8 từ khóa cảm xúc bố mẹ cần dạy con trước 6 tuổi
Đôi lúc trẻ cảm thấy bứt rứt và khó chịu trong lòng nhưng lại biểu hiện bằng cách khóc lóc, la hét, đập phá đồ chơi… vì thực tế đối với trẻ nhỏ, việc nói ra được cảm xúc của mình bằng lời không hề dễ dàng.
Không chỉ trẻ con, mà ngay cả người lớn cũng vậy – đôi khi chúng ta cảm thấy rối bời vì không thể nói cho người khác hiểu được những cảm xúc của chính mình và giải quyết chúng. Vì thế, hãy giúp con hiểu và biết cách sử dụng 8 “từ khóa cảm xúc” dưới đây trong những tình huống giao tiếp cụ thể trước khi con chạm mốc 6 tuổi.
1. “Cô đơn”
Cô đơn là cảm giác xảy đến khi không có ai quan tâm bạn. Người lớn có thể nhanh chóng nhận ra điều này nhưng với một đứa trẻ thì khác. Các cha mẹ nghĩ rằng sau khi đưa con vào phòng ngủ là yên tâm nằm dài trên ghế xem ti vi, nhưng thực tế trẻ thấy sợ, thấy buồn vì chỉ có một mình trong phòng riêng. Hãy tinh ý nhận ra điều này và giải thích rõ ràng cho con hiểu về tính tự lập để con không còn bối rối. Chắc chắn bé sẽ cảm thấy mình được quan tâm, chăm sóc và yêu gia đình hơn.
2. “Thất vọng”
Với một người bình thường, nếu mong muốn không được đáp ứng, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng. Và trẻ nhỏ cũng vậy. Đó chính là những “thử thách” tâm lý mà trẻ phải đối diện hàng ngày – sự thất vọng.
Vì đa số trẻ không diễn đạt được sự thất vọng của mình, nên chúng lại cho rằng đó là kiểu “tức điên lên” giống như người lớn. Đừng quát mắng mà hãy phân tích để con hiểu: Có những điều con muốn nhưng lại không trở thành hiện thực hay chỉ vì con không đủ khả năng làm được, lúc đó con sẽ thấy thất vọng. Và chỉ cần nói “Con đang thất vọng mẹ ạ!” những lần sau là mẹ hiểu mình phải làm gì để giải quyết vấn đề của con.
3. “Cảm thấy bị bắt nạt”
Đây là một tình huống có lẽ cha mẹ nào cũng từng trải qua: Bạn đưa con tới công viên, có một đám trẻ nhỏ trạc tuổi bé đang chơi đùa rất vui vẻ. Bạn muốn con tới đó chơi cùng nhưng con lại nói muốn về nhà.
- “Tại sao con không ra chơi với các bạn?”
- “Bởi vì…”
- “Vì sao?”
Bạn vừa tức tối vừa hồi hộp chờ câu trả lời. Nhưng bé chỉ im lặng và cúi gằm mặt xuống. Cuối cùng, bé thú nhận:
- “Vì con sợ!”
Xét ở góc độ người lớn, thực tế chẳng có gì đáng sợ nhưng ở cương vị một người làm cha mẹ, bạn cần lưu ý điều này của con. Chắc chắn bé cảm thấy rằng: các bạn nhỏ đang chơi cùng nhau, nếu muốn “xin gia nhập”, mình sẽ chơi như thế nào? Đây không phải là nỗi sợ hãi đơn thuần, mà là vì bé nhận ra mình không có sự chuẩn bị từ trước, mình sẽ kém hơn những bạn khác nên cảm thấy dễ dàng bị “bắt nạt”. Hiểu được điều này, bạn sẽ có những lời khuyên hiệu quả để con mạnh dạn, tự tin khi ra ngoài cuộc sống.
4. “Đó không phải việc của mình”
Một khi trẻ nói vậy có nghĩa là chúng đang từ chối trách nhiệm trước một tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày mà không nhận ra mình đang làm sai. Và thật sự đáng lo nếu trong những trường hợp nguy hiểm như bạn bè của bé bị bắt nạt hay gặp những tai nạn không mong muốn. Chỉ với ý nghĩ “Đó không phải là việc của mình” bé sẽ trở thành người vô tâm, ích kỷ.
Bạn cần phải ngay lập tức ngăn chặn điều này và giải thích rằng chúng ta cần trở thành người tử tế, biết giúp đỡ người khác lúc khó khăn, hoạn nạn. Nếu mình không đủ khả năng, hãy nhờ tới người lớn để họ giải quyết vấn đề một cách hợp lý nhất.
Sự quan tâm, chia sẻ của bố mẹ sẽ khiến bé hiểu và điều chỉnh cảm xúc bản thân theo hướng tích cực.
5. Đói cồn cào ruột gan
Khi đói, trẻ sẽ không kiểm soát được cảm xúc của mình nhưng chúng thường không nhận ra điều này. Chúng chỉ cảm thấy mình “như đang phát điên lên” và làm đủ mọi cách để có được đồ ăn mà thôi. Đói là một cảm giác đặc biệt, giúp trẻ hiểu hơn về nhu cầu tự nhiên của cơ thể. Lúc này, bạn chỉ cần đưa cho con những đồ ăn vặt bổ dưỡng như các loại hạt khô, bánh ngũ cốc, một miếng pho mát để ổn định lượng đường trong máu và tâm trạng của trẻ.
6. Gọi tên đúng các bộ phận cơ thể
Sẽ có nhiều khoảnh khắc ngộ nghĩnh khi bạn dạy con về các bộ phận trên cơ thể - nhưng điều này thực sự cần thiết. Hiểu về cơ thể mình sẽ giúp trẻ chân thành chia sẻ cho bạn những dấu hiệu không ổn mà chúng gặp phải. Đừng xấu hổ khi giảng giải cho con những câu hỏi liên quan tới vấn đề này, vì thực sự đây là điều vô cùng quan trọng cho sự phát triển thể chất và cảm xúc của trẻ.
Ngoài ra, cũng đừng sử dụng những từ ngữ dễ thương để dạy trẻ về cơ thể người. Bạn nên giải thích để trẻ hiểu rằng: Cơ thể con người là bất khả xâm phạm. Không ai được làm tổn thương chúng nếu không được sự cho phép của chủ nhân. Và cũng tương tự, chúng ta cũng sẽ không làm tổn thương cơ thể người khác hay khiến người khác khó chịu.
“Nhiều chuyên gia bảo vệ trẻ em ủng hộ mạnh mẽ việc các bậc phụ huynh dạy con về cơ thể người. Làm như vậy có nghĩa là bạn đang hướng tới “một cuộc cách mạng tuyệt vời” để con hiểu về chính cơ thể mình, biết trân trọng nó và tự tin hơn. Những đứa trẻ tự tin và có nền tảng giáo dục tốt sẽ ít có nguy cơ gặp phải quấy rối, đặc biệt là quấy rối tình dục, bởi vì thủ phạm thường chỉ tìm những trẻ em thiếu hiểu biết về vấn đề này”.
7. “Muốn ở một mình”
Đôi khi bạn cần những khoảng riêng tư không muốn bị ai quấy rầy. Có thể tâm trạng bạn không ổn hay quá mệt mỏi sau một ngày dài trông con và chỉ cần “Không ai động vào người” lúc này. Khi ấy, bạn nên sớm nói ra điều đó, kể cả với các con. Hãy giải thích rằng bạn muốn được ôm ấp, vỗ về con nhưng bây giờ thì không thể. Dùng cử chỉ như xòe bàn tay và giơ lên trước khi các con tới gần để chúng biết được cha mẹ đang cần nghỉ ngơi. Trẻ sẽ làm tương tự khi chúng muốn ở một mình để bình tĩnh lại và việc của bạn là tạo một không gian riêng cho chúng là đủ.
8. “Làm ơn”
Sẽ có lúc bạn cảm thấy bực mình vì con nói trống không: “Đưa con hộp sữa” hay “ Cầm cho con món đồ này”… Ở lứa tuổi đó, các bé chưa nhận thức rõ về sự quan tâm, chăm sóc và chỉ biết đòi hỏi nên bạn cần dạy chúng nguyên tắc yêu cầu được giúp đỡ.
Với những câu hỏi như “Bố ơi, làm ơn lấy cho con hộp sữa với ạ!” hay “Mẹ ơi, mẹ mở hộ con đồ chơi này được không ạ?” sẽ giúp trẻ nhận thức toàn diện về người mình cần nhờ: cảm xúc của họ, họ đang làm gì, yêu cầu đó có ảnh hưởng gì tới tình trạng hiện tại của họ… Chắc chắn bạn không hi vọng con trai mình chỉ đứng đó nhìn và để mẹ tự mở cửa trong khi hai tay đầy những túi xách nặng trĩu phải không nào?