Xâm hại tình dục trẻ em - dạy con phòng tránh
Dạy con như thế nào để tránh những chuyện xâm hại đau lòng
|
Còn nhớ cách đây 2 năm, vụ XHTD vô cùng thương tâm xảy ra với bé H mới hơn 3 tuổi ở huyện Ninh Khánh, tỉnh Ninh Bình. Bé H bị tổn thương nghiêm trọng về thể xác, tâm hồn và sức khoẻ, phải cấp cứu và điều trị rối nhiễu tâm lý trong suốt thời gian dài... Em Ng ở Cần Thơ mới 4 tuổi mà đã bị XHTD tới 5 lần; hay mới đây, em L 13 tuổi bị ông già 76 tuổi XHTD gây tâm lý hoảng sợ... XHTD trẻ em là hành động vô đạo đức, vô nhân tính.
Cưỡng bức, hiếp dâm trẻ em là những hành động không thể dung thứ. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống tinh thần của trẻ và kéo dài rất lâu, thậm chí ảnh hưởng đến cả cuộc sống trưởng thành của con.
Khi bị XHTD, trẻ bị tổn thương về sức khoẻ, rơi vào tình trạng sợ hại, hoảng loạn hoặc mắc bệnh trầm cảm, mắc bệnh tâm thần; nhiều trường hợp tự tử...
Cách đầu tiên cần làm là các bậc cha mẹ hãy nói cho con cái biết về sự thay đổi, phát triển của cơ thể để trẻ hiểu cơ thể mình và hiểu mình cần phải làm những gì để tự bảo vệ bản thân.
Nói với trẻ đối tượng như thế nào, hành vi như thế nào được coi là không đáng tin cậy. Ví dụ: người lạ khác giới ôm ấp, ve vuốt, thơm bé - Hãy giải thích cho con rằng những hành động âu yếm đó chỉ có bố mẹ, người thân ruột thịt có thể làm. Có thể giải thích rõ thêm cho bé về những nguy cơ hiện nay, có nhiều bạn đã bị làm hại. Vì thế việc quan trọngl à con cần hiểu và biết cách bình tĩnh xử trí
Nói cho trẻ biết cách phản ứng xử lý với sự việc: tìm cách tránh xa, gọi người xung quanh giúp đỡ. Tốt nhất là dạy con không tiếp xúc một mình với người lạ, không đi theo họ dù vì bất cứ lý do gì.
Nếu trẻ đem chuyện bị xâm hại tâm sự với bạn, bạn cần biết một số điều để tránh làm trẻ tổn thương thêm:
Tin tưởng: Trẻ đã phải dằn vặt rất nhiều trước khi quyết định nói ra, và chúng cũng sợ người lớn quở trách, kết tội hoặc không tin. Vì thế nếu bạn tỏ ra nghi ngờ, trẻ sẽ khép lòng lại và bạn khó giúp đỡ con được. Ngược lại, sự tin tưởng của bạn sẽ góp phần giúp con vượt qua sang chấn, giảm nỗi đau.
Cố bình tĩnh: Khi biết chuyện, phụ huynh, nhất là các ông bố, thường nổi cơn thịnh nộ. Điều này sẽ làm trẻ, vốn đang sợ hãi, mặc cảm, suy diễn rằng bạn đang tức giận với nó, và nó là người có lỗi. Vì vậy, nên cố gắng bình tĩnh, cho con biết rằng nhiều trẻ cũng bị như vậy để nó thấy rằng mình không bị cô độc trên thế giới.
Lắng nghe: Bạn nên chăm chú nghe những gì trẻ muốn nói; đừng thăm dò bằng cách hỏi thêm theo ý chủ quan của mình vì có thể làm bóp méo bằng chứng. Chấp nhận những gì con nói với bạn, không phán xét, vặn vẹo, hãy cho thấy bạn thông cảm và hiểu hết.
Khuyến khích trẻ nói ra cảm giác của mình, tỏ ra quan tâm. Nói với con rằng nó đã làm đúng và thật dũng cảm khi kể lại. Nên làm trẻ vững dạ bằng câu nói kiểu như: “Bố mẹ sẽ ở bên cạnh con nếu con muốn”, “Bố mẹ sẽ cùng con giải quyết chuyện này”. Bạn cần khẳng định với con rằng sự việc xảy ra hoàn toàn không phải do lỗi của trẻ.
Chuẩn bị cho con lường trước những điều có thể xảy ra: Bạn đừng hứa với trẻ là sẽ không nói với ai bởi bạn khó thực hiện nếu trình báo. Tốt nhất là nên chuẩn bị tinh thần cho trẻ, làm con hiểu rằng sẽ không thể một mình vượt qua chuyện này, mà cần sự giúp đỡ.
Cẩm Chướng