8 câu nói tưởng vô tình mà lại khiến con bị tổn thương lòng tự trọng vô cùng, cha mẹ tuyệt đối nên tránh
Trẻ nhỏ vốn dĩ khá nhạy cảm, những câu nói này của cha mẹ tưởng không có ý gì nhưng có thể khiến trẻ bị tổn thương và ảnh hưởng tới lòng tự trọng.
Làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Sẽ thật tuyệt vời nếu cha mẹ luôn khuyến khích, động viên con nhưng đáng buồn nếu vô tình làm tổn thương tâm lý của trẻ chỉ bằng những câu nói, ngôn từ tưởng như vô hại hàng ngày. Có rất nhiều lúc, trẻ thường làm bố mẹ bực mình, bất lực vì sự nghịch ngợm hay không nghe lời, nhưng trẻ nhỏ cũng vốn dĩ khá nhạy cảm, những câu nói của cha mẹ có thể khiến trẻ bị tổn thương và ảnh hưởng tới lòng tự trọng.
Có những câu nói khiến trẻ bị tổn thương tâm lý, để lại hậu quả lâu dài về sau (Ảnh minh họa)
Trong những trường hợp như vậy, cha mẹ hãy luôn giữ bình tĩnh và tỉnh táo trước khi trách mắng con. Chuyên gia, bác sĩ tâm thần Lim Boon Leng tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm lý Dr BL Lim (Singapore) cho biết: "Những lời trách mắng của cha mẹ chỉ sử dụng trong trường hợp cần thiết thì sẽ có tác dụng răn dạy con, nhưng nếu thường xuyên trách mắng và dùng những lời lẽ nặng nề có thể ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, tính cách của bé sau này, làm tổn thương tới lòng tự trọng của con trẻ".
Thay vì cáu gắt, quát tháo cha mẹ nên bình tĩnh lại để trò chuyện và giải quyết vấn đề cùng con. 8 câu nói dưới đây là 8 câu cha mẹ nên hạn chế nói với trẻ để tránh làm tổn thương và ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của trẻ.
1. Con đừng khóc lóc/lười biếng như vậy!
Chuyên gia, bác sĩ tâm thần Lim cho hay khi cha mẹ đưa ra những câu nói, bình luận mang tính hạ thấp về hành vi của con thì chỉ khiến trẻ trở nên kém tự tin vào bản thân hơn, lòng tự trọng của trẻ cũng bị tổn thương. Sự tự ti có thể tiếp tục đeo đẳng trẻ cho tới tuổi trưởng thành và ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của trẻ.
2. Nín khóc ngay!
Nhiều bậc cha mẹ than phiền vì con thường khóc lóc hoặc tỏ thái độ hờn giận mỗi khi có chuyện gì khiến trẻ cảm thấy khó chịu, tức giận hoặc buồn bã. Tiến sĩ Lim giải thích, việc bắt trẻ phải nín khóc và không được bày tỏ cảm xúc như hờn giận chính là cha mẹ đang cố kìm nén cảm xúc của con, bắt con phải che giấu cảm xúc thật. Điều này có thể dẫn đến cảm xúc bị chai lỳ hoặc bùng phát cảm xúc một cách không thể kiểm soát, thậm chí là chứng rối loạn cảm xúc ở trẻ sau này.
3. Mẹ không có tiền đâu!
Tất nhiên, khi mẹ thực sự không còn tiền và phải từ chối mua đồ chơi mới cho con thì đó hoàn toàn là chuyện bình thường và có thể chấp nhận được. Nhưng nếu mẹ liên tục dùng lí do này để nói dối bé thì càng làm bé mất niềm tin, hậu quả là những lời nói dối để lấy tiền của người lớn khi trẻ lớn lên.
4. Vì mẹ đã nói/nhắc rồi mà!
Nếu con còn nhỏ và chưa thể hiểu hậu quả của hành động, đặc biệt có liên quan tới sự an toàn và tính mạng của trẻ, thì cha mẹ cần kiên quyết để ngăn chặn hành vi kịp thời. Tuy nhiên, chuyên gia Lim cảnh báo cha mẹ không nên sử dụng câu nói này thường xuyên, bởi trẻ chỉ biết làm theo yêu cầu mà không nhận thức được sự nguy hiểm thực sự là như thế nào.
5. Sao con không giống như các anh chị A/B?
Việc so sánh con với những đứa trẻ khác sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy mình thấp kém hơn, ảnh hưởng nặng nề tới lòng tự trọng của trẻ. Câu nói này cũng vô tình khơi gợi sự ganh đua, ghen ghét, đố kị trong lòng trẻ vì bị đem ra để so sánh.
6. Con giảm cân đi, quần áo chật hết rồi!
Mẹ liên tục đưa ra những bình luận về ngoại hình của con sẽ khiến con cảm thấy mặc cảm, tự ti hơn. Trẻ thậm chí còn nảy sinh tâm lý chỉ quan tâm đến ngoại hình để làm vừa mắt mọi người thay vì phát triển tính cách và năng lực bản thân.
7. Mọi người sẽ cười nhạo nếu con còn chơi cái đó!
Khi trẻ chơi một món đồ chơi được cho là không liên quan đến giới tính của trẻ thì điều đó không có nghĩa là trẻ đang đánh mất chính mình. Theo bác sĩ Lim, về lâu dài, chính những lời chỉ trích, bình luận như vậy sẽ khiến con cảm thấy thấp kém và tự đánh giá mình là tầm thường. Con không còn tự tin vào quyết định của mình khi mà bố mẹ luôn chỉ trích sự lựa chọn của trẻ.
8. Nếu con không dừng lại thì mẹ sẽ chẳng có gì để nói với con!
Câu nói này khiến trẻ nghĩ rằng trẻ không được tìm sự giúp đỡ của cha mẹ nếu không làm theo cách mà cha mẹ muốn hoặc yêu cầu. Đứa trẻ có thể cảm thấy bị từ chối, làm tổn hại đến lòng tự trọng của chúng. Trẻ dần cảm thấy kém tự tin khi khám phá thế giới, đặc biệt là khi trẻ không có cha mẹ hỗ trợ.
Nguồn: Parents