Xu hướng sinh một con vì nỗi lo cơm áo
Quá vất vả trong việc chăm cô con gái đầu lòng, lo lắng không mua được nhà Hà Nội khi hai vợ chồng chỉ làm công ăn lương, anh Đại quyết định không sinh thêm dù anh là con 1.
Khi anh Đại thông báo với bố mẹ về quyết định này trong dịp đưa cô con gái 3 tuổi về quê ở Nam Định chơi với ông bà nội, cả hai cụ đã choáng váng.
"Trước đây mình luôn nghĩ sẽ đẻ ít nhất là hai đứa. Nhưng sau khi có con gái đầu thì lại khác. Con suốt 3 tháng đêm nào cũng khóc ngằn ngặt, rồi trở thành 'khách quen' của bệnh viện hết vì viêm phổi lại nôn trớ, rối loạn tiêu hóa... Vợ mình trở nên tiều tụy. Mình cũng bao đêm phải thức trắng trông con", anh Đại chia sẻ.
Anh cho biết, không chỉ thế, các khoản chi phí để chăm sóc, nuôi dưỡng con cũng khiến anh chị toát mồ hôi. Không nhờ cậy được ông bà nội ngoại vì các cụ đều ở xa, lại có nhiều con cháu cần giúp, vợ chồng anh phải đôn đáo tìm người giúp việc, rồi con lớn hơn thì cạy cục cho bé đi học.
"Thức đêm xếp hàng, nhờ người quen xin mãi con mới vào được trường công nhưng cũng không trụ được, vì lớp quá đông, cô không chăm hết được, trong khi con bé lại yếu. Trường tư tốt tốt tí thì chi phí đi tong tháng lương của mẹ nó", anh Đại nói thêm.
Sau tất cả, vợ chồng anh bàn bạc và quyết định không sinh tiếp. Dù không đồng tình với điều này nhưng cuối cùng bố mẹ anh Đại cũng đành tặc lưỡi "thôi, tùy chúng mày" khi nghe các con đưa ra các lý do chính đáng.
Gánh nặng kinh tế, sức ép lo cho con ăn, học khiến bà mẹ chỉ dám sinh một con. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Minh Thùy. |
Có con trai 10 tuổi, chị Chuyên (Yên Hòa, Hà Nội) đi đâu cũng nghe nhắc sinh em bé thứ hai. Thế nhưng, chị đã quyết không tiếp tục đẻ nữa.
"Mình rất sợ sinh con ra mà không chăm con được chu đáo. Bản thân mình sức khỏe không tốt, hay ốm vặt, lại bị vảy nến mãn tính, nay thuốc mai thang, lương hai vợ chồng lại thấp, sinh thêm là chồng chất bao khó khăn", chị Chuyên giải thích lý do chọn sinh một dù nghe mọi người dọa như vậy bé sẽ cô đơn và dễ sinh tính ích kỷ.
Theo lời chị, dù không được sự đồng tình của gia đình hai bên nhưng chị vẫn quyết tâm thực hiện ý định này vì có ông xã ủng hộ.
"Anh ấy nói bị ám ảnh bởi lần sinh đầu của mình, lúc vợ chửa quá ngày, suýt mất mạng khi đẻ, và một lần, anh ấy đi tiếp khách về muộn thì thấy vợ ngồi dưới đất ngủ gật, bình sữa trong tay chảy đầy vào quần áo con, còn thằng cu thì gào khóc vì đói. Đó là thời gian mình bị ngứa, con ốm, phải thức đêm nhiều nên quá mệt", chị Chuyên kể lại.
Theo lời chị, hiện tại, để lo cho cậu con trai đang học tiểu học, vợ chồng chị cũng vất vả trăm bề. "Thôi, nhà mình chỉ sinh một đứa để nuôi dạy cho tốt. Mình nghĩ, con hư hay ích kỷ đều là do cách giáo dục của bố mẹ chứ không phải vì mình có một hay nhiều con", chị nói.
Không phải vất vả về kinh tế, đã có nhà đẹp, xe hơi, thu nhập cao từ nghề bác sĩ, nhưng vợ chồng anh Tĩnh (Làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy) cũng đã thực hiện biện pháp kế hoạch hóa triệt để khi cậu con trai duy nhất vừa lên 5 tuổi.
Anh Tĩnh cho biết, vợ chồng anh đều muốn dành thời gian để nâng cao tay nghề chuyên môn, tận hưởng cuộc sống tuyệt vời đang có. Sau khi sinh con một thời gian, vợ anh đã ra nước ngoài tu nghiệp 2 năm, sắp tới, anh cũng đi Hàn Quốc học thêm bằng thạc sĩ.
"Sinh một con mình sẽ có điều kiện chăm sóc và đầu tư cho cháu học hành tốt hơn. Chúng mình cũng sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân, cho vợ, chồng và sự nghiệp. Khi già, bọn mình sẽ đi du lịch, và có những thú vui riêng, chẳng mong nhờ cậy con cái", chị Quyên, vợ anh Tĩnh nói thêm.
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng Cục dân số cho biết, sinh một con đã trở thành một hiện tượng đang có chiều hướng gia tăng tại một số thành phố. Thống kê từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, tính đến 1/4/2009, tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở nhiều thành phố khá thấp. Cụ thể: Tỉ suất sinh toàn quốc là 2,03, trong đó thành thị là 1,8, còn nông thôn là 2,15. Đặc biệt, ở TP HCM, có thời điểm, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh nở chỉ đẻ trung bình 1,45 con.
Ông Trọng cho biết, lâu nay, quốc hội thường giao chỉ tiêu cho Tổng Cục dân số là phải giảm sinh, giảm càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Đây cũng là mục tiêu suốt 50 năm qua của những người làm công tác dân số. Tuy nhiên, hiện nay, trước tình hình một số địa phương có tỉ số sinh quá thấp, thì nhiệm vụ của công tác dân số sẽ khó khăn hơn: không chỉ đảm bảo giảm sinh mà phải chẻ nhỏ mục tiêu ra, áp dụng ở mỗi vùng, mỗi tỉnh khác nhau.
"Có thể so sánh việc điều hành kiểm soát tăng dân số như điều hành tiền tệ, có lúc phải thắt chặt, có khi phải nới lỏng, có thể ở tỉnh này cần giảm sinh nhưng ở tỉnh khác không cần, thậm chí có khi 5-10 năm nữa ở một số địa phương còn phải khuyến khích sinh", ông Trọng nói.
Ông cho biết, xu hướng sinh một con đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Theo ông, xã hội càng phát triển, các chế độ an sinh càng tốt, sự ràng buộc cha mẹ với con cái lỏng lẻo, khiến cho nhu cầu sinh ít con, cùng với xu hướng sống độc thân tăng lên.
Còn theo bà Trần Thị Vân, Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ dân số Thế giới (UNFPA) tại Việt Nam thì, xu hướng sinh một con là có thật và chủ yếu do sức ép kinh tế - xã hội lên các cặp vợ chồng trong việc nuôi dạy con cái. "Có thể thấy ngay, đối với một số đông gia đình trẻ ở các thành thị lớn hiện nay, việc đảm bảo lo cái ăn, cái mặc và cho con học hành là một gánh nặng lớn khiến các bậc phụ huynh quá mệt mỏi và ngại đẻ", bà nói.
Vì lý do này, theo bà, để ngăn chặn xu hướng sinh một tăng mạnh trong thời gian tới, thì việc cần làm là phải tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các cặp vợ chồng trong việc nuôi, dạy con, chứ không thể đưa ra những quy định cứng nhắc hay bắt buộc, như khi muốn giảm sinh.
Về vấn đề này, ông Dương Quốc Trọng cũng thừa nhận, để giảm sinh đã khó, để khuyến sinh còn khó gấp nhiều lần. Hiện nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới thành công trong việc này, từ Thụy Điển, Nga, Singapore đến Hàn Quốc, Nhật...
Thực tế, tại Hàn Quốc, lo ngại tỷ lệ sinh giảm sẽ dẫn đến suy giảm lực lượng lao động, ảnh hưởng mức tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, chính phủ nước này đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích người dân sinh con, trong đó, cho phép người chồng được nghỉ việc ở nhà chăm con (có trợ cấp). Thế nhưng, phụ nữ Hàn vẫn ngại đẻ vì không được "nửa kia" chia sẻ việc nhà.
Còn tại Trung Quốc, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách một con, quốc gia này cũng đang lo ngại khủng hoảng dân số khi tỷ lệ già hóa đang diễn ra nhanh chóng, đồng thời với nguy cơ thiếu hụt nhân lực trong tương lai. Quốc gia này cũng đã nới lỏng các quy định, cho phép những trường hợp ngoại lệ hơn một con, nhưng người dân cũng ít hưởng ứng.
Tại Việt Nam, theo một báo cáo mới đây của Quỹ dân số thế giới, do tỉ suất sinh và tỉ suất tử đều giảm, cộng với tuổi thọ được kéo dài, dân số đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh chóng, trong khi chất lượng dân số không được cải thiện là bao.
Bởi vậy, theo ông Dương Quốc Trọng, trong thời gian tới, cần có các chính sách dân số khác nhau ở từng vùng miền, thành phố để các địa phương có mức sinh hợp lý, đồng thời, nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với việc nước ta trở thành quốc gia có dân số già trong vòng 15-20 năm nữa.