Khi con không sinh ra ở "vạch đích", ba mẹ thường đổ lỗi cho số phận giàu - nghèo mà quên mất điều này

An Chi,
Chia sẻ

Tư duy giáo dục của cha mẹ mới là điều quyết định sự thành công của đứa trẻ, cho dù họ có giàu hay nghèo.

Cha mẹ nào cũng mong con được sống hạnh phúc, vui vẻ, có tương lai rạng rỡ. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng kinh tế sẽ quyết định 99% điều này. Thế nhưng, theo tác giả cuốn sách "Làm mẹ không áp lực" thì tiền bạc chỉ là công cụ để làm cuộc sống 1 đứa trẻ có được dễ dàng hay không mà thôi, nhưng tư duy giáo dục của cha mẹ lại quyết định sự thành công của đứa trẻ, cho dù họ có giàu hay nghèo.

Tác giả cuốn sách chia sẻ thêm: Có lần tôi nghe được cuộc trò chuyện của hai bà mẹ. Một bà mẹ nói: "sao bì với nhà nó được, bé nhà mình đâu được học trường quốc tế, học đàn hay tiếng Anh đâu, nghèo thì hèn mà". Không ít khi chúng ta thường đổ trách nhiệm cho "số phận giàu nghèo", nhưng tư duy giáo dục lại góp phần quan trọng hơn trong việc định hướng tương lai của con. 

Tại sao cần có tư duy giáo dục?

Tư duy giáo dục thực ra nói đơn giản là biết đặt sự giáo dục con trẻ lên làm ưu tiên số 1. Nuôi dưỡng niềm tin vào một cuộc sống tốt hơn bằng giáo dục trong con trẻ. Những gia đình ai càng khó khăn, càng không có điều kiện, lại càng cần có tư duy "đổi đời bằng giáo dục" ở chính trong người cha người mẹ, bởi vì điều này sẽ giúp con cái bạn tiến đến sự thành công nhanh hơn. 

Có những tỉ phú sinh ra trong gia đình nghèo, điển hình như ông Howard Schultz - chủ chuỗi cafe Starbucks. Cha mẹ ông đều chưa học hết bậc trung học, gia đình thường xuyên chịu đựng sự thiếu thốn, nhưng mẹ ông là một người luôn cho ông niềm tin vào giáo dục và vào một cuộc sống tốt hơn. Ông là người đầu tiên trong nhà có bằng đại học năm 1975.

Khi con không sinh ra ở "vạch đích", ba mẹ thường đổ lỗi cho số phận giàu - nghèo mà quên mất điều  này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tư duy giáo dục nên được thể hiện như thế nào?

Bằng cách đầu tư vào giáo dục cho trẻ ngay từ sớm và thiết lập sự ưu tiên ở mỗi đứa trẻ.

Khi nghiên cứu về giáo dục ở gia đình nghèo và giàu, GS. Golinkoff, ĐH Delaware, Mỹ cho biết: Không phân biệt giàu hay nghèo, cha mẹ chỉ cần nuôi dưỡng ý chí giáo dục ở trẻ từ độ tuổi nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn phát triển não bộ, có thể giúp các bé phá vỡ khoảng cách giàu nghèo trong tương lai bằng cách cố gắng học tập. Có nhiều cách để xây dựng ý chí giáo dục ở các bé:

1. Quan tâm và tạo điều kiện đọc sách cho trẻ. Thói quen đọc sách là có thể hình thành từ nhỏ. Nó sẽ khơi nguồn khám phá và sáng tạo ở trẻ. Đọc sách trẻ cũng nhận ra các kỹ năng như cách chọn lọc, đánh giá và sử dụng thông tin.

2. Trò chuyện và chơi với trẻ mỗi ngày, đặc biệt với các trẻ dưới 6 tuổi.

3. Luôn cho trẻ được đến trường, quan tâm đến bài vở của con. Đừng chỉ quan tâm đến điểm số, mà là việc con cố gắng trong học tập như thế nào. 

4. Tôn trọng và cho trẻ có ý kiến.

5. Tránh dùng các từ la mắng, xúc phạm để giao tiếp với trẻ. Cha mẹ có tư duy giáo dục cần biết cách giao tiếp đúng với trẻ.

6. Đặt mục tiêu phấn đấu để trẻ có kỳ vọng và cố gắng.

7. Luôn giúp con kiểm tra bài hay hướng dẫn các bài tập về nhà khi con gặp khó khăn.

8. Đừng nói các vấn đề làm mất ý chí học tập của con trẻ như phê phán, so sánh nặng lời với trẻ khác, hay mắng mỏ khi con không đạt mục tiêu hoặc gặp khó khăn trong học tập.

9. Việc học của trẻ là ưu tiên quan trọng nhất. Do đó, hãy cố gắng dành thời gian chất lượng của bạn mỗi ngày cho con.

Chia sẻ