Cha mẹ làm 2 điều mong con ngoan ngoãn nhưng lại dễ gây tác dụng ngược
Có những hiểu lầm trong việc nuôi dạy con cái mà cha mẹ cần xem xét lại.
Cha mẹ nào cũng mong con mình ngoan ngoãn, giỏi giang, có hiếu. Có một sự thật là tính cách và tâm lý của trẻ chịu ảnh hưởng phần lớn từ môi trường sống, trong đó cha mẹ và gia đình đóng vai trò chủ yếu. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên đặt ra phương pháp giáo dục con dựa vào sự quan sát hành động, tính tình của trẻ.
Có một số hiểu lầm mà nhiều cha mẹ vẫn mắc phải, đặc biệt là nghĩ rằng làm điều đó sẽ giúp con mình ngoan hơn nhưng đôi khi lại gây tác dụng ngược. Cha mẹ nên cân nhắc, xem xét kĩ vấn đề này.
1. Nghĩ rằng mắng mỏ sẽ khiến trẻ nghe lời hơn
Thực chất, trẻ chỉ sợ chứ không hiểu tại sao con phải làm vậy và bản thân đã sai ở đâu. Những đứa trẻ này về lâu về dài có xu hướng nói dối, né tránh vì sợ đòn roi, quát mắng từ cha mẹ. Sự thật là, quát mắng con chỉ khuyến khích hành vi xấu của trẻ lên người khác, bao gồm cả anh chị em, cha mẹ của trẻ. Điều cha mẹ cần hiểu là: khi 1 một đứa trẻ có 1 hành vi chưa đúng đều có 1 mục đích. Mục đích này phần lớn rơi vào 4 điều sau:
- Gây chú ý cho cha mẹ.
- Hiểu về sức mạnh của nói "không". Thường gặp trẻ từ 18 tháng tuổi - 4 tuổi - độ tuổi trẻ bắt đầu nhận ra là trẻ có quyền thỏa thuận với cha mẹ điều trẻ muốn. Và trẻ nhận ra rằng mỗi khi trẻ khóc hay nói không thì có thể được cha mẹ đồng ý hoặc cho trẻ điều trẻ muốn.
- Ganh tị trẻ con. Thường gặp trẻ từ 2-6 tuổi và khi chơi cùng anh chị em hoặc bạn bè có độ tuổi chênh lệch vài tuổi. Nó không phải là dạng ích kỷ hay kiểu ganh tị người lớn, cũng không phản ánh sau này trẻ trở thành 1 người ích kỷ hay không yêu thương anh chị em. Nó đơn thuần hiểu là "của mình mà" khi trẻ hiểu tất cả thứ làm trẻ thích bao gồm đồ chơi, hoạt động đang chơi, cả mẹ mình đều là của mình. Dạy trẻ kỹ năng chờ đến lượt là giải pháp hữu hiệu cho kiểu ganh tị trẻ con này.
- Thiếu giao tiếp để diễn tả điều trẻ muốn và cảm xúc trẻ có. Trong trường hợp này, trẻ thường dùng các hành vi dạng phi ngôn ngữ như la hét, đánh, khóc ăn vạ... để đạt điều trẻ muốn vì đối với trẻ nó là cách đơn giản, dễ làm. Đáp ứng đơn giản để giải quyết tình huống này là dạy trẻ hiểu về cảm xúc trẻ có và 1 số câu ngắn gọn để nói về nó. Ví dụ: con chán rồi - khi cảm thấy không vui để chơi nữa - thay vì hét lên. Tương tự, con buồn, con vui...
2. Nghĩ rằng nuông chiều sẽ khiến con ngoan ngoãn
Yêu con không có nghĩa là phải chiều con, điều gì cũng thuận theo con, làm vậy chẳng khác gì hại con cả. Yêu con sai cách chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển và tương lai của trẻ. Chiều con thái quá có thể khiến những đứa trẻ trở nên ích kỷ, độc đoán, thậm chí làm ra những hành vi trái pháp luật, cuối cùng là gây ra bi kịch gia đình.
Ở nhiều gia đình hiện nay không có sự phân chia công việc một cách cụ thể, rõ ràng. Nhiều người lớn vẫn quan niệm rằng "con cái bé tí thì biết cái gì" nên làm hết mọi công việc trong nhà. Tôi đã không ít lần chứng kiến trong khi người mẹ nai lưng ra cơm nước, dọn dẹp, rửa bát... thì chồng và các con nằm xem tivi, chơi điện tử. Thậm chí những công việc rất đỗi bình thường như giặt giũ, xếp chăn gối... cũng một tay mẹ làm tất.
Những bậc phụ huynh này cho rằng cứ làm giúp cho đến khi nào con tự biết làm thì thôi, hoặc nhìn con làm "ngứa mắt" quá nên tự làm cho xong. Kiểu chăm bẵm này xuất hiện phổ biến ở các gia đình Việt, tương lai sau này trẻ trở nên ỷ lại, thụ động, không có bố mẹ thì cũng không thể tự làm được việc gì. Người ta thường gọi là "Cha mẹ tưởng dốc hết lòng nuôi nấng thì con sẽ ngoan nhưng thực ra lại là hại con".
Chính vì sự nuông chiều một cách mù quáng mà trẻ không hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, chỉ biết đòi hỏi và buộc bố mẹ phải đáp ứng yêu cầu của bản thân. Lớn lên, con sẽ không xây dựng được lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, mà ngược lại lúc nào cũng chờ đợi, ỷ lại vào người khác.
Bố mẹ nên dạy con sống đúng với hoàn cảnh của mình, không đòi hỏi một cách vô lý thông qua các bài học giáo dục, về việc nếu muốn điều gì thì con phải đánh đổi và cố gắng bằng chính khả năng của bản thân. Bởi nếu cứ chiều chuộng mãi thì tới một lúc nào đó bố mẹ sẽ kiệt sức, không còn khả năng đáp ứng và con cái cũng không biết cách tự nuôi bản thân mình.
Chiều chuộng quá mức sẽ tạo ra đứa trẻ có tính cách như sau:
- Ghét bị từ chối: Nhiều cha mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con, kể cả những đòi hỏi vô lý nhất. Đứa trẻ được cha mẹ "chiều chuộng quá mức" sẽ hình thành thói quen xấu. Các bé sẽ tự mặc định không ai có thể từ chối yêu cầu chúng đặt ra.
- Tỏ thái độ khi nhận được món quà không như ý: Nhận quà là một kỹ năng cần thiết, tất cả cha mẹ cần dạy con điều này từ sớm. Thông thường, trẻ thường tỏ ra vui mừng và biết thể hiện sự cảm kích khi được tặng quà, kể cả những món quà không quá giá trị. Trái lại, nếu trẻ tỏ thái độ không vui, khó chịu khi nhận được món quà không như mong muốn, rất có thể đó là dấu hiệu của việc bị nuông chiều quá mức.
- Không biết nói cảm ơn: Tương tự với việc tỏ thái độ khi nhận quà, những đứa trẻ được nuông chiều quá mức thường không biết nói cảm ơn người khác, ngay cả khi được nhắc nhở. Nếu trẻ biết nói cảm ơn, đó là dấu hiệu cho thấy các em biết quý trọng những điều nhận được từ người khác. Trái lại, những đứa trẻ không biết cảm ơn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng.
- Thường xuyên tức giận: Tức giận là một trạng thái cảm xúc phổ biến và thông thường của con người. Tuy nhiên, nổi giận thường xuyên và hay la hét lại là dấu hiệu của việc được cha mẹ nuông chiều quá mức. Khi không vui hoặc gặp phải chuyện trái với yêu cầu đặt ra, những đứa trẻ này có xu hướng la hét, tức giận, thậm chí đập phá đồ đạc. Lý giải cho hành động này, những đứa trẻ đó sẽ cho rằng nếu tức giận, cha mẹ sẽ ngay lập tức đáp ứng yêu cầu để xoa dịu "cơn thịnh nộ" của chúng.
- Không biết giúp đỡ người khác: Đây là sai lầm nhiều gia đình hiện nay đang gặp phải. Họ quan niệm con trẻ chỉ cần chăm chỉ học tập, không cần làm việc, giúp đỡ người khác. Chính quan niệm "yêu thương con" lệch lạc này khiến nhiều đứa trẻ trở nên thờ ơ với người khác và không bao giờ biết giúp đỡ, ngay cả những việc đơn giản nhất.
- Đòi hỏi quá mức: Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức hiếm khi biết trân trọng những điều chúng đang có. Thay vào đó, chúng chỉ biết đòi hỏi nhiều hơn và không quan tâm đến hoàn cảnh, suy nghĩ của cha mẹ.
- Không thích thỏa hiệp: Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức đã quá quen với việc được người lớn "xuống nước" xoa dịu. Điều này khiến khả năng điều tiết cảm xúc của trẻ bị suy giảm nghiêm trọng.