BÀI GỐC Vợ chồng lục đục chỉ vì... cách dạy con

Vợ chồng lục đục chỉ vì... cách dạy con

(aFamily)- Anh cấm con đi xe máy, vì chưa đủ tuổi và không có bằng lái xe. Vậy mà, cứ không có mặt anh, chị lại cho con bé lấy xe đi thả phanh.

5 Chia sẻ

Nguyên nhân khiến vợ chồng anh Tỉnh "ông chẳng bà chuộc"

,
Chia sẻ

(aFamily)- Hệ quả rõ ràng nhất là đứa con gái ấy học cách sống y như mẹ! Không hề có ý thức tu dưỡng bản thân, có tâm lý hơn thua và đố kỵ!

Bạn Hoàng Thái thân,

Tôi cũng từng biết đến trường hợp tương tự tình huống bạn nêu lên trên diễn đàn, có khác một chút trong chi tiết, tôi cũng đóng góp để xem như mở rộng thêm đề tài.

Hai vợ chồng ấy là công nhân viên, anh chồng là công nhân ngành điện, chị vợ lúc trước làm trong một Cty điện tử, sau Cty giải thể, tuổi đã trên 45, chị đành ở nhà làm nội trợ. Hai vợ chồng chỉ có duy nhất 1 đứa con gái, sinh năm 1993.

Vì là con trai út, vợ chồng anh sống chung với cha chồng trong căn nhà rộng rãi khang trang, gần kề là nhà của vợ chồng người anh và nhà của người chị độc thân. Nói chung, nhà cửa mọi người đều đàng hoàng do người nào cũng được cha chia đồng đều phần thừa hưởng từ đất đai ông bà để lại, kể cả vợ chồng họ. Nhìn chung, là công nhân viên nhưng toàn gia đình họ có cuộc sống tương đối thoải mái.

Người chị độc thân kia tỏ ra băn khoăn về đứa cháu gái duy nhất (còn lại đều là trai), là chị e rằng đứa cháu gái ấy sẽ chẳng học hành ra sao mà phần lớn chị cho là do mẹ của cháu.

Thực tế, những người phụ nữ trong gia đình ấy đều có trình độ học vấn tương đối thấp. Người chị, giờ đã trên 60, tính tình hơi tỉ mẩn nhưng rất nhạy cảm và nhân hậu. Những năm tháng khó khăn, gia đình có lúc phải sống cùng nhau, chị cũng hiểu được tính cách của từng người em dâu.

Trong nhận xét của chị, thì cô em dâu út rất bảo thủ và cố chấp. Điều đó không biết có phải phát sinh từ cái gọi là "trình độ" như mọi người vẫn hay nghĩ không? Có điều, tự xét lại bản thân, người chị thấy rằng mình cũng chẳng được học hành nhiều, nhưng từ trong nỗi tiếc nuối cũng như ý thức sự thua thiệt của mình những ngày còn son trẻ, chị mong muốn con cháu chị sẽ nỗ lực trong việc học tập, vì ít nhất theo chị, con người có kiến thức nhất định, sẽ vươn lên dễ dàng trong xã hội cũng như sẽ có cái nhìn rộng rãi, hợp lý hơn trong việc đối nhân xử thế.

Người em trai út của chị ấy thuộc túyp đàn ông ù lì, thụ động. Ngoài chuyện đi làm, tuần vài ngày đi nhậu với bạn bè sau giờ làm, đến tháng mang khoản tiền lương cố định về giao cho vợ, anh ta thờ ơ với tất cả mọi chuyện. Đến lúc đứa con gái thi cuối cấp 2, điểm thấp chỉ vào được trường bán công cấp 3, chị vợ "báo động", anh chồng chỉ ậm ừ: "Tùy bà, lo sao cho nó thì lo!".

Gần hết năm lớp 10, cô con gái muốn nghỉ học do bị mất căn bản trong rất nhiều môn. Chị vợ động viên con bằng cách mua cho ĐTDĐ đắt tiền, hứa hẹn mua xe tay ga cùng khuyến khích: "Con cố học, mẹ cho ra nước ngoài... nghỉ hè!".

Trong lúc người chị chồng băn khoăn, một mặt tìm hiểu, khuyên dạy cháu, một mặt tìm gia sư đến nhà kèm cặp hầu hy vọng cháu vượt qua được tình trạng mất căn bản, thì 2 mẹ con cứ từ chối hết thầy này đến thầy khác chỉ với lý do: thầy dạy khó quá, cháu không hợp!

Trong quan hệ gia đình, chị vợ ấy cũng thuộc dạng... cá biệt! Được sự trợ giúp của bà chị. Sự chăm sóc, thuốc men cho cha già đối với vợ chồng họ cũng không phải là nặng nề, bận rộn. Tuy nhiên, chỉ là do họ ở trong nhà chung và chưa được cho chủ quyền riêng trong căn nhà đó! Họ không hề khó khăn (vẫn còn đất đai gia đình chồng chia cho) và nếu họ thẳng thắn ngỏ ý, cha chồng cùng chị em trong nhà cũng sẽ thuận tình hợp thức hóa cho vợ chồng chị một cơ ngơi riêng, bằng 50% căn nhà từ đường.

Tuy nhiên, cái cách cư xử đố kỵ, bằng mặt không bằng lòng, chửi chó mắng mèo, dằn mâm xáng bát mỗi khi có chuyện bất đồng với bất kỳ ai khiến cả gia đình chồng chị ấy ngao ngán! Hệ quả rõ ràng nhất là đứa con gái học cách sống y như mẹ! Không hề có ý thức tu dưỡng bản thân, chăm chăm vào những so sánh liên quan đến vật chất để so sánh, để hơn thua và đố kỵ!

Một điều đáng nhìn nhận, là người vợ ấy cũng không may mắn trong hạnh phúc vợ chồng. Anh chồng không trăng hoa, cũng không nhậu nhẹt đến mức bệ rạc, nhưng nhìn cái cách anh thờ ơ với... tất cả, cũng đủ biết vợ anh đã bức xúc trong mong muốn được sẻ chia, được quan tâm đến như thế nào!

Cũng có lúc, người chị chồng dùng tâm lý phụ nữ để tâm tình, cởi mở cùng em dâu cũng như nhắc nhở em trai chỉnh đốn lại cách cư xử giữa vợ chồng, mà điều quan trọng là hướng đến việc nuôi dạy con gái. Nhưng... biết làm sao được? Tính cách mỗi con người thường là khó thay đổi! Chỉ khi nào đối diện với hậu quả phát sinh từ tính cách ấy, như con cái thất học, rong chơi hư hỏng. Bố mẹ mâu thuẫn, xúc phạm nhau hay hơn nữa là... đi ngang về tắt, lúc ấy có lẽ mỗi người mới nhìn lại và thấm thía sự thất bại của mình.

Bạn HT ạ! Có một chi tiết mà tôi lưu ý từ trong tâm sự của bạn. Là chị họ bạn chỉ mâu thuẫn với chồng trong chuyện nuôi dạy con cái, ngoài ra với nững việc khác, chị rất biết nghe lời anh? Thế thì bạn có suy nghĩ: anh rể bạn đã quá tự tin vào cái "đúng" của anh ấy mà quên đi cảm nhận của vợ anh ấy không?

Đành rằng anh ấy chủ trương nuôi dạy nghiêm khắc cũng chỉ vì lòng thương con, muốn con nên người và lo cho con trước những cám dỗ dẫn đến bất trắc trong đời sống. Nhưng thói thường hễ "cha đánh thì mẹ xoa" bạn ạ! Chị ấy cũng đầy lòng thương con, thấy xót xa và che chở cũng như chìu theo ý muốn của con, phản ứng trước điều mà chị ấy cho là khe khắt của chồng thật ra chỉ vì anh ấy có lẽ chưa lúc nào làm "công tác tư tưởng" với chị ấy trước.

Cái khả năng kiếm tiền nhỉnh hơn chồng, từ đó cũng lớn lời hơn có thể từ lâu đã hình thành một mặc cảm giữa hai vợ chồng họ, khiến anh không có kiên nhẫn thuyết phục chị ấy nhận ra cái sai của chị, cũng như ủng hộ anh trong việc răn dạy con.

Thêm vào đó, cũng không loại trừ khả năng anh coi thường chị, từ cách cư xử mà anh cho là do "ít học". Anh cho rằng có bàn bạc với chị thì cũng như "nước đổ đầu vịt"! Bởi vậy, đồng cảm giữa hai vợ chồng hoàn toàn không có, làm sao không xảy ra cái cảnh "ông chẳng bà chuộc"?

Dù sao, con cái là một quan tâm chung. Nếu như cả cha lẫn mẹ đều ý thức hết những điều đúng sai về cách giáo dục con, bổ sung cho nhau để góp tay hoàn thiện con thì là quá tốt. Tuy nhiên, dùng cách răn dạy bằng bạo lực, nóng nảy không đưa đến kết quả hay nếu không muốn nói là khó được như ý.

Ngược lại, chiều theo một cách vô điều kiện tất cả ý thích của con lại càng là mầm móng đưa đến... đại họa! Mà người quan tâm đến hạnh phúc của gia đình họ trong lúc này, là nhân tố khách quan hiệu quả nhất giúp họ nhìn thấy vấn đề là... bạn đấy! Vậy bạn thử nói chuyện, đầu tiên là với anh rể bạn xem sao.

Chia sẻ