10 vấn đề về sức khỏe của trẻ tưởng nguy hiểm, nhưng lại là hiện tượng bình thường
Con bệnh thì bố mẹ nào cũng cuống lên, nhưng theo các chuyên gia có những triệu chứng tưởng chừng là nghiêm trọng, nhưng thật ra lại hết sức bình thường.
Chăm sóc trẻ là một công việc không mấy dễ dàng và nó sẽ càng khó khăn hơn bội phần nếu chẳng may trẻ bị ốm.
Tuy nhiên, theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) có một số vấn đề về sức khỏe của trẻ thường khiến các bố mẹ lo lắng, nhưng thật ra đây lại là những hiện tượng hết sức bình thường. Chỉ cần bố mẹ theo dõi và để ý hơn một chút là được. Chẳng hạn như 10 triệu chứng dưới đây.
1. Nôn ói
Trẻ nhỏ rất hay nôn ói, nhất là khi đang khóc hoặc đang ăn. Nhưng bố mẹ hãy yên tâm rằng nôn ói không phải là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu nó chỉ đi một mình. Có thể là trẻ đã ăn quá no hoặc cơ thể con đang kháng lại vi khuẩn.
Trong trường hợp này, các bác sĩ thường khuyên bố mẹ hãy cho con uống nhiều nước, cho con ở nơi thoáng mát, trong lành và cho con ăn thức ăn ấm, lỏng.
2. Nghẹt mũi
Nghẹt mũi là vấn đề xảy ra khá phổ biến ở trẻ em, vì trẻ sẽ có trung bình từ 6 đến 8 lần bị viêm đường hô hấp trong 1 năm. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khiến bố mẹ lo lắng, nhất là khi con còn nhỏ, vì nghẹt mũi khiến trẻ khó thở hơn, đặc biệt là vào ban đêm.
Các bác sĩ tư vấn bố mẹ hãy vệ sinh mũi cho con thường xuyên bằng cách nhỏ nước mũi hoặc hút mũi cho con.
3. Đau bụng
Đau bụng cũng là một trường hợp phổ biến và thường xảy ra khi trẻ ăn quá nhiều hoặc ăn thức ăn không tốt cho dạ dày. Mặc dù đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của một vài bệnh nguy hiểm, nhưng nhìn chung thì hầu hết các bác sĩ chỉ định bố mẹ theo dõi con tại nhà.
Ngoài ra, Tiến sĩ Rebecca Cherry – bác sĩ tiêu hóa nhi khoa, giảng dạy tại trường Đại học Center Lane (Mỹ), cho biết thêm rằng trẻ nhỏ có thể bị đau bụng khi con cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng quá mức. Vì vậy, bố mẹ nên trò chuyện để hiểu những gì mà con đang phải chịu đựng.
4. Tiêu chảy
Hầu như trẻ nào cũng đều bị tiêu chảy. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, tuy nhiên thường thì tiêu chảy không kéo dài lâu.
Khi tiếp nhận ca tiêu chảy, các bác sĩ sẽ khuyên bố mẹ cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước bù điện giải Oresol và ăn thức ăn nhạt như chuối, táo, bánh mì… Bố mẹ nhớ giữ ấm bụng cho con và đừng quá lo lắng. Tuy nhiên, khi thấy con bị tiêu chảy kèm theo các triệu chứng: miệng khô, mắt trũng, thóp lõm, ít đi tiểu, hay buồn ngủ hoặc chóng mặt, nôn nhiều lần, đau bụng dữ dội thì bố mẹ nên cho con đi khám bác sĩ.
5. Nhức đầu
Nhiều người nghĩ rằng trẻ em có phải suy nghĩ gì đâu mà nhức đầu. Song trên thực tế, trẻ cũng bị đau đầu như người lớn. Theo các bác sĩ, đó là hậu quả của việc trẻ ít uống nước, chạy nhảy quá nhiều, hoặc căng thẳng do học hành.
Trong trường hợp này, bố mẹ nên cho con uống nhiều nước và cho con được nghỉ ngơi thư giãn.
6. Sốt
Sốt là một phần của hệ thống phòng thủ để chống lại những tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể trẻ. Đôi khi nguyên nhân gây sốt có thể là do con mọc răng, hay cảm lạnh thông thường.
Mức độ nguy hiểm của căn bệnh này phụ thuộc vào nhiệt độ khi con bị sốt. Nếu trẻ bị sốt dưới 38,5 độ thì bố mẹ có thể theo dõi con tại nhà, và trong vòng hai hoặc ba ngày con sẽ khỏe lại. Khi nào cơn sốt kéo dài hơn 3 ngày, trẻ bị co giật, nôn mửa, tiêu chảy, lờ đờ thì bố mẹ nên cho con đi bác sĩ ngay.
7. Vết bầm tím
Không có đứa trẻ nào mà không có vết bầm tím ở trên chân, tay, mặt, đầu…vì những cú té ngã do chạy nhảy. Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng bố mẹ không cần phải lo lắng và cũng không cần phải điều trị gì. Bởi những vết bầm tím sẽ tự hết sau vài ngày.
8. Đau họng và ho
Đau họng không phải là một dấu hiệu đáng lo ngại. Nó thường là triệu chứng ban đầu của cảm lạnh, cúm hoặc virus và sẽ tự khỏi sau 10 ngày. Trà bạc hà ấm hoặc một viên kẹo ngậm trị đau họng cũng giúp trẻ cảm thấy tốt hơn.
Ho cũng là một triệu chứng nghe có vẻ đáng sợ, song thật ra nó cũng không nghiêm trọng lắm. Các bác sĩ thường khuyên bố mẹ nên theo dõi con tại nhà và tránh cho con ăn những thực phẩm hoặc đồ uống không tốt cho cổ họng như: soda, nước cam.
9. Hăm tã
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ bị hăm tã nếu bố mẹ để con mặc bỉm quá lâu, hoặc bỉm bị ẩm ướt mà không được thay ngay. Theo các bác sĩ, bố mẹ cần đảm bảo bỉm của con luôn khô ráo, và được thay thường xuyên trong khoảng từ 2 – 4 tiếng. Trước khi thay bỉm cho con, bố mẹ nên rửa tay sạch sẽ và lau khô mông cũng như vùng kín của con trước khi mặc bỉm mới.
10. Táo bón
Táo bón là hiện tượng trẻ đi phân cứng, khô, khó đi hoặc bị đau. Tuy nhiên, nó chỉ xuất hiện tạm thời và vài ngày sẽ hết. Trong tình huống này, bố mẹ nên cho con uống nhiều nước, ăn nhiều rau trái cây, thiệt lập thói quen đi vệ sinh thường xuyên và siêng năng vận động. Như vậy tình trạng táo bón của trẻ sẽ sớm được cải thiện.
Nguồn: B.S