Cha mẹ thường xuyên làm 4 việc này thì xin chúc mừng: Các con dễ có EQ cao, thông minh nhanh nhạy
Trẻ có EQ cao sẽ có nhiều lợi thế trong tương lai. Cha mẹ nên lưu ý khía cạnh này để sớm trau dồi cho trẻ các kỹ năng liên quan đến EQ.
EQ là chỉ số thông minh cảm xúc của một người. Người có EQ cao thường có khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân, hành xử khéo léo và dễ dàng quản lý các mối quan hệ xã hội.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nghiên cứu đã phát hiện ra EQ cao mang lại nhiều lợi ích khác nhau, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bản thân của trẻ em. EQ cao có liên quan đến IQ cao khi trẻ có trí tuệ cảm xúc cao thường đạt kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra mang tính phân loại. Trẻ có EQ cao cũng có những mối quan hệ tích cực hơn, tốt cho việc hình thành cá tính và con đường nghề nghiệp sau này.
Một nghiên cứu kéo dài 19 năm được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng các kỹ năng xã hội và cách thể hiện cảm xúc của trẻ ở trường mẫu giáo có thể dự đoán thành công suốt đời. Trẻ em có thể dễ dàng chia sẻ, làm việc nhóm và lắng nghe có nhiều khả năng đạt thành tích tốt ở những năm đại học, có công việc trước năm 25 tuổi.
EQ được Giáo sư Đại học Harvard Daniel Goleman đánh giá là chìa khoá quyết định sự thành công trong cuộc sống và công việc của một người. Bên cạnh đó, người có EQ cao được đánh giá ít có khả năng mắc chứng trầm cảm và các bệnh tâm thần khác.
Để con trẻ nâng cao trí tuệ cảm xúc, cha mẹ có thể thường xuyên làm những việc sau:
Cởi mở trò chuyện với con hàng ngày
Theo chuyên gia giáo dục người Mỹ Reem Raouda, những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao thường rất giỏi trong việc chia sẻ cảm xúc, quan điểm của bản thân. Để trẻ làm được việc này, cha mẹ cần cởi mở với con cái trong việc chia sẻ những câu chuyện hàng ngày, chú ý bộc lộ cảm xúc trong các mẫu câu nói với con. Từ đó cha mẹ có thể biết giúp con biết cách chia sẻ, tăng cường khả năng truyền đạt cũng sự tự tin cho trẻ.
Dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề
Một phần của việc trau dồi trí tuệ cảm xúc chính là việc học cách giải quyết vấn đề. Chuyên gia Reem Raouda cho rằng một đứa trẻ có khả năng đối diện với những tin tức đáng thất vọng, bình tĩnh giải quyết hoặc nhìn chúng theo hướng tích cực hơn là lúc trẻ đang thể hiện sự trưởng thành về mặt cảm xúc.
Vì vậy, cha mẹ có thể từ tình huống giả định hoặc thực tế, dạy con cách đối mặt với vấn đề và gợi ý con tìm ra giải pháp thích hợp nhất. Đó cũng là cách giúp con có khả năng thích nghi tốt, phản ứng nhanh khi các tình huống không mong muốn xảy ra.
Tạo cơ hội để trẻ giao tiếp với nhiều người
Theo “Bách khoa toàn thư về nuôi dạy con cái” của Mỹ, cách tốt nhất để một đứa trẻ học cách hòa đồng với mọi người là có được nhiều cơ hội học tập và cha mẹ nên chủ động tạo cơ hội cho trẻ chơi với những đứa trẻ khác
Việc tạo điều kiện trẻ tiếp xúc với nhiều môi trường, gặp gỡ nhiều người khác nhau là cách hiệu quả để tăng khả năng giao tiếp, phản xạ của trẻ. Trẻ cũng có thể học được cách thích nghi, làm việc nhóm hoặc học hỏi được những thói quen tốt từ xung quanh. Cha mẹ nên chọn môi trường có nhiều điểm chung giúp trẻ dễ hòa nhập, ví dụ như CLB năng khiếu, lớp học sở thích, hoạt động ngoại khóa...
Dạy trẻ cách đồng cảm
Đồng cảm là khả năng tưởng tượng cảm giác của người khác trong một tình huống cụ thể và phản ứng một cách cẩn trọng. Những đứa trẻ có EQ cao vừa giỏi quan sát lại vừa có khả năng nắm bắt cảm xúc của người khác và bày tỏ sự đồng cảm, quan tâm giúp đỡ.
Để xây dựng kỹ năng này, các bậc phụ huynh nên học cách đồng cảm với cảm xúc vui vẻ, buồn bã hay tức giận con mình. Sau đó dạy con quan sát cảm xúc của những người con tương tác trong ngày, học cách lắng nghe và chú ý nắm bắt chi tiết đằng sau một câu chuyện được truyền tải.
Những đứa trẻ thông minh về mặt cảm xúc có thể nhận ra những dấu hiệu tinh tế mà người khác có thể bỏ qua. Việc cha mẹ thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ cần thiết với người xung quanh cũng giúp “làm gương” cho trẻ học theo, nâng cao EQ của bản thân.