6 mẹo giao tiếp bố mẹ cần biết để trẻ nghe lời răm rắp
Hãy bắt đầu thay đổi cách giao tiếp của mình khi trò chuyện với trẻ, trẻ sẽ biết nghe lời ngoài sức mong đợi của bạn đấy.
Có một sự thật mà bạn phải chấp nhận: trẻ con không sinh ra để ngồi nghe những lời khuyên bảo. Một phần là do trẻ em chưa hoàn toàn phát triển khả năng tiếp thu những việc mà người khác nói với chúng. Dễ hiểu tại sao bạn thường xuyên phải nhắc đi nhắc lại một việc hết lần này đến lần khác.
Nếu bạn thường xuyên phải đối mặt với đứa con bướng bỉnh không chịu nghe lời, bí quyết chính là: hướng sự tập trung của trẻ vào bạn trong lúc bạn nói. Và dưới đây là một số cách để hấp dẫn sự tập trung của bé dành cho bạn ngay tức thì.
Chủ động
Điểm mấu chốt là phải khiến trẻ cảm nhận được điều bạn chuẩn bị nói với chúng là nghiêm túc và quan trọng. Bằng cách nào? Hãy tiến gần lại phía con. Đừng mong con sẽ nghe lời khi bạn cứ ngồi ì ở một phòng khác trong nhà rồi nói vọng ra với chúng. Bởi nếu điều bạn sắp sửa nói chưa đủ quan trọng tới nỗi bạn phải đứng dậy, thì làm thế nào khiến người khác tiếp nhận nó một cách nghiêm túc đây.
Một điều quan trọng nữa, hãy cúi xuống gần con hơn một chút, ngồi xuống ngang tầm mắt trẻ là tốt nhất. Bởi khoảng cách càng gần, người đối diện sẽ càng tập trung vào bạn hơn. Hãy cứ thử tưởng tượng như khi ở chỗ làm mà xem: việc sếp gửi yêu cầu cho bạn qua email hay việc ông ấy tới ngồi hẳn bên cạnh bạn thôi thúc bạn tập trung hơn?
Nhẹ nhàng
Việc la hét trẻ nói đúng ra là một thảm họa của giao tiếp và phản tác dụng. Nếu bạn tiếp tục la hét, trẻ chắc chắn sẽ tiếp tục không nghe. Thật ác mộng.
Điều phải làm là gì? Rất đơn giản: hãy bình tĩnh lại một chút, nhẹ nhàng hơn một chút. Bạn tới gần con, nói với ngữ điệu từ tốn và nhẹ nhàng, đột nhiên đối với chúng, lời bạn nói trở nên có trọng lượng hơn rất nhiều. Điều này rất có ý nghĩa khi con đang mất bình tĩnh và khủng hoảng. Hãy cho con thời gian tĩnh tâm và khuyên bảo, chúng sẽ dễ dàng nghe lời.
Thông điệp đơn giản
Con bạn đang chỉ bắt đầu giai đoạn nhận biết thế giới xung quanh. Vì vậy, bạn càng nói nhiều con càng không hiểu. Hơn nữa, khái niệm được phép hay không được phép mới chỉ đang hình thành trong đầu con bạn. Vậy nên hãy diễn đạt thật đơn giản những gì bạn nói với chúng. Ví dụ: thay vì "Con không được phép chạy trong bếp", hãy nói "Đi chậm lại nào con".
Cung cấp thông tin
Giả sử, con bạn không bao giờ dọn chỗ đồ chơi mà chúng bày bừa ra sàn nhà. Bạn sẽ nói gì? "Dọn đồ chơi của con đi nhanh lên, sao lại để bày bừa ra thế?". Chẳng ai thích bị nghe sai bảo cả. Thay vì thế, hãy đưa thông tin để giúp trẻ nhận thức vấn đề: "Đồ chơi vương vãi giẫm vào sẽ làm đau chân, chúng ta cùng dọn nhé". Đây là cách hoàn hảo để đứa trẻ đã hiểu vì sao chúng nên làm theo lời bạn.
Thể hiện sự mong đợi
Nếu bạn bảo con tự đánh răng, con sẽ hiểu đó là một mệnh lệnh mở, nghĩa là chúng được phép chọn thực hiện hay là không. Và rồi: "Không đâu, không đánh răng đâu!". Nghe quá quen phải không? Nhưng nếu bạn nói với con rằng: "Bố cần con đi đánh răng", trẻ sẽ hiểu chúng bắt buộc phải làm điều này. Tuy nhiên khi thực hiện cũng cần lựa lời, bởi vì cách này dễ dẫn đưa bạn vào thế bí: "Nếu con không làm thì sao nào?".
Là người biết lắng nghe
Cách tốt nhất để dạy con trẻ biết nghe lời đó chính là bạn phải trở thành một người biết lắng nghe trước đã. Điều này thể hiện ở cách bạn dành thời gian và chăm chú lắng nghe con. Thay vì một người chỉ biết áp đặt, hãy giúp chúng nhận biết và gọi tên những cảm xúc chúng đang cảm thấy trong lòng.
Ở một vài gia đình, cha mẹ thậm chí tâm sự về một ngày của họ cho những đứa trẻ lắng nghe. Và kỳ diệu là những đứa trẻ đó gật gù theo câu chuyện trong ngữ điệu đều đều của cha mẹ, như những người bạn của nhau vậy.