8 điều cha mẹ cần nắm rõ nếu muốn nuôi dạy con cái trở thành người tử tế, có lòng nhân ái, ai cũng yêu mến
Một đứa trẻ có lòng nhân ái, tử tế sẽ được mọi người yêu mến và tương lai sẽ gặp nhiều điều thuận lợi.
Nếu từ nhỏ trẻ được cha mẹ nuôi dạy trở thành một người tử tế, chúng sẽ có một khởi đầu tốt và tương lai gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, hành trình nuôi dạy con cái biết cho đi, biết giúp đỡ người khác hoàn toàn không dễ dàng. Một trong những cách tốt nhất để trẻ có thể hiểu được giá trị của lòng tốt chính là cha mẹ trở thành tấm gương cho trẻ noi theo.
Để con cái có những hành động thiết thực thể hiện tấm lòng nhân ái, ngoài việc cha mẹ nói với con "đó là điều tốt con cần làm", Dale Atkins – đồng tác giả cuốn sách "The Kindness Advantage: Cultivating Compassionate and Connected Children" (tạm dịch: Lợi ích của lòng tốt: Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự kết nối ở trẻ em) chỉ ra 8 điều cha mẹ cần chú ý dưới đây.
1. Khuyến khích trẻ biết quan tâm người khác
Theo Dale, dạy trẻ về lòng nhân ái không phải là dạy về lòng tốt một cách rõ ràng. Thay vào đó, cha mẹ nên khuyến khích trẻ thể hiện sự quan tâm của mình tới người khác.
Dale nói: "Cha mẹ nên khuyến khích trẻ biết quan tâm tới người khác, biết lắng nghe, đồng cảm và không phán xét".
Nếu một đứa trẻ tỏ ra lịch sự với người phục vụ hoặc ai đó trong một cửa hàng, cha mẹ nên khen ngợi con mình. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cũng nên đối xử với con mình một cách tử tế và lịch sự.
2. Dạy trẻ biết cách cư xử nơi công cộng
Cha mẹ muốn nuôi một đứa trẻ tử tế thì bản thân họ cũng phải là người như vậy. Điều này có nghĩa là họ phải biết thể hiện sự tốt bụng của mình như lịch sự với nhân viên vệ sinh, cho tiền người ăn xin, giúp ai đó đẩy xe...
Khi những hành vi tử tế trở thành thói quen, trẻ em sẽ coi đó là chuẩn mực.
Dale nói: "Điều quan trọng là trẻ phải được tiếp xúc với những hành vi tốt đẹp của cha mẹ ở nơi công cộng".
3. Giải thích về hành động mình làm
Cha mẹ nên giải thích tại sao mình nên đối xử tốt với người khác như vậy. Trẻ cần hiểu lý do tại sao và điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với chúng.
Ví dụ, cha mẹ đi làm về muộn vì đã giúp ai đó bị hỏng xe, sau đó họ nên giải thích cho con cái hiểu tại sao mình làm vậy.
4. Dạy con cái biết ơn với cuộc sống
Cha mẹ nên thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn với những gì mình có ở hiện tại. Chẳng hạn như biết ơn vì mình có một cơ thể lành lặn, có nhà ở, có thức ăn, có sức khỏe… Với những điều nhỏ nhặt như vậy, trẻ sẽ nhận thấy mình cần trân trọng mọi thứ bản thân đang có.
Dale nói: "Trẻ em nên biết rằng, lòng biết ơn là 1 phần của sự trân trọng cuộc sống. Chỉ khi trẻ biết quý trọng cuộc sống của mình, chúng sẽ đối xử tốt với người khác".
5. Không la mắng trẻ ở nơi công cộng
Khi trẻ có hành động ngỗ nghịch nơi công cộng, điều cha mẹ cần làm trước tiên là giữ cho mình sự bình tĩnh. Việc la mắng trẻ nơi công cộng không chỉ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, xấu hổ mà còn để lại nhiều hệ lụy khác.
Nếu cha mẹ có thể kìm chế được cảm xúc của mình, không la mắng, quát tháo con cái nơi công cộng, nó không chỉ giải quyết mọi thứ ổn thỏa mà còn thể hiện mình là người tâm lý. Điều quan trọng nhất chính là không làm con cái xấu hổ trước người khác.
6. Luôn thể hiện sự đồng cảm với con cái
Khi trẻ đánh người khác, tất nhiên cha mẹ sẽ rất tức giận với hành vi này của con mình. Tuy nhiên, điều cần thiết cha mẹ nên làm lúc này là thể hiện sự đồng cảm, không vội vàng trừng phạt con cái.
Cha mẹ hỏi trẻ cảm thấy như thế nào trước và sau khi đánh bạn bè, tại sao lại hành động như thế. Một khi trẻ cảm thấy được lắng nghe, chúng sẽ thành thật nói ra lý do tại sao mình làm vậy. Sau đó, tùy theo mức độ mà cha mẹ cần cân nhắc có phạt trẻ hay không.
7. Đọc sách cho con cái nghe
Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ 4, 5 và 6 tuổi nếu được cha mẹ đọc sách về những nhân vật có cuộc sống khác xa với trẻ, chúng thường cởi mở và có tấm lòng nhân ái hơn so với những đứa trẻ khác.
Việc đọc sách sẽ giúp trẻ có được sự đồng cảm và kết nối với người khác. Sau khi đọc xong, trẻ biết suy nghĩ, có niềm tin và những điều đó càng làm tăng thêm sự đồng cảm.
8. Dạy dỗ về lòng nhân ái cần sự kiên nhẫn
Để một đứa trẻ có lòng nhân ái, chúng cần được cha mẹ nuôi dưỡng và rèn luyện trong thời gian dài. Vấn đề cốt lõi nhất là cha mẹ cần nhất quán trong lời nói và hành động của mình, điều đó sẽ giúp trẻ nhận thức được những điều tốt mình nên làm.