"3 nên, 3 không nên" cha mẹ nhất định phải dạy con về cách nhận lì xì

PHAN HẰNG,
Chia sẻ

Trẻ cần được cha mẹ dạy một số điều liên quan tới việc nhận lì xì để tránh dẫn tới những tình huống xấu hổ.

Vào dịp Tết, trẻ con rất háo hức khi được lì xì. Đây cũng là lúc cha mẹ cần dạy cho con mình một số nguyên tắc khi nhận lì xì để tránh những tình huống xấu hổ xảy ra.

Việc người lớn lì xì cho trẻ nhỏ không phải hành động "cho tiền" mà là văn hóa chúc cho nhau những điều tốt lành, may mắn vào năm mới. Vì thế, vào dịp này cha mẹ cần phải giải thích rõ cho con mình hiểu ý nghĩa của lì xì, đồng thời dạy cho con những phép tắc cơ bản khi nhận lì xì, đặc biệt là "3 nên, 3 không nên" dưới đây.

3 nên, 3 không nên khi dạy con về tiền lì xì Tết - Ảnh 1.

Trẻ con cần được cha mẹ dạy cách ứng xử khi nhận lì xì.

3 "nên" khi dạy con về lì xì

1. Nên dạy con hiểu rõ về quy trình lì xì

Trong dịp Tết Nguyên Đán, khi người lớn lì xì cho trẻ nhỏ sẽ tuân theo một quy trình nhất định. Trẻ cần phải làm theo 3 bước: Chúc Tết, nhận lì xì và cảm ơn.

Việc chúc Tết tùy theo phong tục của từng nơi sẽ khác nhau, tốt nhất cha mẹ nên dạy con trước về điều này để con có cách xưng hô và lời chúc phù hợp. Nếu có tập tục nào đặc biệt như "quỳ lạy" ông bà, trẻ cũng cần được cha mẹ nhắc nhở trước.

Sau khi chúc Tết, trẻ nên kiên nhẫn đợi tới lượt mình, không chìa tay xin lì xì mà đợi người lớn trao cho. Cuối cùng, khi nhận được lì xì, trẻ cần cảm ơn người lớn.

3 nên, 3 không nên khi dạy con về tiền lì xì Tết - Ảnh 2.

2. Nên chú ý tới cách nhận lì xì

Khi trẻ nhận lì xì cũng cần chú ý tới cách nhận, nhất định phải nhận bằng 2 tay, đây là phép lịch sự tối thiểu. Nếu chỉ đưa 1 tay nhận lì xì, đó là một hành động cho thấy trẻ không tôn trọng người lớn.

3. Nên cất giữ lì xì cẩn thận

Nếu trẻ còn quá nhỏ chưa có ý thức tốt trong việc cất giữ lì xì, tốt nhất nên nhờ cha mẹ giữ hộ, chủ yếu điều này để đề phòng bị mất.

Tất nhiên có thể vì những lý do khác trẻ muốn tự mình giữ tiền, cha mẹ gợi ý cho con mình cất tiền cẩn thận như túi trong quần áo, túi có khóa kéo, trong túi xách... để đảm bảo an toàn.

3 "không nên" trẻ cần chú ý khi nhận lì xì

1. Không nên chìa tay xin lì xì

Tết Nguyên Đán là dịp các thành viên trong gia đình hội ngộ với nhau sau 1 năm xa cách. Tuy nhiên, việc trẻ em xin lì xì ngay khi thấy người lớn thực sự không phù hợp. Hành động này có thể khiến cho tâm trạng của người lớn trong dịp Tết trở nên khó xử, không khí sẽ không còn vui vẻ nữa.

Kiểu hành vi này ẩn chứa sự thiếu tôn trọng người lớn, buộc họ phải lì xì cho bằng được. Nói cách khác, kiểu xin lì xì này không khác gì xin tiền tiêu vặt, không mang ý nghĩa thực sự của văn hóa lì xì.

3 nên, 3 không nên khi dạy con về tiền lì xì Tết - Ảnh 3.

2. Không nên nhận xét về số tiền bên trong phong bao lì xì

Sau khi nhận lì xì từ người lớn, trẻ cần được dạy không được phát ngôn bừa bãi như "sao ít tiền thế ạ", "tiền cũ con không thích đâu", "con muốn được nhiều hơn cơ"... Nếu để người lớn nghe thấy những lời nói vô tư này của trẻ, chắc chắn sẽ gây ra cảnh tượng xấu hổ.

Hơn nữa, nếu người lớn nghe được những lời này, họ sẽ đánh giá trẻ thô lỗ, không được cha mẹ dạy dỗ cẩn thận.

3. Không nên bỏ đi ngay sau khi nhận lì xì

Trên thực tế có một số trẻ bỏ đi ngay sau khi nhận lì xì, hành vi này cần được chấn chỉnh ngay.

Sau khi nhận lì xì, việc đầu tiên trẻ cần làm là cảm ơn người lớn, sau đó không nên rời đi ngay mà đi bên cạnh cha mẹ. Nếu cha mẹ đang bận tiếp khách, trẻ có thể ngoan ngoãn trở về phòng, không tự ý bỏ đi nơi khác một mình, cũng không nài nỉ cha mẹ làm điều mình muốn. Trẻ cần ở cạnh cha mẹ, sau khi từ biệt người lớn tuổi mới rời đi.

Cuối cùng, việc lì xì trong dịp Tết Nguyên Đán tưởng chừng là điều rất đơn giản nhưng có nhiều chi tiết cha mẹ cần chú ý để dạy con mình. Nếu không tuân thủ, trẻ có thể gây ra những tình huống xấu hổ, bối rối cho cả 2 bên.

Chia sẻ