3 cơ hội giúp trẻ trở nên thông minh hơn, cha mẹ cần nắm bắt
Có một số thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển mà cha mẹ nên tận dụng để giúp trẻ trở nên thông minh hơn.
Tuy trí thông minh có liên quan đến yếu tố di truyền, nhưng việc nuôi dưỡng của cha mẹ cũng vô cùng quan trọng. Nghiên cứu của Đại học Harvard, Mỹ chỉ ra rằng, não bộ của trẻ em có 3 giai đoạn phát triển "vàng". Muốn giúp con phát triển trí não, cha mẹ nên làm gì trong 3 giai đoạn này?
Cha mẹ đừng nghĩ rằng khi mới sinh ra, em bé chỉ ngủ và bú sữa, thực tế là lúc này bé đã có khả năng nhận thức và não bộ đang phát triển nhanh. Richard Weissbourd, nhà khoa học hành vi trẻ em của Đại học Harvard chỉ ra rằng, não bộ của bé có 3 giai đoạn phát triển "vàng" và bắt đầu từ khi sinh ra, sự phát triển của não bộ đã bước vào giai đoạn đỉnh cao đầu tiên.
Cơ hội thứ nhất: 0-3 tuổi
Giáo sư Weissbourd chỉ ra rằng, chỉ số IQ cao thấp có liên quan đến "tần suất kết nối các tế bào thần kinh trong não".
Nói cách khác, càng nhiều kết nối, trẻ càng thông minh. Não bộ của trẻ sơ sinh nặng khoảng 390 gram, lúc này các tế bào thần kinh trong não bắt đầu phát triển. Chỉ trong vòng 1 năm, các chức năng khác nhau của não bộ có thể phát triển nhanh chóng (như ngôn ngữ, thính giác, thị giác, nhận thức...) và đạt đến đỉnh cao.
Đến 3 tuổi, trọng lượng não có thể tăng lên 1.000 gram, quá trình phát triển của não bộ đã hoàn thành khoảng 85%. Nếu cha mẹ có thể nắm bắt giai đoạn 0-3 tuổi, hỗ trợ phát triển trí não, nó sẽ có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển não bộ của trẻ.
Lời khuyên của chuyên gia dành cho cha mẹ 1 (0-3 tuổi):
Trong giai đoạn này, não bộ của trẻ chủ yếu có 3 chức năng: Hấp thụ những điều mới, lặp lại việc học và ghi nhớ vào não bộ. Đặc biệt, trí nhớ của trẻ rất tốt, cao gấp 3 lần người lớn và khả năng bắt chước cũng rất đáng kinh ngạc.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, người lớn phải luôn chú ý đến lời nói và hành động của mình, đồng thời kịp thời sửa chữa những hành vi sai của trẻ. Ngoài ra, có thể khuyến khích trẻ chủ động, dũng cảm khám phá thế giới để nuôi dưỡng tính độc lập của trẻ.
Cơ hội thứ 2: 5-7 tuổi
Khi tới giai đoạn 5-7 tuổi, tính cách của trẻ dần rõ ràng, sự phát triển của não bộ cũng bước vào giai đoạn tương tác với môi trường nhiều hơn, có nghĩa là các khớp thần kinh thường xuyên sử dụng sẽ tăng gấp đôi, nhưng các khớp thần kinh ít sử dụng sẽ thoái hóa, thậm chí bị đứt gãy.
Để tránh điều này xảy ra, cha mẹ có thể sử dụng nhiều kích thích thị giác, xúc giác và vận động, đồng thời rèn luyện khả năng tư duy của trẻ, giúp các khớp thần kinh của trẻ phát triển hơn, tạo ra nhiều kết nối thần kinh hơn, từ đó nâng cao trí thông minh.
Lời khuyên của chuyên gia dành cho cha mẹ 2 (5-7 tuổi):
Có thể đưa trẻ ra ngoài chơi nhiều hơn như công viên, sở thú hoặc tham gia các buổi hòa nhạc, xem kịch thiếu nhi... để trẻ làm quen với nhiều điều mới, học cách giao tiếp và tương tác thông qua tiếp xúc với mọi người.
Ngoài ra, trẻ ở độ tuổi này rất thích xếp hình, cha mẹ có thể cùng con chơi xếp hình (hoặc các loại đồ chơi khác giúp tư duy) để rèn luyện khả năng tư duy và giải quyết vấn đề của trẻ.
Cần lưu ý rằng, trẻ 5-7 tuổi học rất nhanh nhưng khả năng phân biệt đúng sai vẫn còn hạn chế, vì vậy cha mẹ cần sửa lỗi của con một cách thích hợp, tránh la mắng hoặc trách mắng, hạn chế tác động đến sự phát triển tâm lý.
Cơ hội lần thứ 3: 8-10 tuổi
Giáo sư Weissbourd cho biết, thị giác, thính giác, ngôn ngữ và nhận thức của trẻ sẽ ngừng phát triển sau 12 tuổi, vì vậy cha mẹ cần nắm bắt thời gian nâng cao trí tuệ từ 8-10 tuổi.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, trẻ tò mò về thế giới xung quanh ít hơn, cảm thấy việc học tập rất nhàm chán, thậm chí còn rất nổi loạn và cứng đầu, không muốn tuân theo mệnh lệnh hoặc yêu cầu của cha mẹ.
Thêm vào đó, 8-10 tuổi cũng là giai đoạn quyết định tính cách của trẻ, do đó, cả việc phát triển não bộ và hình thành tính cách đều đòi hỏi cha mẹ phải dành nhiều tâm huyết.
Lời khuyên của chuyên gia dành cho cha mẹ 3 (8-10 tuổi):
Mặc dù trẻ ít hứng thú với việc học nhưng cha mẹ vẫn không được bỏ qua tầm quan trọng của nó. Hãy cố gắng giúp trẻ đạt được sự cân bằng giữa học tập và vui chơi, không can thiệp hoặc kiểm soát quá mức. Bằng cách này, trẻ sẽ dễ chấp nhận việc học hơn và tiếp thu kiến thức mới liên tục.
Điều đáng chú ý là, ở giai đoạn này, trẻ khao khát được thể hiện bản thân và muốn được lắng nghe, vì vậy cha mẹ cần dành nhiều thời gian để gần gũi và tương tác với trẻ. Thông qua mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt đẹp và chặt chẽ, việc học tập và nâng cao trí tuệ sẽ được hỗ trợ rất nhiều.