Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ

Bài, ảnh: Thiên Kim,
Chia sẻ

Những ngày này, hoạt động làm bánh ú tro dùng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở con hẻm nhỏ nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.

Đó là xóm nhỏ nằm sâu trong con hẻm cạnh cây cầu Chánh Hưng (đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM). Những ngày bình thường, nơi đây dường như chìm khuất trong sự nhộn nhịp, hối hả của phồn hoa đô thị. Nhưng cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), những người trong xóm lại lui cui chuẩn bị nào nếp, nào đậu xanh, củi lửa và những chiếc nồi to tướng để cùng nhau làm những mẻ bánh ú tro ngon lành.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 1.

Hoạt động này dựa theo phong tục dân gian trong ngày Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ Trung Hoa, nhằm thể hiện ước mơ cho một năm thắng lợi, gia đình sung túc. Với những gia đình tại "xóm bánh ú", đây còn là dịp để kiếm thêm thu nhập và quây quần bên nhau.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 2.

Từ trước đó 3-4 ngày, những nguyên vật liệu đã được người dân mang về với số lượng lớn, để đến khuya mùng 3, bánh sẽ được bắt tay vào làm ngay cho kịp tiêu thụ.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 3.

Cô Phạm Thị Năm cùng các con cháu đang tập trung làm bánh ú trước sân nhà. Biết làm bánh từ năm 15 tuổi, đến nay đã ở vào tuổi 65 nhưng năm nào cứ đến dịp này, cô vẫn xoắn tay áo để nấu cho được những chiếc bánh ú tro ngon lành nhất. "Làm bánh này cực thấy mồ chứ có sung sướng gì đâu, nhưng tục lệ ông bà để lại, mình mà bỏ là có lỗi với tổ tiên lắm" - cô nói.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 4.

Làm bánh ú tro đòi hỏi sự kiên nhẫn lẫn tính khéo tay của người thợ. Ngay từ khâu tìm kiếm nguyên vật liệu đã đủ vất vả, nhất là lá tre và dây lát, gia đình cô Năm phải lấy ở rất xa. "Mấy năm gần đây có một cái chợ ở Bà Hom chuyên bán lá làm bánh ú, người ta thường mua ở đó nhiều. Còn cô do làm lâu rồi, có mối quen nên lấy thẳng ở Tây Ninh luôn" - bà Năm nói.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 5.

Có rất nhiều công đoạn làm bánh như ngâm đậu, đãi đậu, nặn nhân bánh, cắt lá tre, tước lát, nấu bánh... Chính vì thế, để ra những mẻ bánh ngon cần sự phối hợp của rất nhiều người, kể cả những đứa trẻ trong nhà. Năm nay, gia đình bà Năm nấu khoảng 20 thiêng bánh (mỗi thiêng 20 xâu, một xâu 60 cái), vừa để cúng vừa để bán cho khách đi đường.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 6.

Còn cô Chín Lan (54 tuổi) cho biết, cô làm bánh ú tro vào dịp Tết Đoan Ngọ đã từ năm 1983, nhưng chính thức bán thì khoảng 10 năm. "Trước đây xóm này được người ta gọi là xóm lát, nhưng dần dần công nghiệp hóa, dưới huyện Bình Chánh nhà cửa mọc lên chiếm chỗ của lát hết, nên dần dần người dân bỏ nghề hết. Ban đầu trong xóm chỉ có 3 nhà làm bánh bán, rồi hàng xóm thấy được mới bắt chước làm theo. Giờ 200 hộ trong xóm gần như nhà nào cũng nấu bánh ngày này" - cô Chín chia sẻ.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 7.

Trong con hẻm nhỏ hẹp, người ta nối những đoạn tre dài sát tường để làm chỗ treo bánh. Lát sẽ được lấy xuống để sau khi gói bánh xong, bánh được nhanh chóng cột vào.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 8.

Đã làm việc từ sáng sớm, một người phụ nữ cho biết, năm nào chị cũng được cô Lan thuê làm bánh. Tiền công cho cả ba ngày là 800.000 đồng, làm từ 3 giờ sáng đến 11 giờ khuya nhưng tự do nghỉ ngơi, hết mệt lại vào làm tiếp. "Ngồi một chỗ khom lưng hoài cũng hơi mệt nhưng một năm có hai ngày cũng vui, chứ làm liên tục thì sao chịu nỗi" - chị cười nói.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 9.

Dù cực là vậy nhưng giá bán bánh khi tung ra thị trường lại rất rẻ, chỉ khoảng 6.000 đồng/bánh và bán theo chục. Điều thú vị là nơi đây vẫn giữ cách tính bánh rất đặc trưng thôn quê khi một chục đồng nghĩa với 12 bánh.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 10.

"Cái này làm cho vui với người ta, chứ lời lỗ gì vài ba ngày Tết hả con, vừa tốn tốn sức đủ thứ, mệt thấy mồ tổ" - cô Ba bánh ú nói vui khi đang dở tay cho xâu bánh cuối ngày. Nhưng chắc cô nói thật, bởi từ xế đến giờ, đám đông quần quật vào nồi bánh đã được nghỉ xíu nào đâu.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 11.

Trời tháng 5 rả rích, xóm bánh ú ướt sũng, ngập lênh láng sau một cơn mưa lớn. Đàn bà lo đem bánh lên chỗ cao, trong khi đàn ông hì hục tìm cách khơi thông các cống cho nước mau rút. Không khí lúc này dẫu mệt nhọc nhưng cứ rộn ràng như ngày Tết cuối năm.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 12.

Vui nhất có lẽ là những đứa trẻ khi lâu lâu mới được thấy ông bà, cha mẹ tụ tập cười nói, thấy những nồi bánh bốc khói nghi ngút. Những ngày này, xe cộ chạy ngang qua cũng như dạo chơi, bởi không ai muốn làm hư mẻ bánh của nhau.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 13.

Sẫm tối, một số tiểu thương đã vào tận nơi lấy hàng. Đó như động lực cho người dân xóm này khi họ biết người dân vẫn còn giữ tục lệ mua bánh cúng ngày Tết. Bánh cũ đi, bánh mới tiếp tục cho vào nồi. Mọi hoạt động sẽ còn tiếp diễn đến trưa mùng 5.

Xóm làm bánh ú tro nức tiếng Sài Gòn gói cả ngày, nấu cả đêm dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 14.

Dọc dường Phạm Thế Hiển đã xuất hiện rất nhiều những sạp bán bánh ú tro. Không cầu kỳ, chỉ đơn giản là một chiếc mâm, mấy cái ghế một nhỏ và mấy xâu bánh. Tiếng rao của họ nhỏ nhẹ nhưng vừa đủ nghe, khiến khách qua đường như trở về miền ký ức của một thời êm đềm, thơ dại: "Bánh ú đi em/anh/chị ơi, sáu mươi ngàn một chục...".


Chia sẻ