Xử trí khi bé hay đánh người
"Con không được mua siêu nhân nữa, ở nhà nhiều lắm rồi", nghe mẹ nói vậy cu Bi, hơn 4 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội lại lao vào đấm thùm thụp vào bụng mẹ.
Chị Tuyết, mẹ cu Bi kể lại, trước đây không đòi mua được cái gì hoặc bị người lớn nhắc nhớ thì bé chỉ khóc, lăn ra ăn vạ. Nhưng gần đây, không hiểu vì sao cứ mẹ hoặc bố quát, không cho làm cái gì là quay ra đánh trả lại.
"Nhiều lần bực quá lại đau, mình đánh cho vài cái vào mông thế là cu cậu lại càng gào to hơn. Thấy thế mình lại xót, lại nựng con bảo lần sau không được như thế, bé vâng dạ rồi nhưng lần sau vẫn tiếp diễn như thế. Không biết phải làm gì với con nên nhiều lần mình cũng phải nhượng bộ, chiều theo ý con", chị Tuyết nói.
Gặp phải tình cảnh như chị Tuyết, chị Lan, ở Giáp Bát, Hà Nội cũng thấy bó tay với cậu con trai 28 tháng tuổi. Mỗi lần không vừa ý điều gì là bé lăn ra ăn vạ rồi cắn bất cứ người nào ở gần. Bé cũng rất lười ăn nên mỗi lần đến bữa chị đều phải để cây phất trần ở ngay bên cạnh. Lúc đấy, bé mới chị ngồi yên để ăn nhưng được vài miếng lại nhiễu, không ăn nữa.
"Mà bé cắn đau chứ, hằn rõ cả hàm răng. Khổ nhất là nhiều lúc bé cắn mấy đứa trẻ hàng xóm khiến chúng khóc um lên, đến xấu hổ. Vì thế, rút kinh nghiệm lúc nào mà bé chơi với bạn là mình phải luôn canh chừng để nếu thấy có chuyện là ngay lập tức bế bé lên ngay. Lúc đấy mình lại người chịu đòn", chị Lan buồn bã nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna (Phố Vọng, Hà Nội) cho biết, những trường hợp cha mẹ phàn nàn về việc con hay đánh, cắn người khác như trên không phải là hiếm gặp. Cha mẹ cần hiểu đây cũng chỉ là một hình thức trẻ thu hút sự chú ý của người khác chứ không phải là một hành động cố tình ác ý.
Chẳng hạn như trường hợp con chị Tuyết, trẻ coi cách đánh người khác chỉ là cách ăn vạ, đòi cha mẹ đáp ứng yêu cầu của mình. Chính vì một vài lần trẻ có hành động này và cha mẹ đã tỏ thái độ nhượng bộ mà các bé coi đó là "vũ khí lợi hại" của mình. Hay như con của chị Lan, cắn là cách bé thể hiện sự không hài lòng của bản thân, để đòi phần thắng về phía mình trong cuộc chiến tranh giành đồ chơi.
"Việc cắn hay đánh người khác là một biểu hiện về tính cách hiếu động của trẻ. Đó có thể là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ hoặc cũng có là kết quả của sự sai lệch nào đó về mặt tâm lý", tiến sĩ Bưởi nói.
Theo bà, trẻ nhỏ coi những hành vi đó là việc bình thường và có thể chấp nhận được. Vì thế, cha mẹ không nên có những phản ứng quá mức cần thiết. Việc cha mẹ trừng phạt bằng cách quát mắng hay đánh trẻ khó có thể giúp trẻ thay đổi hành vi mà nhiều khi còn làm cho nó tăng lên.
"Điều đó sẽ gây ra sự phản kháng ở trẻ, thậm chí càng đánh trẻ càng dạn đòn. Mình quát nó nó còn hét to hơn mình, thậm chí nằm sẵn lên giường, vạch mông cho mà đánh", tiến sĩ Bưởi phân tích.
Tiến sĩ Bưởi cho biết, việc thay đổi hành vi ở bé phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân. Vì thế, trước hết, cha mẹ cần tìm hiểu xem do đâu bé lại hay cắn và đánh người khác, mục đích là gì. Nếu chỉ là hành vi ăn vạ, đòi cái này cái kia thì cha mẹ cần nhẹ nhàng chuyển hướng sự chú ý của bé vào trò chơi khác, vào điều trẻ thấy thích.
Ngoài ra, trẻ nhỏ có những hành vi này thường do sự tập nhiễm từ môi trường xung quanh. Vì thế, cha mẹ cần hết sức nhẹ nhàng, giải thích cho con hiểu hành vi đó là không được phép chứ không nên quát mắng hay đánh con.