Ai cũng bảo "con gái không biết làm gì sau này mới sướng", mẹ 8x dạy con nấu ăn từ năm 6 tuổi phủ định điều này
Theo chị Khánh My, nấu ăn là một kỹ năng sống cơ bản và quan trọng, để các con có thể tự chăm sóc bản thân mình trong tương lai.
Chị Khánh My (sống tại Hà Nội) là mẹ của 3 em bé Hạt Dẻ (8 tuổi), Momo (5 tuổi) và Mimi (2 tuổi). Con gái đầu của chị My là Hạt Dẻ đã biết nấu ăn từ năm 6 tuổi, hiện tại cô bé thành thạo trong việc bếp núc với loạt kĩ năng như người lớn.
Định hướng cho con học kĩ năng nấu ăn từ bé
Hạt Dẻ biết nấu ăn từ lúc 6 tuổi một phần do định hướng của mẹ, một phần cũng do con tự học hỏi. Lúc nhỏ, chị My và con thường xuyên chơi trò chơi nấu ăn. Khi con tầm 3-4 tuổi, bà mẹ 8x chủ động rủ con vào bếp làm những việc đơn giản như rửa rau, ép nước trái cây, bóc trứng, giã lạc hay đơn giản chỉ là con lấy gạo vào nồi giúp mẹ.
"Những việc này để bạn ấy có thể làm quen dần dần với bếp núc, yêu thích việc nấu ăn và hơn nữa là biết chia sẻ công việc nhà với ba mẹ. Đến khi con 6 tuổi, nhà mình đi tránh dịch 1 năm nên hai mẹ con cũng có nhiều thời gian nấu ăn hơn. Bạn ấy bắt đầu được mẹ dạy nấu vài món cơ bản nấu cơm, cơm rang, các món từ trứng như trứng tráng, ốp la, luộc thịt, luộc rau, rán đậu phụ. Bạn ấy cũng biết làm bánh pancake ăn sáng, hoặc tự làm món thạch, hay là tự nấu mì hoặc làm mì trộn để ăn khi đói", chị My nói.
Con gái chị My được mẹ dạy nấu ăn từ nhỏ.
Bà mẹ 3 con cho biết khi con lớn hơn, tầm 7-8 tuổi, chị đã hướng dẫn con bằng cách cho bé theo dõi các công thức trên mạng hay đọc sách nấu ăn. Nếu cảm thấy quá khó hoặc băn khoăn, con sẽ nhờ sự trợ giúp từ mẹ. Hạt Dẻ là cô bé có đam mê ăn uống và gia đình chị My cũng hay đi du lịch giúp con được khám phá ẩm thực nhiều nơi và muốn thử sức tự nấu những món mình thích.
Hiện tại, Hạt Dẻ đã nấu được rất nhiều món từ món Á đến Âu như mỳ spaghetti, mì cá hồi sốt kem, mì gà nấm, mì xào hải sản, pizza, chuẩn bị các món salad. Các món ăn hàng ngày như nem truyền thống, chả lá lốt, trứng cuộn, canh rong biển, cá hồi sốt cam, cơm rang, phở cuốn, cơm trộn kiểu Hàn Quốc. Và các loại bánh pancake, bánh quy, con còn biết pha nước chấm nem chua ngọt. Cô bé 8 tuổi cũng biết làm sinh tố trái cây hoặc các món mới chỉ cần mẹ chỉ 1 lần là sẽ biết cách làm.
Hạt Dẻ thường xuyên đi chợ cùng mẹ.
"Từ bé bạn Hạt Dẻ được rèn luyện vận động tinh khá tốt và bạn cũng vào bếp thường xuyên nên đã thành thạo khi sử dụng các đồ dùng trong bếp rồi. Thế nên, khi nấu ăn bạn chưa gặp sự cố nào về nhà bếp như làm cháy món ăn, bị bỏng hay đứt tay cả", chị My chia sẻ.
Quan niệm "Con gái biết nhiều, biết nấu ăn thì sau này sẽ khổ?"
Mọi người hay bảo "biết nhiều thì sẽ khổ nhiều, không biết làm thì sau này sẽ sướng" nhưng theo quan điểm của chị My, nấu ăn là một kỹ năng sống cơ bản, để các con có thể tự chăm sóc bản thân mình. Sau này có đi học xa nhà thì các con vẫn có thể tự nấu ăn phục bản thân hay nấu cho những người con yêu thương nếu con muốn.
Học nấu ăn sớm cũng sẽ giúp con khám phá và học hỏi được rất nhiều thứ, phân biệt được các loại rau củ quả, các loại gia vị, và các loại thịt khác nhau. Ngoài ra Hạt Dẻ còn được mẹ cho đi chợ cùng và được học cách lựa chọn nguyên liệu.
Em bé mê bếp.
"Bạn ấy hay hỏi mẹ cam thì chọn quả như nào sẽ ngon, dưa hấu nên chọn quả nào? Mẹ sẽ hướng dẫn và lần sau có thể nhờ bạn xuống siêu thị cạnh nhà mua mà không cần mẹ đi cùng nữa", chị My nói.
Ngoài ra, khi nấu ăn, con học được cách lên kế hoạch. Để nấu được 1 món ăn, ban đầu chị My để con tự tìm hiểu cách làm trong sách hoặc trên internet, sau đó viết ra danh sách các nguyên liệu cần mua. Khi nấu, Hạt Dẻ sẽ hình dung ra việc nào cần làm trước việc nào cần làm sau.
Những món ăn do Hạt Dẻ nấu.
Tự hào và hạnh phúc khi con biết quan tâm, yêu thương gia đình
Bên cạnh đó, nấu ăn giúp trẻ thỏa sức sáng tạo. "Ví dụ thay vì cá hồi sốt chanh leo thì bạn ấy thay bằng cam khi nhà hết chanh, cuốn chả lá lốt theo cách mới, sáng tạo trong việc thêm bớt gia vị nguyên liệu hoặc cách trình bày món ăn. Nhiều lúc bạn ấy mang ra một đĩa cơm trang trí rất xinh xắn hay 1 cốc trà đậu biếc với từng lớp màu rất đẹp. Những điều này mẹ chưa từng dạy bạn ấy.
Con biết yêu thương và quan tâm đến mọi người hơn, mẹ nhớ năm ngoái mẹ bận ở cửa hàng không về ăn trưa con tự làm cơm hộp và nhờ ba mang ra cho mẹ. Hộp cơm đó đơn giản chỉ có cơm, trứng cuộn và chút rau nhưng mẹ thấy ấm lòng vô cùng. Rồi khi pha nước chấm thì con biết làm riêng 1 bát cay cho ba mẹ, 1 bát không cay cho 3 chị em. Con biết em không ăn được tôm nên làm riêng món mì bò bằm cho em Momo còn cả nhà ăn mì hải sản", chị My tự hào tâm sự.
Nhiều bố mẹ muốn dạy con nấu ăn từ bé, chị My đưa ra lời khuyên: "Các bố mẹ không cần quá cầu kỳ con phải nấu được món này món kia, mà mình sẽ bắt đầu từ những món đơn giản nhất ví dụ như nấu mì tôm, luộc trứng hay cắt trái cây... Nếu con chưa thích việc vào bếp mình cũng không nên ép, nên thu hút bạn ấy bằng những hoạt động bạn ấy hứng thú.
Ví dụ bạn nào cũng thích nghịch với bột, nhà mình hay cho các bạn ấy trộn bột rồi nhào bột. Vắt nước cam hay ép trái cây cũng là 1 công việc mà các bạn nhỏ rất thích. Nhà mình bố mẹ không ngại dọn dẹp sau mỗi buổi các bạn nhỏ vào bếp. Không trách khi con làm đổ đồ ăn hay làm bẩn bếp. Thường xuyên khen ngợi và khích lệ các bạn nhỏ mỗi khi các con vào bếp giúp ba mẹ".