4 sai lầm trong cách giáo dục của cha mẹ biến yêu thương thành áp lực cho con
Nhiều cha mẹ vẫn lầm tưởng rằng đó là cách để con cái trưởng thành, sống tốt hơn mà không biết đang vô tình tạo áp lực cho bé.
Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình thành công trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, những kỳ vọng này đôi khi vượt quá khả năng của con dẫn đến áp lực từ phía bạn nhiều hơn và chuyển thành nỗi lo lắng cho bé. Dưới đây là 4 sai lầm trong cách giáo dục của cha mẹ biến yêu thương thành áp lực cho con, ba mẹ nên tránh.
1. Luôn nói "Bố, mẹ làm vậy là muốn tốt cho con mà"
Để con tự ra quyết định với các vấn đề trong cuộc sống là cách tôn trọng con mình. Ba mẹ chỉ nên là người đưa ra lời khuyên, góp ý chỉnh sửa chứ không thay thế con quyết mọi thứ. Cho đến khi con thất bại, gặp khó khăn hoặc bị áp lực, nhiều bố mẹ có xu hướng nói rằng làm như vậy chỉ là muốn tốt cho con, vì bố mẹ đã trưởng thành, trải qua nhiều chuyện nên con buộc phải lựa chọn như thế.
Tuy nhiên, cố gắng dung hòa giữa khả năng của con và sự kỳ vọng của bố mẹ là điều nên làm. Cha mẹ có thể thường xuyên quan tâm đến con nhưng phải để cho con tự làm, tự trải nghiệm. Nên tạo điều kiện để con biết cách tự giải quyết vấn đề và chỉ giúp đỡ cho con trong trường hợp thật cần thiết khi việc đó con không thể thực hiện được.
2. Lúc nào cũng nghĩ con sai khi chưa tìm hiểu nguyên nhân
Có một câu chuyện về cậu bé lớp 6 như sau: Bà mẹ được cô giáo gọi điện đến chia sẻ về việc con mình quá nghịch ngợm, đánh bạn và làm hỏng một số đồ đạc của trường. Việc đầu tiên người mẹ làm là quát tháo, bắt ép con phải nhận sai trước mặt cả lớp. Tuy nhiên, cậu bé luôn nói lỗi không phải của con, xin mẹ hãy nghe nguyên nhân. Nhưng bà mẹ một mực từ chối.
Sự thật phía sau là cậu bé đã bị các bạn bắt nạt, chế nhạo gia đình mình. Thay vì tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân và đưa ra biện pháp tốt hơn thì cách xử lý của bà mẹ trong tình huống này khiến con tổn thương. Dần dần, mối quan hệ giữa hai mẹ con sẽ không còn được như trước.
3. Là tấm gương xấu nhưng yêu cầu con phải luôn tốt đẹp
Con cái là tấm gương phản chiếu phương pháp giáo dục của cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ đã thực sự trở thành tấm gương tốt cho con?
Cổng trường giờ tan học, trong lúc chờ con tan học, bố mẹ xếp hàng dưới lòng đường chen chúc, lộn xộn, để xe hết lòng đường. Ở bệnh viện, nơi đề cao tính quy củ vẫn có những người dắt tay con phá hàng, chen lên trên.
Đặc biệt, khi bố mẹ cãi lộn, đánh nhau trước mặt con... những hình ảnh như vậy tác động đến tâm lý của trẻ. Một mặt gây tổn thương về tình cảm của trẻ, mặt khác ảnh hưởng đến hành vi của trẻ khi lớn lên. Ai có thể dám chắc sau này những em bé phải chứng kiến bạo lực gia đình sẽ không có ứng xử tương tự.
4. Ép con viết tiếp giấc mơ của cha mẹ
Bố mẹ luôn mong con có cuộc sống tốt nhất, và ngay từ nhỏ luôn tạo mọi điều kiện để con học luyện giỏi toán từ nhỏ, những khóa dạy trẻ nói tiếng Anh như gió, hay những trung tâm rèn kĩ năng sống và tất cả những khát khao và kì vọng của chúng ta. Bởi nhiều phụ huynh nghĩ, đây là những thứ mà hồi xưa mình đã ao ước nhưng chẳng thể có được.
Mặc dù áp lực chủ yếu dựa trên ý định tốt, nhưng đôi khi phụ huynh có thể vượt quá mức mà con cái có thể chấp nhận được. Sự kỳ vọng của cha mẹ với con cái giống như một con dao hai lưỡi. Nếu có chừng mực, đó sẽ là nguồn động lực để con cố gắng. Ngược lại, kỳ vọng quá mức sẽ khiến con trẻ sẽ không còn muốn nỗ lực nữa vì chúng tin rằng mình chẳng bao giờ làm được.
Khi còn là học sinh, con sẽ liên tục tìm kiếm sự công nhận của cha mẹ. Ngay cả một biểu hiện hơi thất vọng cũng có thể khiến con rơi vào trạng thái tinh thần tồi tệ. Con sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng của mình, dần dần cảm thấy sợ hãi, lo lắng và vướng vào các bệnh tâm lý khác. Theo giới chuyên gia, ảnh hưởng do căng thẳng của cha mẹ đối với con cái có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.