Ai cũng gọi tôi là "chuyên gia giáo dục" vì 4 hành động này

Thiên An,
Chia sẻ

Trí thông minh của trẻ không hoàn toàn do bẩm sinh mà được nuôi dưỡng qua từng ngày bằng cách giáo dục tại gia đình.

* Dưới đây là chia sẻ của một bà mẹ nội trợ kiêm blogger trên nền tảng 360doc (Trung Quốc).

Là một phụ huynh bình thường, tôi chưa từng học qua bất kỳ khóa đào tạo chuyên nghiệp nào về giáo dục, nhưng bạn bè thường gọi tôi là "chuyên gia giáo dục". Vì sao vậy? Bởi con tôi không chỉ học giỏi mà còn có tư duy sắc bén và kỹ năng giao tiếp vượt trội.

Thật ra, "bí quyết" để đạt được điều này không hề phức tạp, chỉ là tôi luôn kiên trì thực hiện 4 hành động dưới đây, giúp con phát triển vượt trội hơn hẳn so với các bạn cùng lứa.

1. Trò chuyện với con mỗi ngày, phát triển khả năng biểu đạt và trí tuệ cảm xúc

Trong gia đình tôi, mỗi tối sau bữa ăn đều có một "khoảng thời gian đặc biệt" - tôi và con cùng ngồi lại để trò chuyện về những điều xảy ra trong ngày, những cảm xúc hay thắc mắc của con. Từ những câu chuyện vui ở trường, đến những va chạm nhỏ với bạn bè, tôi đều lắng nghe một cách nghiêm túc, thỉnh thoảng đặt câu hỏi để dẫn dắt con bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc.

Nhờ cách làm này, tôi không chỉ hiểu được thế giới nội tâm của con mà còn giúp con cải thiện khả năng biểu đạt. Trong quá trình trò chuyện, con học cách tổ chức ngôn từ, diễn đạt ý kiến và thậm chí là đồng cảm với cảm xúc của người khác. Chính sự phát triển trí tuệ cảm xúc này giúp con tự tin hơn trong giao tiếp và luôn nổi bật khi tham gia các hoạt động ở lớp.

Lời khuyên của tôi là cha mẹ nên dành khoảng 15 phút mỗi ngày để trò chuyện sâu với con, giúp con cảm nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của mình.

Ai cũng gọi tôi là

Ảnh minh họa

2. Tạo môi trường đặt câu hỏi mở, kích thích tiềm năng tư duy

Có lần, con tôi hỏi: "Tại sao bầu trời có màu xanh?". Thay vì trả lời ngay, tôi hỏi lại: "Con nghĩ thế nào?". Cách đặt câu hỏi mở này không chỉ khơi gợi trí tò mò mà còn khuyến khích con tự tìm hiểu câu trả lời. Sau đó, con đã tìm đọc sách và hiểu được nguyên lý khúc xạ ánh sáng.

Tôi nhận ra rằng, cách làm này giúp con phát triển sự tò mò và ham muốn khám phá. Dần dần, con hình thành thói quen tự suy nghĩ và tra cứu thông tin, từ đó rèn luyện khả năng tư duy logic. Kỹ năng tự học này giúp con luôn dẫn đầu trong các môn học ở trường.

Nhìn chung, khi con đặt câu hỏi, cha mẹ hãy hạn chế trả lời ngay mà thay vào đó, đặt câu hỏi ngược lại hoặc dẫn dắt con tự tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề.

3. Duy trì thói quen đọc sách cùng con, mở rộng kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ

Từ khi con 2 tuổi, tôi đã duy trì việc đọc sách cùng con mỗi ngày. Từ truyện cổ tích, sách khoa học đến tiểu sử các nhân vật lịch sử, tôi đều chọn sách phù hợp với lứa tuổi và sở thích của con. Sau mỗi buổi đọc, chúng tôi thảo luận, thậm chí đóng vai các nhân vật để làm cho câu chuyện thêm sống động.

Thói quen đọc sách không chỉ mở rộng vốn từ vựng mà còn giúp con quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Con thường đặt ra những câu hỏi sâu sắc liên quan đến bài học trên lớp, khiến cả giáo viên cũng bất ngờ.

Các bậc phụ huynh khác cũng nên bắt đầu đọc sách cùng con từ khi còn nhỏ, duy trì thời gian cố định mỗi ngày để xây dựng thói quen đọc và sự tập trung cho con.

Ai cũng gọi tôi là

Ảnh minh họa

4. Khuyến khích con tham gia thực hành, rèn luyện kỹ năng thực tế

Sự thông minh của trẻ không chỉ nằm ở đầu óc mà còn cần được thể hiện qua hành động thực tế. Tôi thường khuyến khích con tham gia các thí nghiệm, trồng cây, lắp ráp mô hình hay thậm chí giúp tôi làm việc nhà. Qua những hoạt động này, con tôi rèn luyện khả năng quan sát, thực hành và giải quyết vấn đề.

Có lần, khi con thực hiện một thí nghiệm điện đơn giản, bóng đèn không sáng vì kết nối sai cách. Tôi không sửa giúp ngay mà để con tự xem lại từng bước. Cuối cùng, con đã tìm ra lỗi sai và hào hứng khoe kết quả với tôi. Cảm giác thành công tự đạt được này còn giá trị hơn bất kỳ phần thưởng nào.

Là cha mẹ, chúng ta nên tạo môi trường an toàn để con được tự mình thực hành, khuyến khích con khám phá những điều mới mẻ và phát triển kỹ năng sáng tạo, độc lập.

Chia sẻ