7 điều "nằm lòng" khi nuôi con bằng sữa mẹ

Hải Minh,
Chia sẻ

Nuôi con bằng sữa mẹ được cho là một trong những điều tự nhiên nhất một người mới làm mẹ có thể làm được - nhưng thực tế thì có vô số điều các mẹ chưa biết.

1. Cho bé bú theo nhu cầu

Các mẹ hãy quên ngay chuyện cho con bú theo đồng hồ đi và cũng không nên cho con bú theo ý thích của mẹ. Nên cho bé bú theo đúng nhu cầu của bé, bởi nếu được bú theo nhu cầu, bé thường tăng cân một cách tự nhiên; đồng thời, giảm thiểu stress cho mẹ trong giai đoạn cho con bú.

2. Cho trẻ bú bao nhiêu thì đủ?

Thông thường trẻ bú theo nhu cầu và ở mỗi trẻ thì nhu cầu này là khác nhau. Trung bình mỗi trẻ bú khoảng 8-12 lần trong 24 giờ. Mẹ có thể nhận biết được trẻ bú đủ qua những biểu hiện sau:

- Tiểu ướt tã 6-8 lần trong 24 giờ.

- Đi ngoài phân sệt trung bình 6-8 lần trong 24 giờ và ít nhất 1 lần mỗi ngày trong 2 tháng đầu tiên.

- Tăng cân đều đặn và phù hợp với lứa tuổi.

3. Bé bú mẹ có cần bổ sung nước?

Sữa mẹ là nguồn chất lỏng duy nhất bé cần trong 6 tháng đầu. Tiến sĩ Adesman (tác giả cuốn sách The baby facts – tạm dịch Những sự thật về bé), giải thích: Cho con ti mẹ là tốt nhất và nên cho bé bú mẹ ngay khi có thể. Bé bú mẹ không cần bổ sung nước hay thứ gì khác trong vòng 6 tháng đầu đời. Sau 6 tháng, bé bước vào tuổi ăn dặm thì các mẹ có thể bổ sung nước và nguồn chất lỏng khác cho con.

4. Mẹ sinh đôi có đủ sữa cho hai bé bú không?

Các bà mẹ đều có đủ sữa để nuôi cả hai đứa trẻ. Khi mẹ càng cho bé mút vú thì sữa sẽ càng tiết ra nhiều. Vì vậy, nếu cả hai trẻ đều được cho bú thì sẽ có đủ sữa cho cả hai (nhiều bà mẹ còn có đủ sữa cho ba đến bốn đứa trẻ...).

Mẹ cần tìm ra cách tốt nhất sao cho thuận lợi cho mình và cho hai trẻ khi bú sữa. Mỗi người có thể làm một cách khác nhau. Có thể cho cả hai trẻ bú cùng một lúc hoặc trẻ trước, trẻ sau, mỗi trẻ bú một bên hoặc thay đổi lần lượt hai vú...

5. Bạn có cho con bú đúng cách chưa?

Khi trẻ ra đời đều có bản năng bú mẹ và mẹ có thể cho con bú ngay khi bé vừa chào đời. Sau đây là một số lưu ý để mẹ cho bé bú đúng cách:

- Sau khi sinh nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt, để tận dụng nguồn sữa non rất giàu dinh dưỡng và chất diệt khuẩn.

- Trước khi cho bé bú, nên lau đầu vú bằng nước sạch, vắt bỏ giọt đầu.

- Mỗi lần chỉ nên cho bú một bên vú.

- Trẻ bú mẹ tốt khi cằm chạm vú mẹ, miệng mở rộng, môi dưới đưa ra ngoài quầng vú còn lại phía trên nhiều hơn phía dưới.

- Tư thế bú mẹ đúng: đầu và thân trẻ trên cùng một đường thẳng, mặt trẻ đối diện vú mẹ và miệng trẻ đối diện núm vú, thân trẻ nằm sát thân mẹ, mẹ đỡ toàn bộ thân trẻ.

- Nếu trẻ bị ọc sữa, có thể hạn chế bằng cách vác đứng trẻ vài phút và vỗ nhẹ vào lưng.

6. Nên đọc sách hướng dẫn những điều cần biết thêm khi cho con bú sữa mẹ
 
Có thể bổ sung thêm chừng 200 IU vitamin D (hỏi ý kiến bác sĩ nhi trước khi sử dụng). Sau 6 tháng bú sữa mẹ, có thể bổ sung thêm chất sắt cho em bé.
 
7. Khi nào có thể cai sữa cho bé?
 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì thời gian bắt đầu việc cai sữa mẹ là từ 6 tháng tuổi. Trong 6 tháng tiếp theo, trẻ sẽ được tập quen dần với thức ăn đặc. Trẻ có thể cai sữa hoàn toàn khi được 2 tuổi hoặc hơn. Tuy nhiên, thời điểm cai sữa như thế nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào “sự thỏa thuận” giữa mẹ và bé.

Trên đây chỉ là những hướng dẫn ban đầu, cần phải hỏi ý kiến bác sĩ nhi trước và trong khi cho con bú sữa mẹ và những điều cần thiết khác để bổ sung.

 

Chia sẻ