽ thắng còn chậm hơn sẽ thua. Và bệnh nhân sẽ tử vong", BS. Nguyễn Trung Cấp nói.
Tiêm vắc xin - Nên hay không?
Không riêng gì vắc xin dại mà hiện nay, có một trào lưu "anti vắc xin" nở rộ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Một nhóm các mẹ Việt trên mạng xã hội phản đối việc tiêm vắc xin phòng bệnh đã thu hút hơn 7.000 thành viên. Những người theo trào lưu này lo ngại những biến chứng của các loại vắc xin gây ra cho trẻ nhỏ và cho rằng vắc xin gây độc hại khi chất bảo quản vắc xin là thủy ngân, có thể gây hại cho não trẻ...
Khi hỏi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng, quan điểm đó rất sai lầm: "Trận sởi lịch sử xảy ra vào năm 2014 khiến cho rất nhiều trẻ nhỏ bị tử vong. Nguyên nhân bắt nguồn chính từ việc cha mẹ chủ quan không tiêm phòng vắc xin sởi".
Tiêm vắc xin cho trẻ giúp bảo vệ cả một cộng đồng đang sống hiện tại và cả một thế hệ trong tương lai (Ảnh minh họa).
Cùng quan điểm trên, bác sĩ Trí Đoàn, từng công tác tại khoa cấp cứu bệnh viện Nhi đồng II chia sẻ, gần như vắc xin nào cũng có những tác dụng nhẹ, thoáng qua như đau tại chỗ chích, có vết đỏ, sưng tại vị trí chích ngừa, một số trường hợp bị sốt… thường 1-2 ngày là hết. So với những tác dụng phụ thoáng qua đó, tác dụng chính của vắc xin đối với đề kháng của bé là rất lớn. "Nếu không được tiêm chủng, bé có thể mắc các bệnh nguy hiểm mà hậu quả là ảnh hưởng đến sự phát triển, hay thậm chí là tính mạng của bé", bác sĩ Trí Đoàn khuyến cáo.
Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên như sau: "Việc tiêm chủng không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe cho riêng trẻ đó mà còn giúp tạo nên miễn dịch cộng đồng. Tiêm vắc xin cho trẻ giúp bảo vệ cả một cộng đồng đang sống hiện tại và cả một thế hệ trong tương lai. Đó thực sự là vấn đề sức khỏe cộng đồng chứ không phải là trào lưu, một lối sống mà con người chúng ta lựa chọn thích hay không thích".
Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến cáo tiêm vắc xin cho bé từ rất sớm ngay sau sinh và phần lớn các mũi tiêm là ở 2 năm đầu đời, dù bé bú mẹ hoàn toàn hay dùng sữa công thức.