Xử sự khi trẻ nói dối

,
Chia sẻ

Trong quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ, nói dối là điều hoàn toàn bình thường khi trẻ bắt đầu học phân biệt giữa những điều tưởng tượng và thực tế để hình thành nhân cách

Theo ông George Scarlette – Giáo sư Trường Đại Học Tufts, Medford, Mass: “Trẻ con nói dối cũng vì lý do giống người lớn để đạt được điều mình muốn và tránh bị phạt”. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên quá ngạc nhiên khi thấy con mình không thành thật về một sự vật nào đó. Thay vì vội vàng áp đặt những bài học về lòng trung thực, hãy tìm hiểu những lý do đằng sau hành vi nói dối của con.

Giai đoạn trẻ từ 2 đến 5 tuổi:

Giai đoạn này, trẻ thường có trí tưởng tượng nhạy bén và lưu giữ trong đầu thế giới của những câu chuyện cổ tích. Bé khó phân biệt được những giấc mơ với hiện thực.

Giáo sư George Scarlette cho rằng, trẻ em nói dối ở độ tuổi này chủ yếu do chúng quá mong muốn những điều đối lập với thực tế. Vì vậy, nếu cha mẹ phản ứng bằng cách giận giữ và trách móc sẽ không giúp ích gì.

Nếu trò nói dối của trẻ bắt nguồn từ trí tưởng tượng thì bạn hãy dùng các câu chuyện như một cơ hội để khuyến khích kỹ năng ngôn ngữ hơn là bắt lỗi bé. Bạn đừng thô bạo phá tan thế giới tưởng tượng của bé nhưng cũng phải chắc chắn những điều đó không có hại cho con. Chẳng hạn, bạn khuyến khích đứa con 3 tuổi tin vào ông già Noel nhưng cũng nên cho bé biết thực chất con người không thể bay được cho dù họ có mang theo đôi cánh nhân tạo.

Nhưng nếu con bạn quay cuồng trong thế giới tưởng tượng thì bạn nên chia sẻ với bé bài học của cậu bé chăn cừu đùa chó sói, rồi khi sói đến thật thì chẳng ai tin lời cậu nữa để bé hiểu tại sao sự thật lại quan trọng đến thế!
 
 
Ảnh minh họa

Giai đoạn trẻ từ 5 đến 7 tuổi:

Ở tuổi đến trường, trẻ nhận ra nói dối là một cách giải quyết vấn đề hoặc tránh né sự trừng phạt. Một đứa trẻ 6 tuổi biết nói “Con chó cắn mất cuốn vở bài tập về nhà của em” sẽ không qua mắt cô giáo nên câu nói dối có thể là “Vì tối qua em bị ốm”.

Giai đoạn này, con bạn sẽ chẳng ngần ngại thử kỹ năng dối trá của mình và kiểm tra các ranh giới của chúng. Chúng chưa phân biệt được tại sao nói dối trong trường hợp này thì được nhưng lúc khác thì không. Đừng bao giờ gọi trẻ là kẻ nói dối nhưng cũng cho trẻ hiểu rõ rằng bạn không chấp nhận sự thiếu trung thực. Nếu con bạn hay nói dối về những việc xảy ra hàng ngày như chưa làm bài tập hoặc những việc không gây nguy hiểm thì thể hiện một cái nhìn không vừa lòng và bày tỏ sự cứng rắn: “Thôi được. Mẹ sẽ kiểm tra bài vở của con. Chúng ta hãy cùng nhau xem bài tập này”.

Phản ứng gay gắt bằng những lời chì chiết nặng nề hay đòn trừng phạt có thể biến bé thành kẻ dối trá chuyên nghiệp hơn. Dù vậy, bố mẹ cũng nên nhớ đặt lòng tin vào sự tiến bộ của con.

Giai đoạn trẻ từ 8 đến 14 tuổi:

Lúc này, trẻ em rất muốn sự riêng tư, chúng có thể “quên” không cho bạn biết về điều gì đó hoặc bỏ qua một số chi tiết nhất định. Càng lớn, con bạn càng muốn tự mình kiểm soát cuộc sống. Vì thế, nếu bạn xâm lấn một cách thô bạo vào cuộc sống riêng tư của con, đứa trẻ sẽ đối phó bằng cách nói dối để có lợi cho chúng.

Hãy để con cởi mở bộc lộ cảm xúc. Mỗi ngày bạn nên bỏ ra vài phút để trò chuyện với con. Nếu con tìm thấy sự đồng cảm ở bạn thì nó sẽ chẳng ngần ngại thú nhận những lỗi lầm của mình. Hãy cho con biết không có ai hoàn hảo và bạn luôn ở bên để giúp con chứ không phải để trừng phạt nó.

Cần nhớ rằng nếu bạn muốn con mình thành thật thì trước hết bạn phải luôn trung thực. Trẻ con thường xem cha mẹ mình là tấm gương nên nếu bạn thiếu trung thực thì thật khó mà đòi hỏi con mình phải thành thật.

Một giọng nói ôn tồn, bình tĩnh, ít trách móc, chê bai sẽ giành được sự hợp tác. Khi con thừa nhận sự thật hãy công nhận và bỏ qua. Đừng bao giờ làm con xấu hổ trước mặt bạn bè. Kỷ luật có hiệu quả khi nó khiến con mình cảm thấy được tôn trọng và chấp nhận chứ không phải khiển trách và xỉ vả. Thường xuyên khen con mỗi khi chúng làm điều gì đúng cũng sẽ giúp bồi đắp sự thành thật.

Bảo Chi (Tổng hợp)

Chia sẻ