6 sai lầm kìm hãm sự phát triển trí thông minh của con mà hầu hết các ông bố, bà mẹ đều mắc phải
Trên chặng đường nuôi dạy con cái, bố mẹ có thể gặp những sai lầm mà chính họ cũng không biết là sẽ gây tổn hại tới con.
Nuôi con khỏe, dạy con khôn là điều mong muốn của bất cứ ai khi làm cha mẹ. Chúng ta không có giáo trình hay trường lớp chính thống nào cho việc trở thành một người bố tốt, một người mẹ giỏi. Chính vì vậy có thể nói việc nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ phần lớn đều phụ thuộc vào bản năng của mỗi người.
Tuy nhiên, trong bản năng ấy có những điều đúng đắn, cũng tồn tại không ít những điều là sai lầm tai hại mà có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của con. Dưới đây là 6 sai lầm thường gặp trong cách nuôi dạy con của các bậc cha mẹ, có thể sẽ khiến trí thông minh của trẻ bị ảnh hưởng:
1. Khuyến khích con ăn càng nhiều càng tốt
Dinh dưỡng của con luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Đại đa số bố mẹ, thậm chí là cả ông bà và người thân đều lo lắng bé còi cọc, chậm lớn. Chẳng thế mà trong các câu chúc tụng dành cho trẻ em, người lớn vẫn hay khuyến khích các con "hay ăn chóng lớn".
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, về khía cạnh khoa học, các nhà khoa học cho rằng nếu trẻ ăn quá nhiều, tinh thần con sẽ uể oải, lười nhác và hoạt động chậm lại. Tình trạng trẻ ăn quá nhiều tiếp diễn lâu dài có thể dẫn tới việc các tế bào não bị lão hóa sớm, bé sẽ suy giảm về tinh thần và điều này gây bất lợi cho sự tăng trưởng trí tuệ của bé. Chính vì vậy tốt hơn hết, các bậc cha mẹ nên cho con em theo một chế độ dinh dưỡng vừa đủ và hợp lý thay vì nhồi nhét bé ăn nhiều mà gây ra phản tác dụng.
2. Để con thức quá khuya học bài
Bên cạnh sức khỏe về mặt thể chất, bố mẹ cũng vô cùng lo lắng cho con về mặt tinh thần và trí tuệ. Nhiều bố mẹ mong muốn con mình thông minh học giỏi để sau này có thể thành tài với một công việc nào đó hiển hách.
Trước tình hình đó, nhiều người đã nôn nóng tới mức bắt ép con thức khuya học bài, hoàn thiện bài vở cho buổi học ngày hôm sau. Nhưng vô tình bố mẹ lại không biết rằng khi thức quá khuya, sức khỏe và sự tiếp thu của bé cũng bị ảnh hưởng.
(Ảnh minh họa)
Các nhà khoa học chỉ ra rằng khi ngủ muộn dẫn tới tình trạng tinh thần của ngày hôm sau yếu kém, cơ thể mệt mỏi, trí tuệ đờ đẫn. Sự thiếu ngủ sẽ đẩy nhanh sự suy giảm các tế bào não và giảm tốc độ hoạt động của não. Vì vậy, thay vì tạo áp lực bài vở và bắt con thức khuya học bài, bố mẹ nên cân nhắc cho con đi ngủ đúng giờ và đủ giấc.
3. Quá nghiêm khắc và khiển trách con thường xuyên
Nhiều người sau khi làm bố mẹ đã thấm nhuần tư tưởng "thương cho roi cho vọt", vậy nên họ cũng thường xuyên tỏ ra nghiêm khắc để chỉnh đốn con cái, một số trường hợp còn rơi vào tình trạng nghiêm khắc quá đà khi khiển trách con quá thường xuyên.
Tuy nhiên, điều này không hẳn tốt như bố mẹ vẫn nghĩ, bởi những đứa trẻ thường xuyên bị bố mẹ mắng sẽ dễ dàng nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản bản thân và luôn cảm thấy mệt mỏi. Hệ lụy của việc "thương cho roi cho vọt" của bố mẹ hoàn toàn có thể khiến con trẻ gặp vấn đề trong hệ thần kinh, khiến não bộ của trẻ phản ứng chậm hơn so với những đứa trẻ khác.
4. Mắng con bằng từ ngữ thậm tệ
Có thể bố mẹ cho rằng một vài lần vô tâm vô tình thốt ra câu: "Sao con dốt thế?", "Sao con ngu thế?", "Sao con lười thế?"… trước mặt con là chuyện bình thường. Nhưng đối với trẻ, câu nói của bạn cùng những từ ngữ gay gắt kể trên có thể khiến con bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng.
Một khi bố mẹ bắt đầu thốt ra câu "sao con dốt thế?", đứa trẻ sẽ dần có suy nghĩ mình thật sự là một đứa trẻ kém cỏi và ngu dốt, trẻ sẽ chấp nhận rằng mình "dốt" thật. Theo thời gian, con trở nên nghi ngờ chính mình và không còn muốn cố gắng nữa.
5. Cho con đi học quá sớm
Bố mẹ luôn muốn đặt con cái mình vào vạch xuất phát tốt hơn so với bạn bè cùng trang lứa, vì vậy đôi khi họ chấp nhận việc cho con đi học sớm để con có một khởi đầu thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đã bao giờ bố mẹ nghĩ đến chuyện con có thể tiếp thu được hay không?
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng mức độ học tập và nhận thức của trẻ không ngừng gia tăng theo độ tuổi. Khi tuổi còn nhỏ, trẻ chỉ có thể tiếp nhận một lượng kiến thức phù hợp với độ tuổi của mình, sau khi lớn dần lên, mức kiến thức mới cần được cung cấp rộng hơn. Nếu bố mẹ cho trẻ tiếp xúc với kiến thức khó ở ngay độ tuổi quá sớm, con có thể chẳng hiểu gì và mất luôn hứng thú với học hành.
6. Từ chối nỗ lực của con
Có bao giờ bạn để ý thấy rằng trẻ rất muốn làm một công việc nào đó, nhưng bạn lại thường gạt đi vì ý nghĩ bạn làm sẽ tốt hơn, sẽ nhanh hơn con không? Nếu đó là hình ảnh quen thuộc trong nhà bạn thì e rằng bạn đã vô tình từ chối sự phát triển trí tuệ của con yêu.
Khi trẻ muốn học tập hoặc khám phá thế giới xung quanh chúng, hãy để chúng được tự do thoải mái làm những gì chúng thích. Qua quá trình chúng chinh phục những gì mình ham thích thực sự, kể cả việc gặp rắc rối, chúng cũng sẽ thu nhặt được những điều bổ ích. Bố mẹ hãy nhớ, chỉ khi con tự tư duy thì trí thông minh của con mới có thể phát triển.