9 cách đơn giản để dạy con trở thành một người tốt

Lưu Hiền,
Chia sẻ

Để nuôi dạy con trở thành một người tốt, tôi luôn cố gắng làm những điều sau mỗi ngày.

Tôi chẳng phải là mẹ hiền. Cũng có nhiều lần tôi hét lên với con, hứa nhưng không giữ lời, hay thậm chí tưởng tượng đến việc bỏ nhà đi một mình. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn luôn cố hết sức để dạy con trở thành một người tốt bụng. Dưới đây là những điều tôi đã làm:

Tôi giúp con hiểu tại sao nên là một người biết lắng nghe


Trong cuộc sống hiện đại với chỉ toàn tin nhắn điện thoại hay mạng xã hội như bây giờ thì có vẻ nghệ thuật lắng nghe dường như đã mất dần. Tôi biết tôi đã có lỗi khi nhìn điện thoại nhiều hơn nhìn đứa trẻ đang nói chuyện với tôi. Bởi vậy, bất cứ khi nào con tôi có chuyện để nói, tôi liền bỏ điện thoại sang một bên để việc xem điện thoại không làm tôi phân tâm. Khi chúng tôi ở trong xe nói chuyện, tôi sẽ hỏi những câu hỏi liên quan đến những gì con kể cho tôi, thay vì chỉ gật đầu vô tâm “Con giỏi lắm”, “Con ngoan lắm”. Nếu tôi bị căng thẳng vì một việc gì đó và không thể đối phó được, tôi sẽ xin vài phút được nghỉ ngơi. Tôi sẽ nói : “Con à, mẹ cần 5 phút nghỉ ngơi, sau đó mẹ con mình lại chơi cùng nhau nhé.”. Ngay lập tức dạy con trở thành một người biết lắng nghe là điều không thể, nên tôi cố gắng cho con thấy bằng những ví dụ, cho con biết khi có một người thực sự lắng nghe mình thì cảm giác sẽ ra sao.

Tôi dạy chúng biết quan tâm đến cảm giác của người khác

Một ngày nọ, con gái tôi nói chuyện về một người bạn nó quen.

Sabrina – con gái tôi nói: “Bạn đó đúng là lắm chuyện, chẳng ai thích chơi cùng bạn ấy cả”

Tôi đáp lại: “Hãy tưởng tượng ai đó nói về con như vậy, con sẽ cảm thấy thế nào?”

Sabrina trả lời: “Bạn ý không nghe con!”

"Con à, ý mẹ là bạn đó chắc hẳn sẽ buồn lắm nếu biết được mọi người nghĩ về mình như thế, con thấy có đúng không?", tôi đáp.

Sabrina miễn cưỡng đồng ý. Cuộc nói chuyện của chúng tôi có lẽ không hoàn toàn thuyết phục con bé, nhưng tôi tin phần nào đó nó sẽ nuôi dưỡng lòng cảm thông trong con bé.

Tôi khuyến khích con thể hiện lòng biết ơn
 
Trẻ con thường có xu hướng coi những thứ mọi người làm cho chúng là điều hiển nhiên. Tôi cũng không hy vọng gì đến những tờ giấy ghi lời cảm ơn, nhưng tôi muốn con biết rằng, tôi đã dành rất nhiều thời gian để lên kế hoạch cho kì nghỉ, và tôi rất muốn nghe những câu nói tỏ lòng biết ơn từ chúng. Điều đó cũng giúp chúng hiểu rằng, việc đòi hỏi một điều gì đó giúp bản thân thấy vui không phải điều sai trái. Nếu một người hàng xóm hay bất kì ai đó giúp đỡ con tôi, tôi bảo con hãy nói với người đó điều đó tuyệt vời thế nào, hoặc giúp con biết cách thể hiện lòng biết ơn đối với họ.

... Và tôi cũng dạy con biết thể hiện tình yêu

“Mẹ yêu con”, “Bố yêu con”, “Em yêu anh”, “Anh yêu em”... chúng tôi nói với nhau những câu như vậy vô số lần trong một ngày. Chúng tôi thường ôm hôn con. Giành thời gian để giải thích những hành động đó có nghĩa là tình yêu không chỉ khiến chúng vui, mà còn dạy chúng cách biểu lộ sự trìu mến một cách có ý nghĩa. Đêm hôm nọ, tôi rúc vào chăn, nằm cạnh con trai và để con hiểu được làm mẹ tuyệt vời dường nào. Tôi nói với con tôi thật may mắn khi có một đứa con trai ngọt ngào và tốt bụng với mọi người. Tôi nói với con con thật thông minh và giỏi chơi bowling (môn thể thao yêu thích của thằng bé). Tôi nói với con con đã mang lại hạnh phúc cho mẹ. Max – con trai tôi nghe những điều này mỉm cười rạng rỡ.
 
Tôi giúp con hiểu cách xin lỗi thật lòng
 
Một hôm. tôi đang thay đồ trên tầng thì nghe thấy tiếng khóc gào từ phòng bếp. Sabrina đang đọc mấy cuốn sách thì có vẻ Max đã ra giật lấy và xé rách bìa.
 
Sabrina nức nở: “Max làm hỏng sách của con!”
 
Max trông có vẻ đã biết lỗi.
 
Tôi nói: “Max, xin lỗi đi con.”
 
“Xin lỗi.” thẳng bé nói một cách miễn cưỡng, như bao đứa trẻ khác.
 
Nhưng câu xin lỗi không vẫn chưa đủ. Tôi tìm cuộn băng dính và bảo Max giúp tôi dán lại bìa sách. Bằng cách đó, Max phải thực sự nghĩ về những gì nó đã làm, và đó cũng là một cách thể hiện sự hối lỗi, tốt hơn là chỉ nói suông.
 
Hai con đáng yêu của tác giả.

Tôi hy vọng con gái tôi đối xử bình đẳng với những người khuyết tật
 
Không nói đâu xa mà ngay trong gia đình tôi, Max mắc chứng bại não. Vậy nên Sabrina học được rằng những đứa trẻ thiệt thòi cũng xứng đáng được đối xử như những đứa trẻ khác. Chúng xứng đáng một một câu “xin chào” ở sân chơi, và xứng đáng được chơi cùng những đứa trẻ khác. Sabrina đã từng chứng kiến mấy đứa trẻ trêu trọc Max và cũng hiểu chẳng dễ gì cho chúng chấp nhận một đứa trẻ khác biệt. Chúng tôi đã nói về những người khác biệt, và sự khác biệt không có nghĩa người đó không thể là một người tuyệt vời. Một trong trong những giây phút đáng tự hào nhất là khi tôi tình cờ nghe được Sabrina nói với một đứa trẻ, đứa trẻ có thái độ kì thị Max, “Em tớ mắc chứng liệt não và điều đó chẳng ảnh hưởng gì cả vì em tớ có thể làm được rất nhiều thứ”.
 
Tôi dạy chúng biết cho đi
 
Ủng hộ tiền cho một quỹ nào đó không phải là một hành động dễ hiểu cho bọn trẻ. Tôi nhận ra những hành động nhỏ lại có ảnh hưởng lớn hơn. Chúng tôi làm những gì có thể. Chúng tôi ủng hộ những thiết bị hỗ trợ cũ của Max cho trường học. Kì nghỉ trước, bọn trẻ thu thập găng tay và khăn quàng cổ cho những đứa trẻ khó khăn. Điều tốt nhất tôi có thể dạy con là những việc nhỏ con làm hàng ngày có thể tạo ra sự khác biệt, và làm việc tốt không có nghĩa phải là việc gì to tát cả.
 
Tôi dạy con về sự trung thực
 
Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi từng đến thăm một người họ hàng sống ở San Antonio, Texas. Tôi nhớ chúng tôi đã đi qua The Alamo, thăm quan River Walk. Nhưng điều tôi nhớ nhất là chuyện xảy ra khi chú tôi trả hóa đơn cho một bữa ăn ở nhà hàng. Nhân viên thanh toán trả thừa tiền, và chú tôi đã nhờ tôi trả lại cho họ. Tôi đã làm vậy và được khen. Những việc như vậy thường còn lại mãi trong tâm trí một đứa trẻ, cách tốt nhất để dạy cho một đứa trẻ sự trung thực là bản thân mình phải trung thực.

Tôi dạy con biết vượt lên hoàn cảnh
 
Con gái tôi thỉnh thoảng cảm thấy xấu hổ khi gặp người lạ, tôi khuyến khích nó chào làm quen với mọi người. Con trai tôi kháng cự không chịu học đạp xe, tôi và chồng thay nhau kiên trì giữ xe cho con đến khi con có thể đạp những đoạn đầu tiên. Cả hai đứa nhà tôi thường làm toán trên mạng, nhưng thường cố né tránh những bài cho thêm, nhưng tôi vẫn bắt chúng phải làm. Bắt ép bọn trẻ làm những việc mà chúng nghĩ là khó không chỉ giúp chúng tự tin và quyết tâm hơn mà còn trang bị cho chúng trở thành người lớn, vì người lớn không phải lúc nào cũng gặp những chuyện dễ dàng, điều đó cũng dạy chúng biết vượt lên hoàn cảnh, một phẩm chất được đề cao khi chúng đi làm và cả trong cuộc sống nói chung.

 (Nguồn: babble)

Ellen Seidman là một bà mẹ Mỹ có hai con một trai và một gái. Con trai cô bị mắc chứng liệt não. Cô là một người mẹ luôn lo lắng, chăm sóc cho các con. Những chia sẻ của cô trên blog cá nhân Love That Max dành cho trẻ em khuyết tật và mắc bệnh down luôn được sự hưởng ứng của nhiều bà mẹ trẻ.

Chia sẻ