8 cách giúp trẻ xem việc nhà là trò chơi
Khi bạn dạy cho trẻ rằng phải làm việc nhà thì bạn đừng quên một điều: phải làm sao cho trẻ thấy bất kỳ công việc nào cần làm cũng phải mang đến niềm vui thích cho chính bản thân mình.
Sự thích thú về việc cầm được cây chổi quét nhà hay phơi chiếc áo lên dây rồi sẽ qua đi và trẻ sẽ chỉ còn lại một mình với công việc đều đặn mỗi ngày, điều đó làm cho trẻ chóng chán và muốn tránh né. Bạn nghĩ rằng có thể những mệnh lệnh: “cần phải" và "đó là nhiệm vụ” sẽ khiến con quen và biết dọn dẹp nhà cửa? Không chắc rằng bạn thành công hay không, hay điều đó chỉ khiến con căm ghét việc nhà, căm ghét việc rửa chén bát, lau nhà, giặt đồ tới suốt đời nếu không truyền cho con sự thích thú nào trong công việc đó. Hỹ thử truyền cảm hứng cho con bằng vài cách sau:
Trò chơi giả vờ
Với con trẻ, không gì thích thú hơn mọi thứ đều là trò chơi. Bạn có thể giả vờ mình là chú cún con trong rạp xiếc, một con robot trong phim hành động, một siêu nhân trong truyện tranh để lượm rác, thu dọn búp bê, xe tăng.
Trẻ rất giàu tưởng tượng và chấp nhận những tưởng tượng dễ dàng. Bạn hãy để cho trẻ được tưởng tượng chiếc thùng rác là một con thú đang đói ăn, đôi giày là con ngựa chinh chiến đường xa cần phải được tắm rửa và nghỉ ngơi...
Sáng tạo thú vị
Còn có một phương pháp nữa đánh thức sự thích thú của trẻ: Hãy sáng tạo những công cụ mới dành cho việc thu dọn. Phổ biến nhất có lẽ là sử dụng những chiếc xe đồ chơi để chất hàng hóa mang đi cất. Có thể cách này khiến việc dọn dẹp vô cùng chậm chạp, nhưng thói quen mỗi lần dọn dẹp lại nghĩ ra một điều gì đó lạc quan của lao động sẽ vô cùng hữu ích cho con bạn sau này.
Trò chơi may rủi
Bạn có thể thử trò chơi may rủi với con xem sao. Bạn hãy cứ làm việc của mình và “cử” con đi vào phòng của con để cất một vài món đồ mà con thích nhất (hay ghét nhất, hay giống nhau nhất). Sau đó con sẽ thông báo với bạn là đã cất bao nhiêu thứ và bạn sẽ đoán xem đó là những thứ nào: “Lego, lính nhựa hay xe tăng?”. Nếu bạn đoán không đúng, bé sẽ nhận được số điểm bằng với số món đồ chơi mà bé thu dọn.
Thời gian dọn dẹp
Có nhiều trẻ con cũng rất sợ phải đối mặt với đồng bừa bộn mà nó đã bày ra. Chính vì vậy mà chúng thà là đi lau nhà hay rửa chén đĩa còn hơn là dọn dẹp đồ chơi. Bạn hãy nghĩ ra một điều gì thú vị cho việc này. Trẻ con thường rất thích việc ra những tuyên bố. Bạn hãy đặt ra những cái tên, thí dụ “Thời gian của rác” – đó là việc thu dọn những mảnh giấy vụn mà bé đã cắt xé đầy nhà, “Thời gian của lego” – bé sẽ xếp các mẩu lego vào hộp. Tiếp đó là “thời gian của thú nhồi bông”, “thời gian xe về bến”…
Ghi chú về nhiệm vụ phải hoàn thành
Để trẻ quen với việc nhà, bạn có thể sử dụng những mảnh giấy ghi chú. Trên mỗi kiểu giấy ghi chú là một công việc nào đó cần hoàn thành trong ngày. Thí dụ “rửa 5 cái tô, dọn dẹp giường chiếu, lau bàn học”. Đằng sau các tấm thẻ ghi chú này sẽ là điểm của những công việc đã hoàn thành. Mỗi lần trẻ nhận 3 tấm thẻ và sẽ được chấm điểm vào cuối ngày.
Cuộc phiêu lưu
Thông thường các bà mẹ sẽ ra lệnh: “Nếu con không dọn dẹp xong phòng của con thì đừng có mơ xem phim hoạt hình”. Có thể thay mệnh lệnh khô khan đó bằng một trò chơi phiêu lưu đầy tưởng tượng. Nếu bạn có thời gian, hãy viết 7-10 tấm thẻ thể hiện 10 trạm dừng. Trẻ sẽ đi du lịch từ trạm này tới tram kia, được các cư dân nơi đó đón tiếp và giao nhiệm vụ.
Người dân của một thành phố thì cần người rửa hồ (lau chùi lavabo), người dân nơi khác cần thu hoạch mùa màng (thu dọn lego), một nơi khác nữa thì cần người giúp dọn vườn (tưới hoa ngoài ban công). Ở trạm dừng thứ 4, người dân không yêu cầu làm việc mà chỉ đãi khách du lịch táo hay chuối. Điểm cuối của cuộc hành trình (phim hoạt hình) sẽ có ý nghĩa hơn mặc dù đa số con trẻ sẽ cảm thấy thú vị vì quá trình khám phá của mình – đó là cuộc phiêu lưu và sự gặp gỡ mới mẻ.
Nội quy
Ở lứa tuổi tiểu học, trẻ bắt đầu hiểu và đấu tranh cho sự công bằng trong gia đình và rất thích nghĩ ra những nội quy. Bạn có thể ủng hộ trẻ. Thí dụ, bạn hãy thỏa thuận với trẻ rằng hễ ai bỏ thìa, bát, dĩa vào chậu rửa chén thì sẽ phải tự rửa chúng. Hoặc nội quy 15 phút trước giờ ăn sáng thì phải dọn dẹp phòng ngủ. Hay nội quy về những buổi dọn nhà chung cuối tuần
Cuộc thi đua trong gia đình
Đôi khi bạn hãy thay đổi công việc dọn dẹp chung của cả nhà bằng một cuộc thi đua. Hãy treo lên cửa tủ lạnh một tấm bảng nhỏ để mỗi người trong nhà đánh dấu vào đó những việc mình đã làm, thí dụ mang rác đi đổ hay rửa chén bát. Cuối tuần cả nhà sẽ xem lại kết quả và có sự tặng thưởng vui cho người chiến thắng. Thậm chí nếu cả khi người lớn trong nhà vẫn làm mọi việc theo cách bình thường thì bé vẫn sẽ cảm thấy thích thú vì điều này.
Phần thưởng
Trong tất cả những trò chơi nói trên, bé của bạn đã kiếm được nhiều điểm thưởng. Giờ bé sẽ làm gì với nó đây? Thật ra các trò chơi luôn thú vị, ngay cả khi không có thưởng. Vì thế, phần thưởng có thể là những gì rất nhỏ nhưng dễ thương: kẹo bánh, đồ chơi…Con bạn có thể tích lũy điểm thưởng cho những món quà tinh thần như một buổi đi chơi ở Thảo cầm viên, cũng có thể đi xem phim hoạt hình, hay mua một game mới. Đôi khi bạn cũng có thể thưởng những món tiền nho nhỏ để bé thấy mình thật… người lớn.
Những dù sao thì hay nhất vẫn là những chuyến đi chơi cùng bố mẹ, những cuốn sách hay. Bởi sự giúp đỡ bố mẹ của bé khiến họ có thêm nhiều thời gian dành cho bé hơn. Bạn có thể quy định trước về phần thưởng. Cũng có thể viết ra một danh sách những chọn lựa để bé tự mình quyết định.
Tiếp sau đó là gì?
Nhiều bậc phụ huynh lo ngại rằng nếu nghĩ ra những trò chơi như vậy một lần thì sau đó trẻ sẽ hoàn toàn không chịu tự nguyện dọn dẹp nữa và sẽ luôn phải nghĩ ra điều gì mới mẻ. Điều đó không đáng sợ đến như vậy. Có biết bao niềm vui, những cảm hứng sáng tạo và sự gắn kết gia đình mà những trò chơi này sẽ mang đến cho mái ấm nhỏ của bạn, đứa trẻ sẽ lớn lên trong bầu không khí đó.
Trẻ sẽ nhận được sự hài lòng về việc mình đã hoàn thành một điều gì đó tốt đẹp cho cha mẹ. Hài lòng khi mình biến những hỗn độn, dơ dày thành sự ngăn nắp, sạch sẽ. Và rồi có những việc sẽ trở thành thói quen tốt đẹp. Ngoài ra, trẻ sẽ nhanh chóng học được những cách nghĩ sáng tạo và tự đề nghị với bạn những ý tưởng mới để biến mọi việc nhàm chán thành thú vị.