4 lầm tưởng tai hại nhiều mẹ mắc phải khi cho con uống nước
Nước rất tốt cho sức khỏe mọi người nên ai cũng được khuyên nên uống nhiều nước mỗi ngày, tuy nhiên điều này không hề đúng với trẻ nhỏ.
Việc duy trì và cung cấp đủ nước cho cơ thể là một yếu tố then chốt để giữ gìn sức khỏe không chỉ với người lớn mà còn đối với cả trẻ em. Thế nhưng, cho bé uống nước như thế nào, khi nào uống, uống bao nhiêu cho hợp lý lại là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chính vì vậy, đã có không ít những lời đồn thổi và hiểu lầm tai hại về việc cho trẻ uống nước mà nhiều bậc cha mẹ đang mắc phải.
Hiểu lầm số 1: Trẻ sơ sinh cần uống nước để duy trì đủ nước cho cơ thể
Trẻ sơ sinh uống nhiều nước có thể gây ra hiện tượng co giật và thậm chí là tử vong (Ảnh minh họa)
Từ việc đúc kết những lợi ích của việc uống nước, đặc biệt là trong những ngày oi nóng, đối với cơ thể của người lớn, nhiều bậc cha mẹ đã áp dụng điều đó đối với những đứa con của mình. Thế nhưng, mẹ có biết “uống nhiều nước” đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh uống nhiều nước có thể gây ra hiện tượng co giật và thậm chí là tử vong.
Các chuyên gia đều cho rằng, trẻ sơ sinh có thể nhận đủ lượng chất lỏng thông qua sữa mẹ hoặc sữa bột. Kể cả trong thời tiết nóng nực thì lượng nước trẻ nhận được từ sữa mẹ hay sữa công thức vẫn đảm bảo đủ cho bé và tỷ lệ nước này là an toàn với trẻ. Việc cho bé uống thêm nước có thể khiến cơ thể trẻ mất cân bằng các chất điện giải. Lúc này, nồng độ những chất rất quan trọng đối với hoạt động của hệ thần kinh của trẻ là kali và natri bị pha loãng có thể dẫn đến tình trạng mất phương hướng, co giật và thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, theo quy định, các bác sĩ nhi khoa khuyên các mẹ không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống thêm nước. Trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi có thể uống từ 1 - 2 thìa nhỏ nước lọc sau khi ăn dặm, mỗi lần nhiều nhất chỉ 15 - 30ml để làm sạch khoang miệng. Khi trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể cho con uống nước theo nhu cầu.
Hiểu lầm số 2: Nước đóng chai thì tốt cho trẻ hơn là nước máy
Nhiều người nghĩ rằng nước đóng chai tốt hơn cho trẻ (Ảnh minh họa).
Tác hại của chì và đặc biệt là hiệu ứng từ cuộc khủng hoảng nước nhiễm độc chì tại thành phố Flint, bang Michigan, Mỹ đã khiến nhiều người nghĩ rằng nước đóng chai tốt hơn cho trẻ. Điều này chỉ đúng khi trong nước máy của bạn có chứa chì mà thôi. Và nhiều nghiên cứu đã cho thấy, nguy cơ tiếp xúc với chì trong nước máy là rất nhỏ nên nếu cho trẻ uống hoàn toàn nước đóng chai nghĩa là mẹ đã tước đi cơ hội để trẻ hưởng những lợi ích về nha khoa của việc florua hóa nguồn nước của thành phố.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, những mẫu nước đóng chai có chứa các các hạt nhựa siêu nhỏ và cho đến nay, người ta vẫn chưa kết luận được liệu việc hấp thu các mẩu vi hạt đó có gây ra những vấn đề lâu dài về sức khỏe hay không. Chính vì vậy, trừ phi bạn đang sống tại thành phố Flint, Mỹ, hãy tin rằng một ly nước máy được cho là an toàn nhất đối với cả bạn và con.
Hiểu lầm số 3: Nước hoa quả cũng tốt như nước lọc
Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên cho trẻ uống nhiều nước trái cây đóng hộp (Ảnh minh họa)
Mặc dù cả nước hoa quả và đồ uống thể thao đều có thể làm dịu nhanh cơn khát của những đứa trẻ, thế nhưng trong các loại nước này lại chứa một thứ mà nước lọc không có đó là lượng calo lớn được bổ sung từ đường. Trong khi dịch béo phì đang hoành hành khắp thế giới và đặc biệt cảnh báo đối với trẻ em, Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên cho con cái uống nhiều nước trái cây đóng hộp và đồ uống thể thao. Trừ phi con bạn là một vận động viên thể thao và đổ nhiều mồ hôi trong quá trình tập luyện và việc bổ sung các chất điện giải từ các đồ uống thể thao là cần thiết thì nước lọc mới là thứ con bạn cần mà không làm cho con béo phì.
Hiểu lầm số 4: Trẻ em không thích uống nước lọc
Nếu một đứa trẻ được bố mẹ tập thói quen uống nước lọc ngay từ đầu, trẻ sẽ quen với việc uống nó khi khát (Ảnh minh họa)
Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ em không thích uống nước lọc vì nó nhạt nhẽo. Thế nhưng, việc nhiều trẻ được tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với đồ uống ngọt mới là nguyên nhân khiến trẻ không thích uống nước lọc. Và nếu một đứa trẻ được bố mẹ hình thành thói quen uống nước lọc ngay từ đầu, trẻ sẽ quen với việc uống nó khi khát. Tốt nhất là bố mẹ hãy tập cho bé uống nước lọc ngay khi bé bắt đầu uống nước (khi trẻ được khoảng 1 tuổi) để trẻ phát triển dần thói quen làm dịu cơn khát của chúng bằng nước lọc thay vì những thứ ngọt ngào khác.
Mặc dù bản thân nước không có nhiều mùi vị nhưng không có nghĩa là nó nhạt nhẽo. Bố mẹ hãy thử cho nước vào những chiếc cốc màu rực rỡ, hình thù đáng yêu và những chiếc ống hút ngộ nghĩnh, trẻ em sẽ bị thu hút bởi những điều ngạc nhiên nhưng đơn giản này đấy.
Nguồn: Fatherly