Xấu hổ vì con nhát như cáy

Mi Vân,
Chia sẻ

Cứ đến nhà người lạ thì thôi rồi, bé nhảy lên khóc lóc, mếu máo. Đến khi bố mẹ đưa về, bé mới chịu ngồi yên.

“Ôi con với cái, xấu hổ quá!”

Chị Hoa Mai (29 tuổi, Láng Hạ, Hà Nội) dạo gần đây vô cùng stress khi bé An An (2 tuổi) rất hay khóc nhè. Điều lạ là, chị cho An An đi chơi từ rất sớm. Ngay từ khi bé được 1 tháng tuổi, chị đã cho bé đi thăm ông bà, đi chơi xa, rồi đi công viên giao lưu với bạn bè, anh chị. Thế nhưng không hiểu sao dạo này cứ khi nào bế bé ra khỏi nhà là bé lại giãy giụa, khóc lóc. 

Đặc biệt, bé đến nhà người lạ thì thôi rồi, bé nhảy lên khóc lóc, mếu máo. Đến khi bố mẹ đưa về, bé mới chịu ngồi yên. 

Trong hoàn cảnh tương tự, gia đình anh Tiến Việt – chị Phương Hà (Định Công, Hà Nội) lúc nào cũng xảy ra cuộc “đấu súng” nảy lửa giữa hai vợ chồng. 

Nguyên nhân bắt nguồn từ thằng cu Bin. Bé Bin đã dù đã bước vào lớp 1 nhưng bé vẫn nhát. Điều này khác hoàn toàn với Bố Việt. Bố làm sếp, tính tình nóng như lửa, lúc nào cũng “oai như cóc”. 

Thế mà cậu con trai lại dúm dó, co ro với mọi người. Điều này làm anh Việt không hài lòng và hay mắng con. Anh suốt ngày bảo: “Bin cứ như con gái ấy, lúc nào cũng khóc, lúc nào cũng xấu hổ thôi”.

Xấu hổ vì con nhát như cáy 1
Khiến con tự tin, độc lập là điều bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng mong mỏi. 
Nhưng để tạo dựng điều đó không phải là điều đơn giản (Ảnh minh họa)

Thấy chồng mắng con, con khóc nhẹ, chị Hà lại “sôi máu”. Thế là chiến tranh trong gia đình anh lại bùng nổ. 

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng bé Bin nhát thật. Dù đã gần 6 tuổi nhưng cứ đến những nơi đông đúc như siêu thị, công viên là bé lại bắt bố mẹ bế, đặt xuống hay dỗ dành bé chạy loăng quăng theo bố mẹ là thể nào bé cũng gào toáng lên, nức nở như bị ai đánh. 

Đôi lần anh chị không khỏi xấu hổ khi đồng nghiệp anh đến chơi mang theo cả trẻ con, bé Minh Tú hơn 2 tuổi. Thấy em bé chơi lăng xăng, rồi ra cả chỗ mình, nhưng Bin lại xấu hổ, ngại ngùng, đi ra chỗ khác. Bé Tú lại chạy theo lấy đồ chơi của anh. Thế mà Bin lại khóc ngon lành, chạy ra mách bố. 

Anh Việt chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm: “Ôi con với cái, xấu hổ quá!”.

Khiến con tự tin, độc lập là điều bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng mong mỏi. Nhưng để tạo dựng điều đó không phải là điều đơn giản. 

Lời khuyên của chuyên gia

Nhút nhát là một vấn đề khá phổ biến và nghiêm trọng mà các bậc phụ huynh cần phải khắc phục sớm cho bé. 

Có khá nhiều cách khiến bé trở nên mạnh dạn hơn. Khi bé còn nhỏ, bạn có thể đưa bé đi chơi, tiếp xúc với người lạ. Dạy bé cách niềm nở, cười đùa, thân thiện với mọi người xung quanh. 

Khi bé lớn hơn chút nữa, bạn có thể khuyến khích bé mời bạn bè đến chơi nhà, hoặc động viên con đến chơi nhà bạn. Nhờ đó, bé sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm giao tiếp, sự nhát gan sẽ ít dần đi. 

Xấu hổ vì con nhát như cáy 2
Việc cần làm của bạn là động viên, khuyến khích để bé tự nhiên hơn (Ảnh minh họa)

Bố mẹ không nên “đay đi đay lại” vấn đề: “Sao con nhát thế?”, “Lớn bằng từng này mà nhát thế à?” “Dốt”… Bởi nếu thế, bé sẽ cảm thấy bố mẹ chỉ nhận ra điều ấy ở bé mà thôi. Vậy thì bé "cố để mà làm gì?". 

Việc cần làm của bạn là động viên, khuyến khích để bé tự nhiên hơn. Thay vì trách móc, bạn có thể bảo ban con bằng cách dùng những câu từ nhẹ nhàng, tránh xúc phạm con.  

Bé sợ chốn đông người, bạn cần nhẹ nhàng đưa bé tới những nhóm nhỏ có trẻ con để tham gia. Bạn có thể là người mở đầu trước để bé bắt chước. 
Bạn có thể chỉ cho con thấy: “Con xem kìa, bạn ấy ngoan không, cũng theo bố đi siêu thị nhé”. 

Có nhiều phụ huynh còn cho bé ngủ riêng để tạo dựng cho bé độc lập và nói không với nhút nhát.

Sẽ là điều sai lầm khi người lớn lấy những hình ảnh ma quỷ ra để dọa con. Việc dọa này sẽ khiến bé bị tổn thương, bé sẽ suốt ngày liên tưởng tới những hình ảnh đáng sợ. Thật quá khó khi đòi hỏi bé không được nhút nhát nếu bố mẹ cứ làm vậy!

Quan trọng hơn cả, bạn hãy dành thời gian để chia sẻ với con. Bạn hãy khuyến khích bé nói lên suy nghĩ của mình và cùng giải quyết. Việc bố mẹ dành thời gian lắng nghe con nói cũng giúp con cảm thấy mình là người quan trọng. 



Ai hỏi câu gì bé cũng chỉ đưa mắt lên nhìn mà không nhanh nhẹn, hoạt bát như khi ở nhà. Kể cả câu: “Con tên gì?”, nhiều bé cũng chẳng biết trả lời thế nào.
Xấu hổ vì con nhát như cáy 3
Chia sẻ