7 thắc mắc về bé sơ sinh mà bố mẹ nào cũng muốn biết
Việc bạn nắm vững những kiến thức dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng chăm sóc bé sơ sinh một cách tốt hơn cả.
Từ khi thiên thần bé bỏng chào đời, ngôi nhà của bạn như có thêm một luồng không khí hoàn toàn mới: vui vẻ, hạnh phúc, sung sướng song cũng khá mệt mỏi. Tuy nhiên, bất kỳ bậc phụ huynh nào đặc biệt là những ai có con đầu lòng sẽ luôn đặt ra nhiều câu hỏi tại sao, làm thế nào, thế nào là tốt nhất… Việc bạn nắm vững những kiến thức dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng chăm sóc bé sơ sinh một cách tốt hơn cả.
Làm thế nào để mẹ và bé có thể gắn kết được với nhau một cách dễ dàng?
Để có được sự liên kết mật thiết giữa người thân và trẻ nhỏ đặc biệt giữa mẹ và bé là một trong những niềm vui sướng lớn lao của những thành viên trong gia đình song điều này cũng phải cần một thời gian xây dựng chứ khó có thể luôn và ngay được.
Ngoài việc người mẹ cần thời gian phục hồi sau quá trình vượt cạn gian nan, mà bé cũng cần phải có thời gian làm quen với môi trường hoàn toàn mới.
Bạn đừng quá lo lắng nếu thấy con khóc to khi mình cưng nựng, bế ẵm bé, bởi mọi thứ đều cần sự bắt đầu. Các chuyên gia Nhi khoa khuyên bạn nên:
Dành nhiều thời gian để ôm bé, chạm tay lên má, lên người bé, để bé nhận được hơi ấm từ bạn truyền vào bé. Người mẹ nên thường xuyên cho bé bú mẹ, hành động này vừa tốt cho sức khỏe của bé mà nó còn giúp bé cảm nhận được tình yêu thương mà mẹ dành cho bé. Ngoài ra, bạn có thể mát-xa cho bé mỗi ngày, đây cũng là cách kết nối tình cảm giữa người thân và trẻ nhỏ.
Bạn hãy năng dành thời gian nói chuyện với bé (Ảnh minh họa)
Bạn hãy năng dành thời gian nói chuyện với bé, bạn có thể nói với bé mọi lúc mọi nơi: khi bạn đang tắm cho bé, bạn kể cho bé nghe một ngày của bạn như thế nào… Hãy nhìn bé và nở nụ cười âu yếm.
Với những hành động trên, chỉ trong một thời gian ngắn, bé sẽ hiểu được mọi người xung quanh yêu bé, quan tâm tới bé nhiều như thế nào. Đó chính là bí quyết gắn kết với bé.
Một ngày bé sơ sinh ngủ khoảng mấy tiếng đồng hồ?
Bé sơ sinh thường dành khá nhiều thời gian cho việc ngủ, thường từ 16 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, bé không ngủ liền mạch mà thường thức dậy thường xuyên. Tuy nhiên bạn hãy yên tâm, bình thường sau 6 tháng, bé sẽ ngủ liền một mạch từ đêm tới sáng.
Bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau để bé có được một giấc ngủ sâu và ngon nhé:
Bạn hãy dành thời gian vỗ về để bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ, nếu khi đang ngủ bé tỉnh giấc và quấy khóc, bạn hãy chờ đợi vài phút để bé tự bình tĩnh và tiếp tục đi vào giấc ngủ. Bạn hãy bố trí phòng tối, yên tĩnh khi bé ngủ, hãy chắc chắn rằng tã bé khô ráo, sạch sẽ.
Bạn hãy chủ động cho bé chơi nhiều hơn trong ngày, tỉnh táo trong thời gian dài để khi ngủ, bé được ngủ say nhất, sâu nhất.
Bé sơ sinh thường dành khá nhiều thời gian cho việc ngủ, thường từ 16 tiếng mỗi ngày (Ảnh minh họa)
Cho bé ăn liều lượng như thế nào để đảm bảo bé no?
Các chuyên gia về Nhi khuyến cáo phụ huynh nên cho bé ăn 2 -3 giờ một lần. Bạn hãy cho bé bú từ 10 -15 phút mỗi bầu vú. Dấu hiệu cho thấy bé ăn đủ đó là bé có tới 6 hoặc nhiều hơn số tã bị ướt, bị bẩn trong 24 giờ đồng hồ.
Bạn cũng đừng nên quá lo lắng khi trong tuần đầu tiên bé bị giảm cân, bởi thời điểm này bé sẽ “cho ra” nhiều dịch, nước ối, đờm nhớt trong cơ thể, bé của bạn chắc chắn sẽ tăng cân trong tuần thứ 2. Nếu bạn vẫn lo lắng về số cân của bé, bạn hãy đưa bé tới bác sĩ Nhi khoa để khám.
Tắm cho bé mấy lần một tuần là phù hợp hơn cả?
Bạn nên tắm 3 lần 1 tuần cho bé, nếu tắm bé quá nhiều, da bé có khả năng bị khô lại. Sau khi tắm bạn có thể lau khô người bé bằng miếng bọt biển hoặc bằng khăn mặt sạch.
Hãy gọi điện cho bác sĩ ngay nếu em bé của bạn khóc khi bạn nhỡ tay chạm vào dây rốn (Ảnh minh họa)
Chăm sóc cuống rốn cho bé như thế nào là an toàn và hiệu quả?
Bạn nên giữ dây gốc cuống rốn và vùng da xung quanh rốn của bé thật sạch sẽ và khô cho đến khi gốc rốn tự rụng đi. Lưu ý khi tắm cho bé bạn nên để dây rốn được khô không cho tiếp xúc với nước, dung dịch xà phòng.
Khi mặc tã cho bé, cha mẹ nên lưu ý gấp tã dưới dây rốn để đảm bảo dây rốn không bị dính nước tiểu.
Hãy gọi điện cho bác sĩ ngay nếu em bé của bạn khóc khi bạn nhỡ tay chạm vào dây rốn, bởi không loại trừ khả năng bé bị nhiễm trùng. Bạn hãy quan sát kỹ vùng quanh rốn nếu nó có màu đỏ tấy, rỉ ra chất lỏng mầu vàng và có mùi hôi… đó chính là những dấu hiệu của nhiễm trùng.
Chăm sóc dương vật của bé trai như thế nào?
Khi mới sinh ra, dương vật của bé trai thường có màu đỏ, bạn cũng không nên quá lo lắng vì điều này sẽ biến mất trong vòng một tuần. Tuy nhiên, nếu nó có dấu hiệu nặng hơn, sưng lên, đỏ hơn bạn hãy đưa bé tới bệnh viện để thăm khám.
Bạn cần giữ cho dương vật của bé luôn sạch sẽ, đặc biệt là sau khi cho bé sử dụng tã. Bạn chỉ nên sử dụng nước, hoặc một chất tẩy rửa nhẹ chuyên dụng và nước khi lau rửa bộ phận này của bé mà thôi.
Làm thế nào để tôi có thể giữ bé được an toàn khi ngủ?
Chết cũi là một trong những hiện tượng mà trẻ em hay gặp phải. Vì vậy, quanh chỗ ngủ của con, cha mẹ hãy để ý thu xếp chỗ nằm sao cho gọn gàng, không để gối, chăn kín mít nơi con ngủ.
Khi ngủ, cha mẹ không nên cho bé ăn mặc quá diêm dúa, nên mặc cho bé những bộ đồ mát mẻ, thoáng.
Nhiều mẹ do lần đầu nuôi con chưa có kinh nghiệm về trẻ sơ sinh nên thường lo lắng bất an. Và dưới đây là những lo lắng điển hình nhất của các mẹ.