8 câu hỏi "thần kỳ" giúp trẻ mắc lỗi tự sửa sai mà không cần la mắng, bố mẹ thử áp dụng sẽ thấy kết quả bất ngờ
La mắng con những lúc chúng mắc sai lầm không phải là cách giải quyết tốt nhất. Điều cần nhất chính là bố mẹ cần bình tĩnh để lắng nghe chúng trải lòng.
Khi một đứa trẻ mắc phải sai lầm, thông thường phản ứng đầu tiên của bố mẹ là sẽ la mắng chúng, nhưng nhiều người không biết rằng chính thái độ này đã khiến chúng sợ hãi và sau này sẽ tiếp tục sai hơn. Vì vậy, việc cần làm của bố mẹ là bình tĩnh và lắng nghe lời giải thích của chúng để hiểu sự thật của vấn đề. Bên cạnh đó, thay vì la mắng chúng thì các bậc phụ huynh thử hỏi chúng 8 câu hỏi này, mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách êm đẹp.
1. Có chuyện gì xảy ra với con vậy?
Đây là một câu hỏi nhẹ nhàng mà bố mẹ cần nên hỏi con trẻ. Khi bạn nói câu này, chắc chắn chúng sẽ nhận biết được mình có cơ hội để giãi bày. Khi chúng nói, việc đầu tiên là hãy bình tĩnh lắng nghe, và đứng trên quan điểm của trẻ để nhìn nhận vấn đề. Hơn nữa, ngay cả khi chúng làm sai thì việc chia sẻ vấn đề với bố mẹ cũng giúp chúng có cơ hội nhận lỗi cũng như có cơ hội để bảo vệ chính mình.
2. Con cảm thấy thế nào?
Sau khi chúng chia sẻ, bố mẹ nên mở đường cho chúng giải bày cảm xúc. Khi bạn hiểu được tâm ý của con, đừng vội dạy dỗ chúng. Trong vấn đề của con trẻ, bố mẹ khoan hãy xét đến chuyện đúng sai, chỉ cần nói những cảm nhận của mình. Nghiên cứu khoa học cho thấy, khi một người đang có cảm xúc mạnh mẽ thì sẽ khó tiếp thu những kích thích bên ngoài. Nói một cách khác, khi một người xúc động thì họ sẽ không lắng nghe người khác nói. Việc cần làm chính là chờ đợi tâm trạng họ ổn định thì vấn đề mới có thể giải quyết. Đối với trẻ con cũng thế, bố mẹ muốn chúng tiếp thu ý kiến của mình thì trước hết phải đồng cảm với chúng. Sau khi chúng bình tĩnh, thì bạn có thể hỏi câu thứ 3.
Ảnh minh họa
3. Con muốn làm thế nào?
Ngay tại thời điểm này, bất kể đứa trẻ nói điều gì cũng đừng kinh ngạc, càng không được sợ hãi. Việc cần làm của bố mẹ chính là bình tĩnh tiếp nhận và hỏi chúng câu thứ 4.
4. Con cảm thấy có cách nào để giải quyết không?
Trong câu hỏi này, bố mẹ cần tôn trọng lời nói của con, đặc biệt hơn hết là phải lắng nghe một cách bình tĩnh và nghiêm túc. Bản thân bố mẹ lúc này cũng có thể giúp con nghĩ cách để giải quyết vấn đề, trò chuyện, trao đổi một cách bình đẳng để chúng biết rằng bố mẹ vẫn đang bên cạnh giúp chúng. Sau này khi gặp vấn đề trong tương lai, chúng sẽ nghĩ đến việc bàn bạc với bố mẹ để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất. Trong trường hợp bố mẹ không thể nghĩ được gì, bạn có thể hỏi chúng câu thứ 5.
5. Hậu quả của những cách này là như thế nào?
Lúc này, bố mẹ cần cho trẻ có thời gian suy nghĩ về những hướng giải quyết mà chúng đề ra. Bên cạnh đó, việc này có thể giúp chúng hiểu được hệ quả đằng sau mỗi giải pháp là gì? Nếu sau một lúc, trẻ không thể biết được, bố mẹ có thể giải thích cho chúng biết hậu quả là gì? Nên nhớ rằng, trong những lúc thế này, bố mẹ tránh dạy dỗ và nặng lời với chúng, bạn cần phải hết sức bình tĩnh để cùng con tháo gỡ khúc mắc.
Ảnh minh họa
6. Con quyết định làm gì?
Sau khi chúng có cơ hội nói lên những suy nghĩ của mình thì đây là lúc đứa trẻ sẽ cân nhắc việc chọn lựa phương pháp có lợi nhất. Chúng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và cho rằng đây là sự lựa chọn hợp lý nhất. Ngay cả khi sự lựa chọn ấy không đáp ứng sự mong đợi của bố mẹ thì hãy cứ tôn trọng chúng. Nếu như trong tình huống này, bố mẹ phản ứng lại thì e rằng chúng sẽ không bao giờ tin bạn nữa. Hơn nữa, giả sử quyết định của chúng là sai lầm thì bố mẹ cứ để mặc, vì chính những điều này sẽ giúp chúng có thể học hỏi từ những sai lầm của mình để rút ra được bài học quý báu. Chẳng phải như thế lại tốt hơn sao?
7. Con muốn bố mẹ làm gì?
Khi trẻ mạnh dạn nói ra hy vọng đươc bố mẹ giúp đỡ, thì lúc này các bậc phụ huynh phải thể hiện được sự ủng hộ tích cực trước mặt chúng. Bởi lẽ, sự thấu hiểu và ủng hộ của bố mẹ sẽ là sức mạnh giúp chúng tự tin thay đổi những sai lầm của mình. Khi kết thúc vấn đề, hãy hỏi chúng câu hỏi cuối cùng.
Ảnh minh họa
8. Lần sau chúng ta nên làm gì đây?
Sau một loạt câu hỏi, đây là lúc bố mẹ để con trẻ có cơ hội nhìn vào chính mình, để đối chiếu xem suy nghĩ và cách giải quyết của mình có đúng hay không. Bằng cách này, bố mẹ cũng kích thích sự phán đoán của trẻ và giúp chúng tự nhìn lại bản thân mình.
Nhiều bậc phụ huynh tin rằng con cái của họ còn quá nhỏ và không có khả năng giải quyết vấn đề. Nhưng trên thực tế, ngay cả khi chúng còn nhỏ, chúng cũng có tư duy của riêng mình và sẽ sử dụng một số phương pháp để giải quyết vấn đề. Do đó, khi trẻ phạm sai lầm, bố mẹ hãy cứ thử hỏi 8 câu này, thực hành thêm một vài lần, thì chắc chắn con bạn sẽ có khả năng giải quyết vấn đề của chính mình. Bên cạnh đó, bố mẹ nên biết rằng, khả năng nhận biết vấn đề và giải quyết vấn đề là điều quan trọng nhất trong quá trình phát triển của trẻ.
(Nguồn: Secretchina)