4 kiểu cha mẹ độc hại dễ biến con cái thành kẻ thù, khiến trẻ thua ngay từ vạch xuất phát
Cha mẹ độc hại sẽ khiến cho con cái trở nên tự ti, yếu kém, tương lai mờ mịt, đó là điều không một đứa trẻ nào mong muốn.
Cha mẹ là những người đầu tiên dạy dỗ con cái, họ giống như một tấm gương phản chiếu mọi vấn đề của con cái. Nếu cách dạy dỗ không phù hợp, con cái dễ lầm đường lạc lối, mối quan hệ với cha mẹ cũng rạn nứt. Đặc biệt có 4 kiểu cha mẹ độc hại dưới đây dễ biến con cái thành kẻ thù, sớm biết để kịp thay đổi.
4 kiểu cha mẹ độc hại ngày nay
1. Cha mẹ quá hà khắc
Có một cô gái chia sẻ câu chuyện của mình rằng, mẹ cô theo đuổi một nền giáo dục hà khắc và hiếm khi khen ngợi con cái. Mỗi khi cô tự hào mang điểm bài kiểm tra về khoe với mẹ, mẹ cô chưa bao giờ hài lòng. Khi cô đạt điểm tối đa, mẹ cô nói: "Mới đạt điểm cao chút mà đã vênh mặt thế kia rồi".
Trong ấn tượng của cô, mẹ cô chỉ lắc đầu thở dài, cho rằng con gái mình xấu, không giỏi, không xinh đẹp. Theo thời gian, lúc nào cô cũng muốn được người khác công nhận mọi việc mình làm. Cô luôn phủ nhận bản thân, còn vô số khuyết điểm cần cải thiện.
Đôi khi, cô thậm chí còn cảm thấy mình không xứng đáng nhận được bất kỳ điều tốt đẹp nào.
Sau này, phải rất lâu cô mới dần lấy lại được sự tự tin, cuối cùng nhận ra mình làm mọi thứ chỉ để chứng minh cho mẹ thấy.
Nhiều bậc cha mẹ cũng như mẹ cô, nhắc nhở con đừng kiêu ngạo bằng cách chối bỏ, chỉ trích, trách móc. Mặc dù họ có ý tốt nhưng vô hình trung gây ra nhiều áp lực cho con cái, khiến trẻ cảm thấy rất thất vọng và hình thành tâm lý thù địch cha mẹ.
2. Cha mẹ luôn lấy danh nghĩa vì con
"Cha mẹ làm sao hại con được".
"Mẹ đã trả nhiều tiền như vậy sao con không nghe lời".
Nhiều bậc cha mẹ thích dùng sự kiểm soát thay vì tôn trọng, luôn muốn con sống theo ý mình.
Cách đây một thời gian, có một hot search ở Trung Quốc khiến mọi người ngạc nhiên.
Chu - một cô gái sinh vào những năm 1990 đi xem mắt dưới sự sắp đặt của mẹ. Cô không thích đối phương nhưng vì gia đình nhà trai khá giả, người mẹ đe dọa cô: "Nếu con không lấy chồng, mẹ sẽ chết trước mặt con".
Dưới áp lực của mẹ, cô thỏa hiệp và kết hôn với chàng trai. Tuy nhiên, vì tình cảm không có nên sau khi kết hôn cuộc sống của cô như địa ngục. Cô muốn ly hôn nhưng mẹ cô không đồng ý.
Trên thực tế, có nhiều cha mẹ thích kiểm soát mọi thứ đối với con cái. Một khi con cái không tuân theo mệnh lệnh, họ cảm thấy vô cùng đau khổ, như thể mất đi ý nghĩa của cuộc sống.
Họ sẽ trói buộc con cái bằng tình yêu và cảm giác tội lỗi, khiến trẻ không dám nói lên ý kiến của mình. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường ngột ngạt như vậy thường đánh mất tự do, sống không hạnh phúc. Đây là một trong những kiểu cha mẹ độc hại điển hình.
3. Cha mẹ thiển cận
Một số bậc cha mẹ không hiểu về giá trị của việc học, tầm nhìn hạn hẹp, họ chỉ quan tâm tới những lợi ích trước mắt mà không nhìn thấy tương lai của con cái mình. Con cái buộc phải ra đời sớm, sau đó rơi vào tệ nạn trộm cắp, đánh nhau, mất cả tương lai.
Nhiều người nói rằng, cha mẹ thiển cận sẽ khiến con cái như "ếch ngồi đáy giếng". Trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống, tương lai bấp bênh, thường do cha mẹ không đáng tin cậy và vô trách nhiệm.
Tầm nhìn của cha mẹ sẽ quyết định con cái có thể đi được bao xa. Đừng để sự thiển cận của bản thân trở thành rào cản tương lai của con mình.
4. Cha mẹ quá nuông chiều con
Không khó để nhận thấy cứ mỗi mùa nhập học tới, nhiều bậc phụ huynh trên tay xách nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh đi theo con cái lên thành phố. Một vài sinh viên trong số đó làm ngơ trước sự vất vả của cha mẹ, họ thản nhiên bấm điện thoại.
Nhìn cảnh tượng đó có thể thấy con cái được cưng chiều như thế nào, đồng thời có chút lo lắng không biết sinh viên kiểu như vậy sẽ sống một mình ra sao ở thành phố.
Cha mẹ chiều chuộng con cái có thể làm hại con cái cả đời. Những đứa trẻ lớn lên trong sự nuông chiều của cha mẹ sẽ luôn sống trong vòng an toàn, lúc nào cũng chờ đợi cha mẹ làm thay cho mình.
Cha mẹ lo lắng đủ thứ nhưng con cái lại không bao giờ trưởng thành, đây đơn giản là bi kịch lớn nhất của giáo dục.
Nuôi dạy con là một quá trình lâu dài và gian khổ, đồng thời đó cũng là quá trình trau dồi bản thân của cha mẹ. Không ai sinh ra đã là cha mẹ, lần đầu nuôi dạy con cái chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi dạy con, cha mẹ đừng cố kiểm soát hay cưng chiều con cái, đồng thời hãy mở rộng tư duy và tầm nhìn của mình.