Bà mẹ đơn thân Thái Thùy Linh: Thà tôi tự lợp nóc cho con
Gần 3 năm làm mẹ đơn thân, Linh vẫn thấy quyết định của mình là đúng đắn và đem hạnh phúc cho cả ba người.
Gần 3 năm nuôi con một mình, Thái Thùy Linh vẫn thấy quyết định của mình đến giờ này là đúng đắn, và đem đến hạnh phúc cho cả ba người. Cô ca sĩ này luôn tin rằng, mình đang dạy con rất tốt và lớn lên, con sẽ hiểu những việc mình làm.
Nếu chỉ vì muốn giảm bớt gánh nặng công việc, Thái Thùy Linh cho biết, cô sẽ kiếm một người quản lý chứ không phải một người đàn ông mà không thấy đem đến hạnh phúc cho hai mẹ con.
- Đã vài năm nuôi con một mình, có khi nào chị suy nghĩ lại về quyết định một mình đương đầu với cuộc sống của một bà mẹ đơn thân?
Cho đến khi bé Thái An hơn 1 tuổi, tôi và bố bé mới quyết định không sống chung nữa. Trong thời gian tôi mang bầu và năm đầu của bé, chúng tôi vẫn sống chung như một gia đình, đã có rất nhiều cơ hội để thử thách, sửa chữa hay thay đổi.
Nhưng, đến lúc con tôi 1 tuổi, hai bên quyết định chia tay để có được như bây giờ, vẫn thương, vẫn yêu quý nhau, vẫn có thể cười với nhau một nụ cười thực sự, không gượng gạo, vẫn có thể quan tâm đến nhau và vẫn cùng nhau dẫn con đi chơi mà cả ba đều vẫn vui vẻ. Chúng tôi quyết định dừng lại để được như thế.
Chuyện chia tay là do tôi chủ động, bởi tôi không muốn chia tay xong thì thù oán, trách móc hay không nhìn mặt nhau. Chúng tôi vẫn còn tình cảm với nhau, nhưng nếu sống cùng sẽ không hạnh phúc cho cả ba. Hai người lớn ở cạnh nhau mà cả ba người không hạnh phúc thì chia tay sẽ tốt hơn.
- Phụ nữ thường chịu đựng để cho con có bố, nhưng chị thì không như vậy?
Đấy là đa số chứ không phải tất cả mọi người đều như vậy. Hơn nữa, điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Nếu tôi là người nhu nhược, không dạy được con, sức khỏe của tôi quá kém, quá yếu, khả năng kinh tế của tôi không đủ để nuôi con…
Nghĩa là tự bản thân tôi không thấy đủ điều kiện để đem đến cho con một cuộc sống tốt đẹp có lẽ tôi sẽ nhẫn nhịn, chịu đựng, hy sinh. Nhưng, hai năm qua, tất cả mọi người đều nhìn thấy, tôi và bé Thái An đều khá ổn.
Về mặt vật chất, con tôi không bị thiếu thốn. Về mặt tinh thần, tôi thấy Thái An là một đứa trẻ vui vẻ. Và tôi nghĩ bé hạnh phúc vì có nhiều tình cảm về mặt tinh thần. Bé có tình cảm của nhiều người mẹ, người bố là các bác rất yêu và chiều.
Con tôi đang sống cùng ông bà ngoại. Khi nào Thái An cần tình cảm của bố thì bố sẽ đến và tôi không bao giờ ngăn cản hai cha con gần gũi với nhau. Khi nào cần gọi điện thoại thì được gọi điện thoại, khi nào cần bố đến đưa đi chơi thì bố đến đưa đi chơi.
Tôi không giống một số người chia tay thì tìm cách ngăn cản bố con gặp nhau, hay nói xấu cha con của mình. Tôi nghĩ mình vượt qua được điều ấy. Tôi không vẽ những điều quá tốt đẹp về bố cho Thái An nhưng trong nhà tôi có một nguyên tắc, tất cả mọi người đều không nói xấu bố trước mặt bé.
Sau này, Thái An lớn lên, đánh giá về bố thế nào thì còn lâu nữa mới có thể nói được. Tôi cũng sẽ uốn nắn để bé có chính kiến và cảm nhận của riêng mình.
- Công việc khiến chị phải đi nhiều và việc thiếu vắng sự chăm sóc của người cha khiến mọi người trong gia đình chị nuông chiều Thái An hơn?
Bố của An chiều con nhiều hơn tất cả những người khác. Anh ấy gần như phó mặc vào cách giáo dục con của tôi, hoàn toàn tin tưởng tôi từ khi sinh em bé.
Anh không từ chối con bất kỳ điều gì. Không phải là không có bố thì được nuông chiều, mà bố là người nuông chiều nhất.
- Công việc bận rộn, đôi khi phải phó mặc việc chăm con cho người khác, có bao giờ chị thấy có lỗi với con?
Bé An có ít thời gian ở bên mẹ như những trẻ em khác, nhưng cũng có nhiều thời gian bên mẹ hơn rất nhiều trẻ em. Vì có lúc tôi đi diễn, xa con có khi cả 10 ngày nhưng ở Việt Nam, các em bé vẫn phải xa mẹ để mẹ đi làm từ 4 tháng tuổi.
Tôi có thời gian ở cạnh con rất nhiều, trong ba năm đầu tiên, gần như tôi không đi diễn nhiều. Tôi nghĩ, con không thiếu hơi ấm của tôi…
- Nói về việc con ốm, có khi nào lo cho con một mình, chị chợt nghĩ giá như có một người ở bên sẽ tốt hơn?
Đó là tình cảnh khiến người phụ nữ dễ nao núng nhất khi nghĩ đến cảnh nuôi con một mình. Trước đây, khi quyết định làm bà mẹ đơn thân, tôi cũng suy nghĩ về điều ấy. Nhưng bây giờ đặt ngược lại, nếu khi con ốm hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng nửa kia không giúp đỡ mà lại làm căng thẳng, mệt mỏi thì làm sao.
Nhiều người nói vào mặt tôi “con không cha như nhà không nóc”, nhưng thà tôi biết trước nó không có nóc để tự xây, lợp nóc, hoặc mua dù, mua áo mưa che cho con còn hơn kỳ vọng vào cái nóc mà nó bị dột, chạy chỗ này, dột chỗ kia thì cả mẹ và con đều ướt, lúc đó còn bi đát hơn nhiều nên tôi nghĩ, vấn đề nằm ở chỗ nếu mình chủ động với cuộc sống của mình thì mọi việc sẽ giải quyết được hết.
- Thường thì phụ nữ dạy con không quyết liệt như đàn ông?
Trường hợp của tôi thì ngược lại. Từ khi sinh Thái An, tôi đã đóng vai trò làm cha, lẫn cả làm mẹ. Có nhiều thứ không làm được nhưng tôi hiểu hơn, có kinh nghiệm và quyết đoán hơn bố Thái An trong việc nuôi dạy con.
- Chị vẫn trẻ và xứng đáng có hạnh phúc. Chị vẫn đang nghĩ đến việc có người bố khác cho con mình chứ?
Tôi nghĩ đến chuyện ấy nhiều và điều này gần như là đương nhiên. Khi nào tôi gặp một người đàn ông phù hợp, một người bố tốt cho Thái An thì chúng tôi sẽ sống chung cùng nhau.
Tôi tâm niệm là người đàn ông đến sau phải thương và đối xử tốt với Thái An thì mới nói chuyện tiếp được. Nếu không, tôi sẽ sống một mình.
- Nhiều người nhìn cuộc sống của bà mẹ đơn thân với sự thương cảm và thương hại, chị đã bao giờ nghe điều ấy? Khi đó, chị ứng xử thế nào?
Tôi là người rất thẳng thắn, nên không gặp phải tình huống người khác tỏ ra thương hại. Bây giờ, có nhiều bạn của tôi ước mơ có cuộc sống như hai mẹ con tôi.
- Chị nói không quan tâm đến điều ấy, nghe có vẻ như dối lòng mình?
Sao cứ phải ve vuốt nhau, giờ có nhiều việc để quan tâm và suy nghĩ nên cứ sống tốt với mình, với những người xung quanh và không quan tâm mọi người thấy thế nào về tôi.
-Có vẻ đời sống gia đình, có thêm một người đàn ông sẽ phức tạp hơn và thậm chí không tốt như bây giờ?
Chính xác. Người đàn ông nào đến với tôi đều phải hy sinh nhiều. Tôi là người khá tự lập và đàn ông không thích điều ấy.
Hơn nữa, tôi quá bận rộn nên đàn ông phải hết sức đồng cảm, bao dung mới chịu được cảnh người phụ nữ của mình lọ mọ 2, 3 giờ sáng, đi ngược đi xuôi lên miền ngược dăm, ba ngày. Ngược xuôi khuân vác mọi thứ mà không phải cho gia đình…