Bà nội nấu cháo thêm thứ này vào khiến cháu trai 2 tuổi xém tử vong vì nghẹt thở

PHAN HIỀN,
Chia sẻ

Tùy theo từng độ tuổi cha mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn phù hợp để tránh trường hợp bị dị vật đường thở.

Dù trẻ ở độ tuổi nào đi chăng nữa, những tai nạn về dị vật đường thở luôn khiến cho người lớn hoảng hốt không biết xử lý như thế nào. Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, cha mẹ không nên cho trẻ ăn uống hoặc tiếp xúc với những đồ vật nhỏ và thức ăn dạng hạt quá sớm.

Mới đây, tại thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc xảy ra một trường hợp khiến cho các bậc phụ huynh không khỏi sợ hãi. Theo đó, một người bà vì muốn bổ sung thêm dinh dưỡng cho cháu trai 2 tuổi nên khi nấu cháo đã bỏ thêm một ít hạt đậu nành Nhật edamame vào. Tuy nhiên, người bà để nguyên hạt mà không xay, đứa trẻ vì còn quá nhỏ nên chưa biết nhai kỹ trước khi nuốt, gây ra tình trạng bị nghẹt thở, xém tử vong. 

Bé 2 tuổi bị dị vật đường thở - Ảnh 1.

Bé trai xém tử vong vì bị dị vật đường thở. (Ảnh minh họa)

Cậu bé được người nhà nhanh chóng đưa tới bệnh viện gần nhất, các bác sĩ tiến hành gắp dị vật ngay lập tức, may mắn ca cấp cứu đã thành công.

Bác sĩ nhắc nhở gia đình cậu bé rằng, trẻ dưới 3 tuổi chức năng nhai vẫn chưa phát triển, cha mẹ không nên cho trẻ ăn các loại đậu, hạt. Dị vật đường thở là một trong những tai nạn xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ do sự bất cẩn của cha mẹ, nó cướp đi sinh mạng của không ít trẻ trong trường hợp sơ cứu chậm trễ.

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 3 tuổi, chức năng nhai vẫn chưa hoàn thiện, thực quản hẹp, khí quản và thực quản gần nhau nên rất dễ bị hóc, nghẹn thức ăn. Trong trường hợp trẻ bị sặc, nghẹt thở, hậu quả thực sự rất thảm khốc.

Nếu trẻ thiếu oxy trong 10 giây có thể dẫn tới bất tỉnh, trong 30 giây sẽ bị co giật và hơn 1 phút sẽ tắc thở. Đặc biệt, nếu để trẻ ngưng thở quá 3 phút sẽ khiến cho các tế bào não bị phù nề, quá 6 phút não và các cơ quan quan trọng khác sẽ bị tổn thương không thể phục hồi.

Sơ cứu trẻ bị dị vật đường thở bằng phương pháp Heimlich

Heimlich là phương pháp cấp cứu những bệnh nhân bị dị vật khí quản, được công nhận trên toàn thế giới. Trẻ em ở độ tuổi khác nhau sẽ có những thao tác sơ cứu khác nhau. Vì thế, cha mẹ nào cũng cần phải biết phương pháp này để đề phòng những trường hợp rủi ro xảy ra với con mình.

Bà nội nấu cháo thêm thứ này vào khiến cháu trai 2 tuổi xém tử vong vì tắc phổi - Ảnh 2.

Phương pháp Heimlich.

Trong trường hợp trẻ bị ho, sặc, khó thở, khóc nhưng có thể nói được, điều này có nghĩa trẻ không bị tắc nghẽn đường thở (hoặc ít nhất đường thở không bị tắc nghẽn hoàn toàn), tốt nhất không nên áp dụng phương pháp Heimlich.

Nếu trẻ lớn, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tự ho để tống dị vật ra ngoài. Trong trường hợp dị vật vẫn không văng ra ngoài, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Ngược lại, trong trường hợp trẻ không thở được, mặt và môi tím tái, cần gọi xe cấp cứu gấp và áp dụng phương pháp Heimlich.

Nguồn: QQ

Chia sẻ