7 việc cha mẹ càng làm nhiều, con cái càng ngoan
Phụ huynh chú ý nhé!
Các bậc cha mẹ ngày nay sẵn lòng chi nhiều tiền cho việc giáo dục con cái. Bất kể là mua nhà ở khu học chánh đắt đỏ, đăng ký cho con các lớp kỹ năng, học thêm…, miễn là có lợi cho chuyện học hành của con gái là phụ huynh đều "móc hầu bao" bằng mọi giá.
Tuy nhiên, những việc này, hầu hết chỉ là những đầu tư ở mặt bên ngoài. Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ đừng chỉ nên chú trọng đầu tư vật chất mà còn cần chú ý đến việc trau dồi tinh thần cho con.
Đặc biệt là 7 điều sau này, nếu cha mẹ làm tốt sẽ có ích hơn nhiều so với việc chi một đống tiền.
1. Sẵn sàng dành thời gian cho con cái
Rất nhiều cha mẹ rơi vào một quan niệm sai lầm, cho rằng làm việc quần quật để kiếm tiền chính là tình yêu tốt nhất dành cho con cái. Nhưng thực tế, đó chỉ là suy nghĩ một chiều của cha mẹ.
Đối với trẻ, việc cha mẹ sẵn sàng dành thêm một giờ mỗi ngày cho chúng còn khiến chúng hạnh phúc hơn nhiều so với việc cha mẹ mua cho chúng một món đồ chơi.
Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, ở giai đoạn phát triển, những đứa trẻ có cha mẹ đồng hành sẽ thông minh hơn, tính cách lạc quan tích cực hơn và có nhiều khả năng thành công hơn những đứa trẻ chỉ có một mình.
Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy học cách gác lại công việc trong tay và dành nhiều thời gian hơn cho con cái, để chúng có một tuổi thơ hạnh phúc. Điều này không chỉ có thể tăng cường tình cảm giữa cha mẹ và con cái mà còn có lợi cho việc nuôi dưỡng thái độ sống tích cực cho chúng.
2. Sẵn sàng đầu tư vào bản thân
Sau khi có con, nhiều bậc làm cha mẹ dành phần lớn thời gian và năng lượng cho con cái, dẫn đến việc bỏ bê bản thân. Nhưng trên thực tế, khoản đầu tư tốt nhất mà cha mẹ có thể thực hiện chính là đầu tư vào chính bản thân họ.
Cha mẹ là cố vấn cuộc đời của con cái, là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến con cái. Cha mẹ là người như thế nào, con cái sẽ trở thành người như thế đó.
Nếu cha mẹ lười biếng không cố gắng tiến lên, con cái cũng sẽ noi theo gương cha mẹ, không học hành nghiêm túc, không có ý chí tiến thủ, sống một cuộc đời mù mịt.
Nhưng nếu cha mẹ làm việc chăm chỉ, cố gắng nâng cao bản thân từ nhiều phương diện, cố gắng thực hiện giá trị bản thân thì con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thái độ tích cực đó và thay đổi chính mình. Chúng sẽ bị lây nhiễm tinh thần dám nghĩ dám làm của cha mẹ và cũng sẽ cố gắng hơn vì ước mơ của mình, sẵn lòng đối mặt với nhiều thách thức để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
3. Sẵn sàng giáo dục trẻ một cách kiên nhẫn
Việc giáo dục con cái là một quá trình gian khổ và đầy thử thách. Nó đòi hỏi cha mẹ phải có sự kiên nhẫn cao độ, ý chí mạnh mẽ. Nó cũng đòi hỏi cha mẹ phải học cách kiểm soát cảm xúc của mình và truyền đạt những quan điểm đúng đắn cho con cái mình một cách tốt nhất có thể.
Thế giới của trẻ em luôn tràn ngập những điều mới lạ. Chúng tò mò về mọi thứ, chúng có "mười vạn câu hỏi vì sao" để hỏi bạn mọi lúc mọi nơi.
Mẹ ơi, tại sao bầu trời màu xanh làm mà cỏ lại màu xanh lá?
Bố ơi, tại sao chim bay được còn con thì không?
Mẹ ơi, tại sao con sói to lớn xấu xa trên TV lại ăn thịt cừu?
Lúc này, cha mẹ không được nóng nảy, không được trả lời qua loa cho qua chuyện.
Có rất nhiều câu hỏi, điều đó chỉ chứng tỏ trẻ có ham muốn học tập mãnh liệt, nếu cha mẹ không quan tâm và phản ứng nghiêm túc, trẻ sẽ dần mất hứng thú học tập, điều này rất bất lợi cho sự phát triển của trẻ.
4. Sẵn sàng khen ngợi trẻ
Mọi đứa trẻ đều mong muốn được cha mẹ công nhận và trở thành niềm tự hào của cha mẹ, điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc từ tận đáy lòng và có thêm động lực để làm mọi việc.
Tôi từng xem một cuộc phỏng vấn trong đó nhân vật chính là một chàng trai trẻ làm công việc bốc vác tại một công trường xây dựng. Chàng trai kể rằng khi còn nhỏ, thành tích của anh ấy rất tốt và thường nằm trong top 5 của lớp. Nhưng mỗi lần anh ấy vui vẻ mang bảng điểm về cho bố mẹ, bố mẹ anh ấy đều nói, top 5 thì có gì đâu, phải đứng top 1 mới đáng khen.
Điều này khiến tâm trạng hào hứng của anh nhanh chóng bị dập tắt. Sau đó, anh cố gắng giành được vị trí đầu tiên, nghĩ rằng như vậy sẽ nhận được lời khen từ bố mẹ. Ai ngờ đâu, bố mẹ anh lại một lần nữa lạnh lùng và nói, đứng đầu thì có gì đâu, phải đạt điểm tuyệt đối mới được.
Chàng trai cho hay kể từ giây phút đó, anh ấy cảm thấy mọi nỗ lực của mình đều trở thành trò đùa. Anh ấy không còn muốn cố gắng nữa, sau đó anh trốn học, chơi game, từng bước rơi xuống bước đường như hôm nay.
Kết thúc cuộc phỏng vấn, anh đã khóc và nói rằng nếu bố mẹ có thể khen ngợi, động viên, thậm chí chỉ nói rằng con trai họ thật tuyệt vời thì có lẽ anh đã không sa sút đến mức này.
Có thể thấy, sự công nhân của cha mẹ là rất quan trọng đối với trẻ. Khi con làm tốt điều gì đó, cha mẹ đừng keo kiệt khen ngợi con nhiều hơn để con có thêm niềm tin vào bản thân và nỗ lực hơn nữa để tiến bộ!
5. Sẵn sàng để trẻ tự lập
Trẻ em ngày nay đều là của báu, là cục cưng của cha mẹ. Cha mẹ không nỡ để con làm bất kì việc nhà nào, sợ con mệt. Gấp quần áo, bày bát đĩa, sắp xếp cặp sách, dọn phòng, mọi việc lớn nhỏ cha mẹ đều tự làm, không cho trẻ tham gia.
Họ nghĩ rằng làm như vậy là tốt cho trẻ em, có thể cho phép chúng dành toàn bộ tâm trí vào học hành, mà không biết rằng, điều này sẽ hủy hoại đứa trẻ.
Cha mẹ nuôi dạy trẻ em thành "cậu ấm", "cô chiêu". Nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ em sẽ hoàn toàn mất khả năng tự lập, chỉ biết phụ thuộc vào cha mẹ. Thậm chí, các em còn cảm thấy mọi việc cha mẹ làm cho mình đều là chuyện đương nhiên chứ đừng nói đến việc biết ơn và biết cách báo đáp.
Tình yêu thương quá mức của cha mẹ sẽ khiến chúng trở nên kiêu ngạo, độc đoán và ích kỷ. Những đứa trẻ như vậy khi lớn lên sẽ không bao giờ có được chỗ đứng trong xã hội!
6. Sẵn sàng buông tay đúng lúc
Nhiều bậc cha mẹ thường nghĩ trẻ con thì không hiểu gì, tốt nhất là cứ nghe theo người lớn vì họ có nhiều kinh nghiệm hơn.
Mỗi khi trẻ có một ý tưởng mới, cha mẹ sẽ dùng kinh nghiệm của bản thân để đánh giá xem nó đúng hay sai, nên làm hay không. Nếu trẻ không bị thuyết phục, họ sẽ dùng câu này để nói với trẻ một cách chính đáng: Bố mẹ biết nhiều hơn con, con phải nghe lời bố mẹ!
Dẫu biết cha mẹ làm vậy là có ý tốt, muốn bảo vệ con cái, không muốn chúng phạm phải những sai lầm mình từng có nhưng cha mẹ cần biết rằng đôi khi, bạn càng ngăn cản thì con cái càng trở nên nổi loạn.
Một số việc, một số nguyên tắc, trẻ em phải trải qua, mới thực sự hiểu được. Vì vậy, cha mẹ phải học cách buông tay đúng lúc để con tự mình khám phá, tự mình nhận thức. Biết đâu đấy, con đường mà bạn cho là sai lầm, không phù hợp thực sự có thể mở ra một thế giới mới cho trẻ.
7. Sẵn sàng nói lời yêu thương với con
Không thể phủ nhận rằng cha mẹ nào cũng yêu thương con mình sâu sắc. Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ đều không biết bày tỏ tình yêu của mình dành cho con cái.
Có thể vì xấu hổ, có thể vì không giỏi nói lời yêu thương, họ chỉ có thể giấu tình yêu trong những việc nhỏ nhặt, để con cái tự cảm nhận.
Đó có thể là hình ảnh các bậc phụ huynh hồi hộp chờ đợi trước cổng trường, là ly trà nóng cha mẹ đưa cho trước khi ra ngoài, là cuộc gọi nhắc nhở an toàn khi con đi chơi, là sự ấm áp khi cha mẹ nhẹ nhàng đắp chăn cho con trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên, cha mẹ rất dễ bỏ qua sức mạnh của ngôn từ.
Có nhà văn viết: Lời ngon tiếng ngọt, hãy nói cho tai trái nghe.
Điều này cũng đúng đối với trẻ em.
Cha mẹ nên nói với con thường xuyên hơn những lời như "Bố mẹ yêu con nhiều lắm" và "Con sẽ luôn là đứa con ngoan của bố mẹ" để trẻ cảm nhận trực tiếp tình yêu của cha mẹ, để tâm hồn chúng mọc lên những trái cây tốt lành.
Những đứa trẻ được sống trong môi trường yêu thương cũng sẽ trở nên ấm áp, tốt bụng, lạc quan và tích cực hơn. Ông trời luôn ưu ái những đứa trẻ như thế này, vận may của chúng chắc chắn sẽ không tệ!