4 bệnh về da thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, các mẹ đang nuôi con nhỏ nên lưu ý
Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch kém và làn da yếu ớt, rất dễ mắc các bệnh ngoài da. Nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
1. Chàm sữa
Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá thường gặp. Chàm sữa là giai đoạn đầu tiên của căn bệnh chàm thể tạng. Lúc mới phát bệnh, cơ thể trẻ chỉ xuất hiện nốt hồng rồi chuyển thành mụn nước có màu đỏ sau đó nứt da và tiết dịch, có vảy và bong tróc.
Chàm sữa thường xuất hiện ở các vị trí như mặt, hai má sau đó lan ra tay chân hay cơ thể. Chàm sữa có thể tự khỏi khi trẻ được 2 - 4 tuổi. Tuy nhiên, nếu đến tuổi đó vẫn không khỏi thì trẻ có nguy cơ mắc chàm thể tạng.
Chàm sữa tuy không thế nhưng khó điều trị nếu để lâu. Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý cho con đi khám chàm sữa khi có những biểu hiện như sau:
- Thường xuất hiện ở trẻ trên 6 tháng tuổi.
- Xuất hiện ở các khu vực trên mặt, 2 má, lan ra toàn cơ thể, tay chân...
- Biểu hiện ban đầu là các nốt mẩn đỏ, sau đó chuyển thành mụn nước nhỏ với màu đỏ gây nứt da, đóng vảy và bong tróc vảy.
- Vùng da bị chàm thô ráp, có vảy li ti, da bị khô và căng.
- Một số trẻ xuất hiện kèm thêm triệu chứng dị ứng của bệnh hen suyễn và viêm mũi.
- Trẻ khó chịu, quấy khóc, khó ngủ, bỏ bú.
- Trẻ bị ngứa, gãi liên tục vào vùng da bị chàm dẫn đến mụn nước bị vỡ và chảy máu.
2. Hăm tã
Hăm tã thường gặp ở trẻ dùng bỉm thường xuyên và tầm từ 3 đến 15 tháng tuổi. Hăm tã xảy ra khi bé đổ mồ hôi nhiều, nước tiểu đọng lại trong tã bỉm lâu nhưng lại bị tã bịt kín, không được thông thoáng khiến da bị tổn thương.
Hăm tã gây ngứa ngáy khiến trẻ phải liên tục gãi. Tuy nhiên, càng gãi càng khiến da bị trầy xước, dễ nhiễm khuẩn hoặc có thể nhiễm nấm do ẩm ướt.
Một số nguyên nhân chính gây ra hăm tã ở trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần lưu ý:
- Bỉm gây ẩm ướt cho vùng da của bé trong thời gian dài, tạo cơ hội cho vi khuẩn trong phân kết hợp với nước tiểu phát triển gây hại đến làn da của bé.
- Da bé bị chà xát với bỉm, làn da của trẻ có thể bị dị ứng với hương liệu, chất tẩy rửa dùng giặt tã.
- Đồ ăn lạ khiến trẻ bị hăm tã, nhất là khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Thức ăn lạ khiến trẻ đi đại tiện nhiều hơn bình thường và vùng da quanh hậu môn của bé dễ tấy đỏ và hăm.
- Nhiễm nấm men hoặc nấm Candida. Nấm phát triển tốt ở nơi ấm và ẩm, nhất là bên dưới tã lót.
3. Rôm sảy
Rôm sảy là căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là vào mùa hè ở nước ta với khí hậu nóng bức, oi ả khiến trẻ tiết ra nhiều mồ hôi.
Mồ hôi không thoát ra ngoài hết và bị ứ đọng lại do tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh. Rôm sảy gây ra tình trạng nốt nổi mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, đầu rôm có một chút nước, đỏ ở xung quanh.
Các vị trí mọc rôm sảy thường là đầu, cổ, ngực, lưng. Rôm sảy gây ra cảm giác ngứa ngáy, nóng rát, trẻ nhỏ thường vô thức gãi ngứa dễ làm da bị lở do viêm nhiễm.
Rôm sảy là bệnh do quá nóng mà ra. Bên cạnh nguyên nhân thời tiết, trẻ có thể bị rôm sảy do mặc quá nhiều quần áo hoặc quần áo làm bằng các chất liệu không thấm hút, sốt cao, ở trong lồng kính, trẻ chơi đùa, vận động nhiều,...
4. Vàng da
Vàng da là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Vàng da ở trẻ sơ sinh gồm 2 dạng là vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý.
Vàng da sinh lý thường sẽ tự biến mất sau một thời gian ngắn. Ngược lại, vàng da bệnh lý rất nguy hiểm do trẻ có thể bị hôn mê, co giật. Vì vậy các bậc cha mẹ cần biết cách phát hiện vàng da ở trẻ sơ sinh là dạng nào để biết cách điều trị cho đúng.
Vàng da sinh lý thông thường sẽ biến mất trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng.
Màu da vàng nhẹ và chỉ vàng ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn. Vàng da không kèm theo các triệu chứng bất thường khác như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ,... Ngoài ra, nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu tối hoặc màu vàng và phân nhạt màu.
Vàng da bệnh lý thường là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó. Vàng da bệnh lý sẽ xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ sau sinh. Vàng da bệnh lý có biểu hiện là da màu đậm, không tự hết sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng.
Vàng da là căn bệnh dễ nhận thấy được bằng mắt thường. Cha mẹ nên chú ý quan sát trẻ để biết khi nào cần đưa bé đi khám và điều trị bệnh vàng da.