Xoa bụng bầu không hẳn không tốt như các mẹ nghĩ!
Việc mẹ xoa bụng là để thể hiện tình cảm âu yếm với con, để tăng sự giao lưu với con. Nhưng việc xoa bụng bầu như vậy có nên không?
Kể từ khi biết được rằng có một mầm sống đang lớn dần trong cơ thể cho đến khi cảm nhận được những cử động nhỏ của con rồi đến những cú đạp “huỳnh huỵch” của con trong bụng, gần như bà mẹ nào cũng cảm thấy hạnh phúc vô bờ và luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Và khi cảm nhận được sợi dây tình cảm mẹ con thì bà mẹ nào cũng muốn được chạm vào con, dù là chạm qua ngoài bụng và trò chuyện với con. Từ đó các mẹ vô tình hình thành thói quen xoa bụng bầu lúc nào không hay.
Mẹ xoa bụng, con bị tràng hoa quấn cổ và đòi “ra sớm”
Chị Mai Phương, ở Thanh Xuân – Hà Nội, đã phải nhập viện khẩn cấp vì có dấu hiệu em bé muốn “ra ngoài” sớm. Chẳng là, từ ngày mang bầu, do cơ thể yếu nên chị quyết định ở nhà chờ ngày sinh. Cả ngày ở nhà một mình, chẳng có người trò chuyện nên chị Phương rất hay vừa xoa xoa bụng vừa nói chuyện với con trai trong bụng. Thói quen này chị duy trì từ hồi bầu ba tháng đến nay được 7 tháng thì gặp sự cố. Hôm đó, chị Phương mệt nên nằm nghỉ trên giường cả ngày. Quen tay, chị cứ vừa nằm vừa liên tục lấy tay xoa tròn trên bụng. Bất ngờ chị cảm giác có cơn đau râm ran, sau đó đau nhiều hơn khiến chị phải ôm bụng. Rất may chồng chị nghỉ làm nên đã kịp thời đưa chị vào viện Phụ sản. Các bác sĩ phải tiêm giữ thai cho chị và yêu cầu chị nằm nghỉ, tuyệt đối không được xoa bụng nữa vì tử cung của chị khá nhạy cảm rồi.
Không hay xoa bụng và trò chuyện với con như chị Phương nhưng chị Thanh Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cũng suýt bị sinh sớm vì lý do xoa bụng nhưng lại là xoa bụng vì bôi kem chống rạn. Cơ thể vốn dĩ bình thường đã béo, nay mang thai, chị Huyền chỉ lo lắng một điều là mình sẽ “phát phì” rất nhanh và rất to, kéo theo đó là làn da sẽ “rạn hơn núi lửa”. Thế là tối tối trước khi đi ngủ, chị cật lực bôi kem chống rạn, bôi khắp chân tay và bụng. Chị massage thật kỹ để kem ngấm sâu vào da, tăng tác dụng bảo vệ, bụng càng to hơn chị càng bôi nhiều hơn. Cho đến một hôm thấy ngâm ngẩm đau bụng, chị cẩn thận đi khám hì được bác sĩ cảnh báo có dấu hiệu động thai mà nguyên nhân chính là do chị xoa kem chống rạn quá “chăm chỉ”.
Chị Lan (Yên Hòa, Hà Nội) may mắn hơn vì không bị dọa sảy thai lần nào mặc dù chị cũng xoa bụng trong suốt những tháng ngày mang thai. Nhưng khi chuẩn bị sinh thì em bé bị tràng hoa quấn cổ nên phải mổ. Mọi người nhà chị cứ trách chị xoa bụng nhiều nên mới dẫn đến tình trạng này.
… Và sự thật là
Trong thời kì mang thai, do niềm vui quá lớn, lại cộng với tâm trạng muốn thể hiện tình yêu với con mà nhiều bà mẹ không từ bỏ được thói quen xoa bụng.
Nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa sản thì hành động này không liên quan gì đến chuyện tràng hoa quấn cổ (nhau thai quấn cổ) ở thai nhi. Hiện tượng nhau thai quấn cổ thường xảy ra ở giai đoạn đầu và giữa thai kỳ. Ở giai đoạn này nhau thai dài, không gian rộng, hoạt động của thai nhi có thể là quay 1 vòng hoặc 2 vòng quanh nhau thai. Có khi thai nhi có thể tự quay trở lại vị trí ban đầu, cũng có khi khó khăn hơn cho dù là bạn có xoa bụng hay không và có xoa thế nào đi nữa thì cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Tuy nhiên, nếu biết massage bụng đúng thì lại có thể tăng sự giao lưu giữa cha mẹ và con cái. Ba mẹ có thể nhẹ nhàng massage vùng bụng mẹ để cảm nhận những hoạt động của bé. Cách tốt nhất là vừa massage vừa nói chuyện với bé. Thông qua sự massage phần bụng của mẹ, thai nhi cảm nhận được sự tồn tại của ba mẹ và đồng thời giúp kích thích hệ thần kinh của bé bắt đầu cảm nhận được thế giới bên ngoài cơ thể, từ đó giúp thúc đẩy tế bào não của bé phát dục, đẩy nhanh quá trình phát triển trí lực; Massage còn có thể kích thích các hoạt động tích cực của thai nhi, thúc đẩy sự phát dục của thai nhi.
Điều mà các mẹ cần lưu ý khi massage hay xoa bụng là:
- Khi xoa bụng cần nhẹ nhàng, chậm chạp, không siết mạnh tay vào bụng.
- Không nên xoa bụng trong 3 tháng đầu và 2 tháng cuối của thai kỳ.
- Không nên vỗ mạnh vào bụng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thì không nên vỗ bụng, từ tháng thứ 6 thai phụ có thể vỗ nhẹ vào bụng theo nhịp đạp của thai nhi để giáo dục thai nhi hoặc luyện tập cho thai.
- Những thai phụ có những bất thường khi mang thai như: trước đó hay bị sảy thai, có dấu hiệu đẻ non, động thai... thì càng không nên vỗ hay xoa bụng.