6 tình huống cho thấy trẻ chậm phát triển trí tuệ
Trẻ chậm phát triển trí tuệ nếu được phát hiện có thể điều trị và phát triển một cách bình thường sau này.
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, có vô số những tình huống khiến cho cha mẹ rất lo lắng. Đặc biệt là trường hợp trẻ chậm nói, khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa đã có thể làm được nhiều thứ còn con mình vẫn cứ "giậm chân tại chỗ", khiến cha mẹ như đang "ngồi trên đống lửa".
Sự bất thường ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không quá đáng sợ, hầu hết các trường hợp đều có thể được can thiệp và điều trị. Trong một số trường hợp trẻ bị tổn thương não do thiếu oxy lúc mới sinh, nhưng nếu được điều trị kết hợp phục hồi chức năng, trẻ hoàn toàn có thể theo kịp bạn bè và phát triển bình thường.
Vì vậy, để không bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để điều trị cho trẻ, cha mẹ cần chú ý các biểu hiện của con mình. Dưới đây là một số tình huống cho thấy trẻ chậm phát triển trí tuệ.
1. Trẻ sơ sinh bú kém
Trẻ sơ sinh khi đói bú tốt hơn nhiều người nghĩ. Ngoại trừ một số bé sinh non nhẹ cân, hoặc mắc các bệnh về thể chất bẩm sinh thì khả năng bú tương đối yếu. Trẻ bú kém không chỉ khó bú mà còn dễ bị nôn trớ. Nguyên nhân của điều này có thể là do hệ thần kinh của trẻ bị tổn thương, cần can thiệp và điều trị sớm.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp mẹ tiết sữa ít hoặc tuyến vú bị tắc khiến trẻ khó bú. Người mẹ cần loại trừ hết các khả năng khiến trẻ bú kém mới nghĩ tới tình trạng chậm phát triển trí tuệ.
2. Trẻ ngủ quá nhiều, không dễ bị đánh thức
Thông thường trẻ sơ sinh ngủ từ 18-20 tiếng trong vòng tháng đầu, hầu như trẻ ngủ suốt trừ lúc đi vệ sinh, bú sữa. Sau 3 tháng, trẻ ngủ khoảng 16-18 tiếng, sau 6 tháng ngủ khoảng 14-16 tiếng, sau 1 tuổi ngủ khoảng 14-15 tiếng mỗi ngày.
Nếu trẻ ngủ nhiều hơn thời gian trên theo từng giai đoạn, hoặc ngủ một giấc dài mà bỏ luôn các cữ bú, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện để tìm ra nguyên nhân.
3. Trẻ không thể đứng thẳng hoặc khó quay đầu
Trong những tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh có thể ngẩng đầu lên trong 1-5 giây, đến tháng thứ 3 thì cổ cứng cáp hơn nên ngẩng được lâu hơn. Lúc 4 tháng tuổi trẻ có thể ngẩng đầu ổn định và quay đầu tự do.
Khi trẻ sơ sinh không thể ngẩng đầu lên, cha mẹ nên ôm đầu, cổ và lưng khi bế. Nếu trẻ đã hơn 100 ngày tuổi mà vẫn chưa thể ngóc đầu hoặc khó quay đầu, cha mẹ cần chú ý tập cho bé cách tự ngẩng đầu, có thể tập 3-4 lần/ngày, mỗi lần từ 2-15 phút tùy theo khả năng thích ứng của trẻ.
Ngoài ra, nếu việc tập luyện vẫn không có tác dụng, cha mẹ nên nghĩ tới não bộ và thể chất của trẻ có vấn đề, cần tới bệnh viện khám để tìm nguyên nhân.
4. Tiếng khóc thất thường
Tiếng khóc là cách chính để trẻ sơ sinh giao tiếp với thế giới bên ngoài. Thông qua tiếng khóc, người mẹ có thể hiểu được nhu cầu của trẻ và nắm bắt được tín hiệu về tình trạng sức khỏe. Trẻ thường khóc khi đói, buồn ngủ, mệt, khó chịu.
Tuy nhiên, một số trẻ khóc bất thường, hét đột ngột, kèm theo đó là triệu chứng lắc đầu, mắt nhìn lờ đờ, sốt, co giật, cha mẹ cần cảnh giác việc trẻ mắc các bệnh về não.
5. Biểu hiện chậm chạp, không có phản ứng với các kích thích
Trẻ sơ sinh thường cười khi ngủ, có thể cười thành tiếng ở tháng thứ 3. Thế nhưng, cũng có một số trẻ cả ngày không có biểu cảm gì, thậm chí khuôn mặt lúc nào cũng đờ đẫn, sau 6 tháng vẫn không thể cười một cách tự nhiên, điều này cần đặc biệt lưu ý.
Khi trẻ bị mất phản ứng với các kích thích từ bên ngoài, 6 tháng không thể nhìn theo khi được người khác đùa giỡn, không thể nhìn theo các vật chuyển động, không thể quay đầu, không thể tự lật, không thể ngóc đầu lên… Đây đều là những dấu hiệu cho thấy trẻ chậm phát triển trí tuệ.
6. Không thể với tới đồ vật ở tháng thứ 9
Mỗi em bé có một lộ trình phát triển khác nhau, thông thường trẻ có thể chủ động với tay cầm nắm đồ vật từ 4-6 tháng tuổi. Trẻ dưới 3 tháng đã có phản xạ cầm nắm, nếu dùng ngón tay chạm vào tay trẻ, chúng sẽ tự nhiên nắm lấy.
Sau 3 tháng tuổi, trẻ có thể cầm nắm những đồ chơi nhỏ. Từ 4-8 tháng tuổi, trẻ có thể tự mình với lấy đồ chơi có kích thước bằng các khối xếp hình và tự học cách cầm đồ chơi bằng cả 2 tay.
Vì thế, nếu tới 9 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa có ý thức tự mình lấy đồ vật, điều đó có nghĩa khả năng vận động của trẻ không bình thường, cha mẹ cần chú ý.