3 biểu hiện của người cha vô tâm khiến con cái tổn thương
Vai trò của cha mẹ trong chăm sóc và nuôi dạy trẻ vô cùng quan trọng, sự thiếu quan tâm của phụ huynh đôi khi sẽ gây ra tác hại đến cuộc đời con.
Vai trò của người cha trong việc xây dựng nhân cách con vô cùng quan trọng. Cha là tấm gương phản chiếu, giúp đưa ra những mô tả chân thực đầu tiên về "người đàn ông" trong nhận thức của bé. Cách sống và cư xử của người cha trong gia đình lẫn ngoài xã hội còn là tấm gương của các con sau này.
Bên cạnh những người bố "điểm 10", có nhiều người không biết xây dựng mối quan hệ cha - con lành mạnh, vô tình làm hủy hoại tâm hồn, tương lai của bé. Dưới đây là 3 kiểu người cha vô tâm dễ khiến con cái tổn thương.
1. Người cha bạo lực
Một số người cha thường khó kiểm soát sự cáu kỉnh của mình, thậm chí dồn cảm xúc tiêu cực lên con cái, biểu hiện bằng lời nói, hành động lỗ mãng. Những người này chỉ quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của chính họ và không bao giờ lắng nghe cảm xúc của người khác, kể cả con cái.
Con cái chịu ảnh hưởng lớn từ cha mẹ, nhưng nhiều cha mẹ đang gieo rắc cách sống bạo lực cho con mà không hề hay biết. Nhiều đứa trẻ thích nói chuyện bằng nắm đấm với bạn chỉ vì điều này. Hành vi bạo lực ở trẻ có thể bao gồm một loạt các hành vi: tức giận bộc phát, hung hăng thể xác, đánh nhau, đe dọa hoặc cố gắng làm tổn thương người khác... Chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con cái họ.
Với trẻ là con trai, phản ứng của người cha bạo lực khiến con dần trở nên nóng nảy giống bố. Trong khi đó, ngược lại, bé gái nảy sinh tâm lý sợ hãi, luôn muốn trốn chạy để né tránh mọi sự chú ý dành cho mình. Khi bước vào tuổi yêu đương, cô gái sẽ có thể bị bạn trai của mình ngược đãi và rơi vào trạng thái đấu tranh giữa sự tổn thương của bản thân và tình yêu mà cô nhận được.
Trong suốt những năm phát triển, trẻ em dành phần lớn thời gian ở bên và chịu sự ảnh hưởng của cha mẹ. Chúng tiếp thu các mẫu hành vi từ cha mẹ một cách có ý thức hoặc vô thức. Trẻ có xu hướng bạo lực khi lớn lên khi chúng từng là nạn nhân của bắt nạt hoặc thường xuyên chứng kiến hành vi bạo lực.
2. Người cha "vô hình"
Là những người không tham gia vào việc quán xuyến, chăm sóc con cái. Họ luôn tỏ ra thờ ơ và giao hết mọi trách nhiệm cho những người thân khác trong gia đình. Đôi khi, họ quan điểm đàn ông là phải lo sự nghiệp, không phải ở nhà làm những công việc của phụ nữ.
Người cha như vậy thường không biết con cái mình học hành ra sao, kết bạn thế nào, có vấn đề gì vướng mắc trong cuộc sống. Dần dần, sự kết nối giữa bố và các con trở nên không còn, người cha như thế sẽ không thể gây ảnh hưởng lên cuộc đời của con, thậm chí khiến con không nghe lời, có xu hướng cãi lại.
Bên cạnh đó, cũng có đôi lúc người cha đã quen với công việc hằng ngày của mình mà "ngộ nhận" rằng mình đang bận, không có thời gian cho con. Cha mẹ quen với việc cầm điện thoại "lướt bảng tin" hay đọc tin tức trong ngày, đọc một bài báo trên mạng hay làm thêm một việc gì đó những lúc rảnh rỗi. Để rồi khi con đòi hỏi được cùng mẹ nấu ăn, cùng cha học bài hay cùng gia đình làm một việc gì đó thì câu trả lời nhận được mặc định rằng "bố đang bận" hay thậm chí là quát mắng "con không thấy cha bận hay sao?" mà cha mẹ không nhìn rõ rằng mình có đang thật sự bận hay không.
Không có khái niệm rằng bạn bận đến cỡ nào mà là bạn có muốn dành thời gian bên con của mình hay không. Khi trẻ còn nhỏ, phần lớn thời gian của trẻ là dành ở trường và thu nạp kiến thức. Bởi thế, trẻ cũng không đòi hỏi chiếm trọn cả 24 giờ của bạn mà chỉ cần một chút trong quỹ thời gian của bạn để được bên nhau và cảm nhận được tình yêu thương lan tỏa cho nhau là đủ.
3. Người cha độc đoán
Thay vì quan tâm, hỏi han để xem con thích gì thì những người cha này lại tự mình đưa ra mọi quyết định trong cuộc sống của con. Những người cha này thường được gọi với cái tên "cha độc tài". Mối quan hệ cha - con do đó có một sự phụ thuộc vô cùng chặt chẽ, khiến cho đứa trẻ bị bó buộc vào cha, thậm chí không thể trưởng thành độc lập.
Ngay cả khi đứa trẻ tự có khả năng chăm sóc chính mình, người cha vẫn yêu cầu con phải phụ thuộc, phải thông qua họ trong mọi quyết định lớn, nhỏ của đời sống. Mặc dù trong suy nghĩ của người cha này, việc "sống thay con" là tốt cho chúng, nhưng kỳ thực, trẻ dần dần trở thành một cây leo, không có chính kiến, bản lĩnh trong cuộc sống.