3 quy tắc nuôi dạy giúp con trẻ phát triển hạnh phúc, tự tin và có kỷ luật
Nghỉ hè là thiên đường của trẻ nhưng lại là ác mộng của phụ huynh. Các bậc cha mẹ hầu như đều phải đối mặt với việc con không chịu tự giác học khi ở nhà. Đa số phụ huynh đều rất hoang mang, không biết nên làm như thế nào mới tốt.
Vậy làm thế nào để có thể giúp trẻ thiết lập tính tự giác, xây dựng thói quen sinh hoạt và học tập tốt trong kỳ nghỉ hè?
3 quy tắc nuôi dạy con cái này, sẽ giúp bạn mở khóa mật khẩu phát triển con cái một cách tối ưu. Nuôi dạy ra một đứa trẻ hạnh phúc, tự tin và có kỷ luật.
1. Biết cách "quan tâm" có thể đổi lấy cảm giác an toàn cho trẻ suốt đời
"Tại sao khi đi học mẫu giáo trẻ em lại rất hay quấy khóc?".
"Con sợ bóng tối, không ngủ được thì phải làm sao?".
Trên thực tế, cảm giác an toàn của mỗi một đứa trẻ đều được xây dựng dựa trên "phản ứng kịp thời" của cha mẹ. Khi đứa trẻ còn nhỏ, chúng chỉ có thể dựa vào phản ứng của những người xung quanh để phán đoán xem chúng có được yêu thương, có được an toàn hay không. Chỉ khi có đủ những cảm giác cơ bản đó thì chúng mới có thể làm được càng nhiều việc to lớn hơn.
4 điều cần làm để cho con có được cảm giác an toàn:
a. Nuôi dạy và để con lớn lên trong một môi trường ổn định: Nếu con vẫn còn nhỏ, hãy để cho trẻ được nuôi dưỡng bởi một hoặc một nhóm người cố định. Tốt nhất là cha mẹ tự mình nuôi giữ con, không nên thay đổi người chăm sóc trẻ nhỏ quá thường xuyên.
b. Tình cảm và sự quan tâm của người nuôi dưỡng: Khi giao tiếp với trẻ, hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể. Không nên vừa nói chuyện vừa chơi điện thoại. Đừng làm như bản thân đang phải miễn cưỡng chơi chung với chúng. Điều này sẽ khiến chúng cảm thấy bản thân đang bị bỏ rơi. Khi nói "chúc con ngủ ngon", hãy thêm câu "mẹ/cha yêu con". Ngoài ra, bạn có thể nói những câu đại loại như: "Có chuyện gì vậy con? Mẹ ở đây, mẹ yêu con ". Những loại câu nói này chỉ sợ nói ít chứ không sợ nói nhiều. Tình yêu thương của cha mẹ sẽ gieo mầm vững chắc trong trái tim trẻ.
c. Mối quan hệ vợ chồng bền vững, hòa thuận: Nếu để trẻ chìm trong mớ cảm xúc tiêu cực của cha mẹ trong một thời gian dài, chúng sẽ hình thành những tư duy tồi tệ, cho rằng thế giới tràn đầy bất ổn, tất cả đều sẽ phát triển theo chiều hướng xấu nhất. Chỉ khi để trẻ cảm thấy chúng có một chỗ dựa yên bình, vững chãi, thì chúng mới có đủ dũng khí để bước ra thế giới rộng lớn hơn.
d. Các vấn đề cảm xúc cần được xử lý đúng cách: Mỗi khi trẻ khóc lóc hay trở nên yếu đuối, cha mẹ nên có mặt ở bên con. Vì khi còn nhỏ, trẻ con thường không biết tự an ủi mình, nên mỗi khi cảm thấy buồn bã, chúng chỉ biết khóc thật lớn. Các bậc phụ huynh cần phải giúp con bình tĩnh lại bằng cách ôm chúng, an ủi và giúp chúng thả lỏng. Cha mẹ nên học cách hỏi thăm cảm xúc lúc ấy của con, đồng thời an ủi con từng chút một. Có vậy thì về sau chúng mới biết cách tự an ủi bản thân.
2. Người cha nên tiếp xúc nhiều hơn với con
Sự bầu bạn của cha nên được có mặt trong suốt thời thơ ấu của một đứa trẻ. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy, nếu người cha thường xuyên cùng con trò chuyện, đọc sách,… thì sẽ giúp bé phát triển khả năng học tập và giao tiếp xã hội tốt hơn. Tuổi thanh xuân cũng sẽ ít đi lầm con đường sai trái hơn.
Cũng nhờ sự dẫn dắt của người cha mà trẻ con sẽ bắt đầu hứng thú với thế giới xung quanh, trở nên tự tin, phát huy sự sáng tạo cùng năng lực tìm tòi của bản thân.
Người cha chơi cùng con sẽ kích thích tiềm năng trong não bộ của trẻ. Năng lượng mà người cha tỏa ra rất phù hợp đối với sự năng động của một đứa trẻ. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường được chơi đùa thỏa thích với cha mẹ thường sẽ không rụt rè, nhút nhát, ngược lại còn tràn đầy sức sống.
Ngoài ra, người cha còn giúp con khám phá thế giới bên ngoài một cách lành mạnh và có hiệu quả hơn. Vì sự nam tính thường biểu hiện cho sự uy nghiêm và ý thức trật tự. Do đó, nó sẽ dễ dàng giúp trẻ em thiết lập tốt các quy tắc và nề nếp.
3. Dám "sống chậm lại" thì mới có thể tạo cho trẻ thói quen tốt
Nuôi con cũng giống như dẫn ốc đi dạo vậy, đó là một quá trình đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn. Lo lắng và thúc giục thái quá sẽ chỉ làm rối loạn nhịp điệu phát triển của trẻ. Bậc cha mẹ thông thái sẽ có can đảm để "sống chậm lại" để bầu bạn cùng con.
Hãy sử dụng đồng hồ báo thức, đồng hồ đeo tay hoặc các công cụ khác để "trực quan hóa" thời gian. Mấy giờ thức dậy, mấy giờ ăn, khi nào chơi đồ chơi, khi nào thì đọc sách,… Hãy nâng cao mục đích làm việc của trẻ, cố gắng đảm bảo tuân theo lịch trình một cách đều đặn.
Hãy để trẻ trải nghiệm những hậu quả do chậm chạp gây ra. Khi chúng đánh mất cơ hội làm điều gì đó vì sự chậm chạp của mình thì tự khắc chúng sẽ hiểu ra rằng sau này chúng nên tăng tốc độ lên. Đây là một cách rất hiệu quả và đơn giản mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng ngay lập tức, thay vì đánh mắng hay thúc giục con phải nhanh lên.
Ngoài ra, hãy tận dụng "thời kỳ nhạy cảm với trật tự" của trẻ để thiết lập những thói quen tốt cho chúng.
Ví như, bảo đứa trẻ đặt đồ chơi trở lại vị trí cũ sau khi chơi xong, những thứ chúng đã sử dụng phải được cất đúng chỗ và phân đúng loại. Vào thời kỳ nhạy cảm với trật tự này, trẻ thường sẽ dễ làm theo những yêu cầu ở trên hơn. Từ đó bồi dưỡng cho trẻ một thói quen tốt.
Một điều nữa, chính là trí nhớ và khả năng hiểu của trẻ khi nhỏ sẽ rất kém. Nên khi bạn đưa ra một loạt mệnh lệnh, ví dụ như "dọn bàn, thu dọn cặp sách, xỏ giày và nhanh chóng đi ra ngoài", thì phản ứng đầu tiên của trẻ sẽ không phải là "con cần nhanh lên" mà là "con phải làm gì đây?".
Vì vậy, hãy cố gắng đưa ra các yêu cầu thật đơn giản và rõ ràng để con có thể làm từng chút một.