Xử lý khi trẻ hay quấy khóc về đêm

,
Chia sẻ

Con trai tôi được 13,5 tháng, nặng 11,5kg,cao 78cm. Ban ngày cháu ngủ một giấc khoảng 3h, ngủ sâu. Đêm cháu uống 150ml sữa trước khi đi ngủ nhưng hay tỉnh dậy và quấy khóc.

Xin hỏi, có cách nào để cháu bớt quấy khóc về đêm thưa bác sỹ? (Trần Thu Hiền - Hà Nội).

Trả lời:

Trẻ thiếu vitamin D, bị còi xương, suy dinh dưỡng, người ốm yếu sẽ hay quấy khóc về đêm. Nhưng với trường hợp bé nhà chị, có thể loại trừ khả năng này vì cháu có cân nặng và chiều cao cân đối so với lứa tuổi.

Trẻ hay quấy khóc về đêm có thể do trẻ ăn ngủ không theo giờ giấc nhất định, trẻ bị đói, ban ngày hoặc trước lúc ngủ đùa nghịch quá độ khiến thần kinh căng thẳng, kích thích quá mạnh, trẻ khó chịu vì đái dầm... Chỉ cần mẹ giải quyết những đòi hỏi, nhu cầu của bé lúc đó như: cho bé ăn nếu bé khóc vì đói, thay quần nếu bé đái dầm, dỗ dành nếu trẻ sợ hãi và bất an... thì trẻ sẽ hết quấy khóc.

Nếu ngoài cơn khóc, trẻ vẫn khỏe mạnh, ăn uống ngủ bình thường thì chị không nên quá lo lắng. Nhưng nếu trẻ trở nên mệt mỏi, biếng ăn, vã mồ hôi trộm... thì chị cần đưa con đi phát hiện bệnh ở trẻ.

Ngoài ra, chị có thể tham khảo một số bài thuốc Đông y trị chứng khóc đêm ở trẻ đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống:

Dạng tỳ vị hư hàn (bụng lạnh, tiêu hóa kém)

Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, tiếng khóc yếu, khi khóc hay ưỡn người, trán vã mồ hôi. Da trẻ thường xanh nhợt, thường ngày người uể oải, mệt mỏi, hay buồn ngủ, miệng và hơi thở lạnh, bụng lạnh, đau, chán ăn, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong, dài, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Cần sử dụng những loại thuốc có tác dụng “ôn trung kiện tỳ” (làm ấm, tăng cường tiêu hóa).

- Gừng tươi 5 g, đường đỏ 15 g. Gừng rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái chỉ, cho vào cốc sứ, đổ nước sôi vào hãm khoảng 5 phút, sau đó cho đường đỏ vào quấy đều, chia ra cho trẻ uống trong ngày và trước lúc đi ngủ.

- Hành 5-10 củ, để liền cả củ và rễ, rửa sạch, thái ngắn, gạo tẻ 25 g, gừng tươi 3 lát. Gạo vo sạch, cho vào nồi, thêm nước nấu cháo, khi cháo chín cho hành và gừng vào đun thêm một lát nữa cho sôi lại là được. Chia ra cho trẻ ăn trong ngày.

- Bạch truật (sao vàng) 6 g, đẳng sâm 8 g, phục linh 6 g, cam thảo 3 g. Sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.

Dạng tâm nhiệt (nhiệt tích ở tạng Tâm)

Biểu hiện: Trẻ khóc về đêm, tiếng khóc to, mặt đỏ, môi hồng, miệng và hơi thở nóng, thường ngày hay quấy khóc không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Cần làm mát tạng Tâm và giải nhiệt.

- Lá vông nem 6 g, diếp cá 8 g, rau má 12 g, gừng tươi 2 lát, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày.

- Đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn) 15 g, sắc lấy 2 nước, hợp 2 nước lại, chia ra 2 lần cho trẻ uống trong ngày. Cây cỏ bấc đèn mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở những nơi ẩm ướt. Mùa thu cắt toàn cây về, rạch dọc để lấy lõi riêng ra, bó thành từng bó, phơi khô để dùng dần làm thuốc.

- Lá tre 5 g, gạo tẻ 25 g. Cách chế và sử dụng: Sắc lá tre, chắt lấy nước, cho gạo vào nấu cháo cho trẻ ăn trong ngày.

Dạng lo sợ bất an (khóc đêm do sợ hãi)

Biểu hiện: Trẻ khóc đêm, đêm nằm hay bất chợt tỉnh dậy khóc thét, thường ngày tính tình nhút nhát, hay khiếp sợ, chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng. Phép chữa: Dưỡng tâm an thần.

- Hạt sen khoảng 20 hạt, để cả tâm, sắc lấy nước, chia thành 2 lần cho trẻ uống trong ngày, có thể pha thêm chút đường cho dễ uống.

- Xác ve sầu (Đông y gọi là “thiền thoái”, “thiền y”) 3-5 g, bỏ đầu và chân, sắc lấy nước, cho trẻ uống thay nước trong ngày. Hoặc xác ve sầu đem sấy khô, nghiền thành bột mịn, cất vào lọ dùng dần. Tối đến, lấy mươi ngọn bạc hà, đun nhỏ lửa cho sôi, gạn lấy nước, để gần nguội thì hòa 2-3 g bột xác ve sầu vào, cho trẻ uống từng ít một, mỗi lần vài giọt, không vội vàng uống nhiều một lúc.

Phương pháp Feber được nghiên cứu bởi Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne (Australia) cũng có thể giúp ích cho các bà mẹ hạn chế trẻ quấy đêm:

- Tập cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ.

- Khi bé khóc, đợi 1-2 phút rồi mới đến vỗ về. Vuốt ve, sờ chạm và nói chuyện với bé càng ít càng tốt. Không bế bé dậy và cũng không bật đèn.

- Rời khỏi phòng khi bé thôi khóc.

Ở những lần bé khóc sau này, tăng thời gian chờ đợi trước khi vỗ về từ 1-2 phút lên 3-4 phút, rồi 5-6 phút… Một số phụ huynh có thể đợi đến 10 phút - 15 phút hoặc hơn.

Lan Anh
(Tổng hợp)
Chia sẻ